Ngành thuế tìm cách bù đắp hụt thu ngân sách

(BKTO) - Tháng 4/2020, một số nguồn thu lớn có tốc độ giảm nhanh, hầu hết địa phương đều đạt thấp cả về tiến độ và tốc độ thu ngân sách. Để hỗ trợ người nộp thuế khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu cho NSNN, ngành thuế sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bù đắp hụt thu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.




Ngành thuế sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bù đắp hụt thu ngân sách. Ảnh: TTXVN

Số thu của ngành thuế giảm mạnh

Tổng cục Thuế cho biết, tình hình thu ngân sách các tháng qua có dấu hiệu giảm dần do tác động của dịch Covid-19, đặc biệt, số thu ngân sách giảm sâu trong tháng 4. Một số nguồn thu lớn có tốc độ giảm nhanh. Cụ thể, thuế giá trị gia tăng tăng 8% trong quý IV/2019 và 3,2% trong 3 tháng đầu năm, nhưng đến tháng 4 đã giảm 48,8%, lũy kế 4 tháng giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 9,5% trong quý IV/2019 nhưng giảm 2,1% trong 3 tháng đầu năm và đến tháng 4 giảm 22,8%, lũy kế 4 tháng giảm 7,2%. Thuế thu nhập DN dù tháng 12/2019 tăng 15,6% và 3 tháng đầu năm tăng 16,1% nhưng tháng 4 đã giảm 55,6%. Như vậy, sau 4 tháng, thuế thu nhập DN giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, tiến độ thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2020 tại hầu hết địa phương đều đạt thấp cả về tiến độ và tốc độ. Riêng trong tháng 4, chỉ có 3 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 4 địa phương thu đạt từ 8 - 9,4% so với dự toán, 59/63 địa phương còn lại thu thấp hơn 8%, 60 địa phương có số thu giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến số thu ở nhiều địa phương giảm mạnh là do hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và việc thực hiện chính sách gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất.

Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương tính đến cuối tháng 3/2020, tổng số thuế giảm khoảng 143.000 tỷ đồng do tác động từ dịch Covid-19 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về phòng, chống tác hại của rượu bia.

Dịch Covid-19 đã và sẽ tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động thu ngân sách trên địa bàn một số tỉnh, thành phố. Tại TP. HCM, tổng thu cân đối NSNN 4 tháng năm 2020 của Thành phố ước thực hiện 117.278 tỷ đồng, đạt 28,9% dự toán, giảm 12,4% so với cùng kỳ. Ước số thu ngân sách năm 2020 của tỉnh Bắc Ninh sụt giảm khoảng 1.200 tỷ đồng so với dự toán được giao. Còn tại Quảng Ngãi, số thu NSNN năm 2020 trên địa bàn ước sụt giảm 5.500 tỷ đồng, trong đó, số thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ước hụt khoảng 3.300 tỷ đồng (giảm hơn 1 nửa so với số thu được giao 7.102 tỷ đồng). Tương tự, số thu nội địa 4 tháng đầu năm của Cục Thuế Hải Phòng mới đạt trên 28% dự toán được giao…

Đôn đốc thu đúng, thu đủ, rà soát các nguồn thu tiềm năng

Để hỗ trợ người nộp thuế khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu cho NSNN, bù đắp thiệt hại do tác động của dịch bệnh gây ra, Tổng cục Thuế sẽ rà soát người nộp thuế không thuộc diện được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ để đôn đốc nộp đúng, đủ, kịp thời số thuế phải nộp vào NSNN; rà soát người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất nhưng còn nợ thuế để đôn đốc thu kịp thời tiền thuế nợ vào NSNN.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ và đôn đốc các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế vào NSNN kịp thời, góp phần giúp Chính phủ có thêm nguồn lực ngân sách thực hiện các giải pháp ngăn chặn, dập dịch Covid-19, tạo thuận lợi cho DN nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, cơ quan thuế sẽ không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, cơ quan thuế sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra sau hoàn thuế nhằm hạn chế tối đa hiện tượng lợi dụng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát để khai không đúng hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế; đồng thời, nghiên cứu thực hiện thanh tra điện tử trên cơ sở khai thác dữ liệu tập trung tại cơ quan thuế, hạn chế thanh tra, kiểm tra cơ sở dữ liệu tại trụ sở người nộp thuế.

Tổng cục Thuế sẽ triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế, không để xảy ra tình trạng DN lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của Nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế. Cơ quan thuế cũng sẽ rà soát các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số hụt thu NSNN do dịch bệnh Covid-19 gây ra như: thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu tiền sử dụng đất, khí thiên nhiên, thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử...

Cùng với đó, ngành thuế tăng cường kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ về giá cả hàng hóa; quản lý hiệu quả hơn hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng internet, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, qua đó chống thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư, tăng thu cho NSNN.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết, ngành sẽ tiếp tục duy trì Tổ thường trực đánh giá tác động của dịch Covid-19 tại cơ quan thuế các cấp, theo dõi sát sao diễn biến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN để đánh giá tác động của dịch Covid-19 và các chính sách mới đến thu NSNN nhằm dự báo chính xác nguồn thu ngân sách phát sinh, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành thu NSNN.

MINH ANH
Cùng chuyên mục
Ngành thuế tìm cách bù đắp hụt thu ngân sách