Quảng Ninh: Nhiều chính sách thiết thực thu hút vốn FDI

(BKTO) - Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về hạ tầng, kỹ thuật, dịch vụ… tại các khu kinh tế, khu công nghiệp để thu hút nguồn vốn FDI lớn.

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023, cả tỉnh sẽ có 5 khu kinh tế và 23 khu công nghiệp. Đây sẽ là những trụ cột tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.

qn-14.3.jpg
Nhà máy Jinko Solar 2 tại Khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên. Ảnh: baoquangninh.vn

Để đạt được những mục tiêu trên, Quảng Ninh đã lập đề án “Xây dựng, phát triển nhanh, bền vững các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040”. Đồng thời, Quảng Ninh cũng chú trọng công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, ưu tiên thu hút các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Song song với đó, Quảng Ninh còn định hướng phát triển theo chiều sâu các khu kinh tế, khu công nghiệp để tăng tính cạnh tranh quốc gia và quốc tế. Với việc tăng tính liên kết giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế của Quảng Ninh - Hải Phòng sẽ hình thành các cụm sản xuất có quy mô lớn.

Việc xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng được chú trọng. Trong đó có hỗ hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động và hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về vốn tín dụng.

Các khu kinh tế đã được phê duyệt quy hoạch các phân khu, làm cơ sở quan trọng triển khai các quy hoạch chi tiết và kêu gọi dự án đầu tư, như Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên... Qua đó, tạo ra sức hấp dẫn, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư tìm đến phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đơn cử như Khu kinh tế Vân Đồn, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng, đến nay khu kinh tế này đã có 12 quy hoạch phân khu được lập. Trong đó có 9/12 đồ án quy hoạch phân khu đã được UBND tỉnh phê duyệt, với tổng diện tích trên 27.000ha, làm căn cứ thu hút đầu tư.

Hiện nay, Vân Đồn đã hiện hữu những công trình, dự án giao thông trên bộ, trên biển, hàng không đẳng cấp khu vực và thế giới như: Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Bến cảng cao cấp quốc tế Ao Tiên...

Tại đây còn có các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng cao cấp như: Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City, Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải, Khu đô thị và bến cảng cao cấp Ao Tiên, Tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn, Khu đô thị Phương Đông.

Đối với 23 khu công nghiệp được quy hoạch, có 7 khu công nghiệp được thành lập và có chủ đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh hạ tầng, cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất gồm các khu công nghiệp: Cái Lân, Việt Hưng, Hải Yên, Đông Mai, cảng biển Hải Hà, Sông Khoai, Đầm Nhà Mạc (Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong). Những khu công nghiệp còn lại đang được lập, phê duyệt quy hoạch, quy hoạch phân khu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Theo định hướng, mỗi khu khu công nghiệp sẽ phát triển theo từng chuỗi sản phẩm, ngành nghề khác nhau, tập hợp các ngành liên kết, tương hỗ, phụ thuộc nhau để tạo nên những sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh. Có thể kể đến như Khu công nghiệp Đông Mai, Sông Khoai, Việt Hưng, Bắc Tiền Phong phát triển chuỗi công nghiệp sản xuất ô tô, cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử; Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà phát triển công nghiệp dệt công nghệ cao…

Các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đã tích cực giải quyết các thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo ra quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

Bằng những chính sách thiết thực trên, năm 2023 ghi nhận tổng số vốn thu hút FDI vào địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh đạt trên 3,1 tỷ USD, lập kỷ lục về thu hút FDI của tỉnh từ trước tới nay.

Trong tháng 1 và tháng 2/2024, có 8 dự án FDI mới tại Quảng Ninh với tổng vốn 478 triệu USD. Riêng Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện của Gokin Solar tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà) có số vốn cao nhất gần 275 triệu USD. Tháng 3/2024, Quảng Ninh dự kiến đón thêm 7 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Trung Quốc.

Theo ông Phạm Xuân Đài, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, tình hình thu hút FDI trong quý I/2024 của địa phương có rất nhiều tín hiệu khả quan, ước tính sẽ đạt 1 tỷ USD, bằng 1/3 kế hoạch của cả năm.

Nói về chính sách thu hút vốn FDI, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, tỉnh sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, tỉnh sẽ không thu hút FDI bằng mọi giá, mà ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, giá trị gia tăng lớn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và thu ngân sách.

Cùng chuyên mục
Quảng Ninh: Nhiều chính sách thiết thực thu hút vốn FDI