Sau khi EVFTA có hiệu lực, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá. Ảnh: TTXVN
Tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và cải thiện ngân sách
Hiệp định EVFTA gồm 17 chương, 8 phụ lục, 2 nghị định thư, 2 biên bản ghi nhớ và 4 tuyên bố chung, điều chỉnh nhiều vấn đề, gồm: thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm, các hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, DNNN, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế. Với mức độ cam kết trong một số lĩnh vực cao hơn và phạm vi rộng hơn, EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU; phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Đánh giá về tác động của EVFTA đối với Việt Nam, Tờ trình của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Hiệp định cho biết, ngoài các tác động về chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại, về mặt kinh tế, theo báo cáo của Chính phủ, sau khi EVFTA có hiệu lực, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Riêng thu NSNN có thể sẽ được cải thiện và tăng trong trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, Hiệp định có tác động khác nhau đối với các ngành. Tác động gián tiếp thông qua sức ép cải cách thể chế cũng sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế. Cụ thể, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại, việc Anh rời khỏi EU, sự thay đổi chính sách của các nước… tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
EVFTA dự kiến cũng sẽ giúp kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU, cũng như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và thế giới tăng. Theo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030; dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. EVFTA là cơ hội để Việt Nam thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm.
Việc đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện Hiệp định sẽ tạo sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, tạo ra những động lực mới cho dòng vốn FDI vào Việt Nam. Các lĩnh vực thu hút FDI dự kiến sẽ được mở rộng và đa dạng hơn trong những ngành EU có thế mạnh. Đối với NSNN, việc cắt giảm thuế quan theo EVFTA sẽ có tác động hai chiều đến nguồn thu NSNN. Một là giảm thu NSNN do giảm thuế xuất, nhập khẩu. Hai là tăng thu NSNN do có thu thêm từ nội địa dưới tác động tích cực của thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Lợi ích của EVFTA về thu ngân sách có thể sẽ được phát huy tốt hơn trong trung và dài hạn.
Đánh giá kỹ những thách thức
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, đối với nước ta, Hiệp định EVFTA có thể mang lại một số thách thức nhất định. Theo đó, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, DN và hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Bên cạnh đó, EVFTA bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật… Đây là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam cải cách hệ thống pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả của mua sắm công, đổi mới mô hình tăng trưởng. Ngoài ra, các cam kết về lao động cũng đặt ra những thách thức nhất định cho Việt Nam.
Cho ý kiến về vấn đề này tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đều tán thành cần sớm thông qua phê chuẩn Hiệp định để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sản xuất, kinh doanh trong nước cũng như hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, Chính phủ cần đánh giá đầy đủ, phân tích kỹ hơn để thấy rõ những cơ hội cũng như những khó khăn, thách thức khi tham gia EVFTA, như thách thức về sức cạnh tranh sẽ tác động như thế nào đến sản xuất trong nước, hàng rào kỹ thuật của nước ta đã đầy đủ, tương xứng chưa…
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, khi tham gia EVFTA phải tính đến một số khó khăn như công tác quản lý đấu thầu thuốc và thiết bị y tế, khi các nước đề nghị chúng ta phải tham gia đấu thầu trực tiếp. Bên cạnh đó, vấn đề sở hữu trí tuệ cũng cần được tính đến để tránh bị kiện về sở hữu trí tuệ. Riêng vấn đề liên quan đến phán quyết của trọng tài phải có nghị quyết riêng để tạo ra phán quyết của tòa án.
Một số ý kiến cũng đề nghị, Chính phủ cần đánh giá kỹ thêm về hệ quả của quan hệ giữa Việt Nam với EU trong thời điểm này, nhất là sau dịch Covid-19 và sau khi Anh rời EU; cập nhật thêm những thách thức mới. Bên cạnh đó, để bảo đảm thực thi Hiệp định, Chính phủ cần cân nhắc về định hướng, lộ trình, rà soát, hoàn thiện danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp các quy định của EVFTA, đồng thời đảm bảo nguyên tắc tính thống nhất của luật pháp và đảm bảo đúng Hiến pháp.
Đ.KHOA