Nhật Bản duyệt chi 17 tỷ USD chống lạm phát

(BKTO) - Trong phiên họp Nội các ngày 28/3, Chính phủ Nhật Bản đã duyệt chi 2.222,6 tỷ yen (khoảng 17 tỷ USD) từ quỹ dự phòng trong ngân sách tài khóa 2022 để thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của lạm phát tới các hộ gia đình ở nước này.

nhat_ban-covid-afp.jpg
500 tỷ yen sẽ được trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp - Ảnh minh họa

Trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho nhiều đối tượng

Theo dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi 155,1 tỷ yen để trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho các trẻ nhỏ trong các gia đình có thu nhập thấp và các gia đình đơn thân với số tiền 50.000 yen/trẻ. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ khẩn cấp thêm 736,5 tỷ yen cho các chính quyền tỉnh để thực hiện các biện pháp chống dịch COVID-19.

Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ thêm 1.200 tỷ yen cho các chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp chống lạm phát phù hợp với điều kiện của địa bàn, trong đó 500 tỷ yen sẽ được phân bổ cho chương trình trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, và 700 tỷ yen giúp các địa phương thực hiện các biện pháp nhằm giảm gánh nặng chi phí điện và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho những hộ tiêu thụ lớn.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi 96,5 tỷ yen cho các biện pháp nhằm giúp các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đối phó với tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, và 31,1 tỷ yen để kiềm chế giá lúa mỳ nhập khẩu.

Kể từ đầu năm ngoái, lạm phát ở Nhật Bản đã liên tục tăng. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), trong tháng Một vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,3% so với quý trước, cao nhất kể từ tháng 9/1981.

Đây là tháng thứ tư liên tiếp lạm phát ở Nhật Bản liên tục ở trên mức cao nhất trong 40 năm và là tháng thứ 17 liên tiếp chỉ số này tăng.

Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn cho rằng lạm phát ở Nhật Bản hiện nay chủ yếu do chi phí đẩy và sẽ không kéo dài, do đó BoJ vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng nhằm đạt được mục tiêu lạm phát ổn định và bền vững.

Ngân sách kỷ lục cho tài khóa 2023

nhat-ban-lam-phat-reuters.jpg
Lạm phát lõi của Nhật Bản đã đạt mức cao nhất trong 4 thập niên - Nguồn: Internet

Cũng trong ngày 28/3, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành ngân sách có tổng trị giá lên tới 114.380 tỷ yen (khoảng 862 tỷ USD) cho tài khóa 2023, cao nhất từ trước tới nay. Đây là năm thứ 11 liên tiếp, ngân sách thường niên của nước này tăng cao kỷ lục và là năm thứ 5 liên tiếp ở mức trên 100.000 tỷ yen.

Theo Hiến pháp Nhật Bản, dự toán ngân sách phải được ban hành trước khi tài khóa mới bắt đầu. Trong tổng dự toán chi ngân sách của tài khóa 2023 (bắt đầu vào đầu tháng 4/2023), chi phí an sinh xã hội lên tới 36.890 tỷ yen, cao nhất từ trước tới nay, chủ yếu do tình trạng già hóa dân số nhanh ở nước này.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ phân bổ 4.000 tỷ yen cho các quỹ dự phòng để đối phó với dịch COVID-19 và giá cả hàng hóa leo thang.

Việc Quốc hội Nhật Bản thông qua ngân sách cho tài khóa 2023 diễn ra vào thời điểm quốc gia Đông Bắc Á này đang tăng cường chi tiêu để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình do giá hàng hóa tăng cao.

Lạm phát lõi đã đạt mức cao nhất trong 4 thập niên, chủ yếu do chi phí năng lượng và nguyên liệu thô cao hơn cộng với đồng yen suy yếu.

Theo ước tính của Mitsubishi UFJ Research & Consulting, các hộ gia đình Nhật Bản sẽ phải chi thêm trung bình 60.000 yen cho các mặt hàng thực phẩm trong năm 2023 so với một năm trước đó, do các doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng giá trong những tháng tới.

Cùng chuyên mục
Nhật Bản duyệt chi 17 tỷ USD chống lạm phát