Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1486/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên
Theo Kế hoạch, tỉnh Lai Châu sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án lớn, quan trọng, cấp bách, có tính kết nối, tạo động lực cho phát triển nhưng không huy động được nguồn lực xã hội hóa, bảo đảm đồng bộ, hiện đại; đầu tư hạ tầng đến vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu và các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng văn hóa xã hội; quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là chuỗi đô thị theo trục động lực và các vùng kinh tế đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Cụ thể các dự án: Cao tốc Bảo Hà (Lào Cai) - Lai Châu (CT.13); cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ: 4H, 4D, 12, 32, 279D, 279; đường nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hầm đường bộ qua đèo Khau Co và các tuyến kết nối; Hồ Giang Ma; Hồ Phiêng Lúc; Hồ Căn Co; Kè chống sạt lở bảo vệ dân cư, cơ sở hạ tầng tại các huyện Phong Thổ, Than Uyên, Mường Tè; xây dựng các công trình cấp, trữ nước huyện Mường Tè…
Đối với các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, tỉnh Lai Châu sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên như: Hạ tầng giao thông; khu kinh tế; khu, cụm công nghiệp; công nghiệp khai thác và chế biến sâu khoáng sản (nhất là đất hiếm); các khu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tập trung, các dự án chế biến nông lâm sản; nguồn điện và lưới điện; hạ tầng logistics, hệ thống bến cảng đường thủy nội địa, cảng cạn; khu đô thị; khu, điểm du lịch; cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ...
Cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 168 nghìn tỷ đồng
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm đạt khoảng từ 9 đến 11% trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, tỉnh Lai Châu cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 168 nghìn tỷ đồng.
Một trong những giải pháp thực hiện Kế hoạch, tỉnh Lai Châu sẽ nghiên cứu, xây dựng, triển khai chương trình, chính sách hỗ trợ nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư.
Đồng thời, tăng cường tổ chức hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và các cấp chính quyền, kịp thời giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tập trung thu hút vốn để phát triển các ngành trụ cột của tỉnh như: Công nghiệp thủy điện, chế biến đất hiếm, chế biến nông lâm thủy sản; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; kinh tế biên mậu; phát triển các khu du lịch; phát triển các vùng nông lâm nghiệp hàng hóa tập trung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp sạch, phát triển một số sản phẩm chủ lực như: Mắc ca, chè, sâm Lai Châu các sản phẩm OCOP đặc hữu… phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh…/.