Đó là thông tin được nêu trong Đề án Cơ cấu lại VEC vừa được Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) Nguyễn Hoàng Anh phê duyệt tại Quyết định số 565/QĐ-UBQLV.
Theo Đề án, VEC được sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết của Đàng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; UBQLV là cơ quan đại diện chủ sở hữu, hoạt động theo mô hình Nhóm Công ty mẹ - Công ty con.
VEC được giao quản lý và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và vốn điều lệ tăng theo lộ trình trên cơ sở phần vốn Nhà nước đầu tư vào các dự án do VEC làm chủ đầu tư.
Đề án được thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ, tài sản, lợi thế cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; khai thác có hiệu quả các nguồn lực của VEC trong quản lý vận hành, khai thác, bảo trì các tuyến đường bộ cao tốc, đảm bảo an toàn, góp phần quan trọng giải quyết vấn đề về giao thông vận tải của cả nước.
Áp dụng, phương thức quản trị hiện đại, rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; hoàn thiện hệ thống quy trình, quy chế nội bộ, công khai, minh bạch thông tin, bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; sắp xếp lại nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển, năng lực, trình độ từng cấp cán bộ; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ và kiểm soát rủi ro; phát hiện sớm và kịp thời xử lý tồn tại, yếu kém.
Thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động; đồng bộ dữ liệu, hoàn thiện các tính, năng chuyên sâu phục vụ quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh; nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, khoa hộc kỹ thuật tiến bộ, khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản đường cao tốc hiện có, các tuyến đường cao tốc được đầu tư mới, được giao quản lý.
Theo Chủ tịch UBQLV Nguyễn Hoàng Anh, Đề án được triển khai đến hết năm 2025. Trong đó, tập trung đẩy mạnh thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư bổ sung vốn điều lệ; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, nhân sự; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định nội bộ của Tổng công ty.
VEC sẽ tiếp tục kinh doanh trong các ngành nghề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó, ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì và tổ chức thu phí các tuyến đường cao tốc quốc gia; khai thác, kinh doanh dịch vụ dọc tuyến đường cao tốc.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Nguồn vốn của VEC sẽ được cơ cấu lại thông qua hoàn thành các thủ tục liên quan đến việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ. Tái cấu trúc các khoản nợ vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay cho các tổ chức tài chính, đề xuất các cơ chế tài chính đảm bảo đủ nguồn lực để tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án trong tương lai.
Tài sản của VEC cũng được cơ cấu lại bằng cách thực hiện chuyển giao tài sản hình thành từ vốn đầu tư của Nhà nước tại dự án thành vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp đồng thời với quá trình đầu tư bổ sung vốn điều lệ.
Về quản lý tài chính, cần quản lý, sử dụng dòng tiền an toàn, linh hoạt, hiệu quả đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với công ty con, công ty liên kết nhằm quản lý chặt chẽ nguồn lực vốn, tài sản và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Lựa chọn các giải pháp tài chính an toàn, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.