Nhiều dấu ấn nổi bật trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2020

(BKTO) - Sáng 23/2, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 53, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh tham dự phiên họp.



                
   

Toàn cảnh Phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

   

Chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong quản lý, điều hành

Trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ, trong nhiệm kỳ, Chính phủ luôn chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trước Nhân dân và đất nước, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật; chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt trong quản lý, điều hành các lĩnh vực, vừa thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, vừa xử lý kịp thời những vấn đề đột xuất, phát sinh.

Nổi bật là, Chính phủ đã ưu tiên, dành thời gian cho công tác hoạch định chính sách, xây dựng và hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật. Trong nhiệm kỳ, Chính phủ đã trình Quốc hội, UBTVQH 107 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; ban hành kịp thời và tương đối đầy đủ theo thẩm quyền văn bản quy định chi tiết để tổ chức thi hành pháp luật và đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành.

         
Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%. Trước tác động của dịch Covid-19, Chính phủ đã nhanh chóng xây dựng phương án, kịch bản phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”; quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ. Tăng trưởng năm 2020 ước đạt 2,91%, thuộc 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Quy mộ GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015.
Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử.

Đặc biệt, Chính phủ chú trọng thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Chính phủ luôn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; chú trọng kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển thị trường nội địa…

Trong nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình quan trọng quốc gia, tỷ lệ giải ngân vốn NSNN năm 2020 ước đạt 82,66%, mức cao nhất giai đoạn 2016-2020. Tập trung thực hiện các đột phá chiến lược; thực hiện tốt các chính sách xã hội, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội…
                
   

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

   

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, ứng phó kịp thời, ngăn chặn, kiểm soát tốt đại dịch Covid-19; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh; chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chủ động, tích cực, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước…

Nhiều kết quả ấn tượng

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo và nhận thấy, trong nhiệm kỳ 2016-2021, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã không ngừng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo phương châm Chính phủ kiến tạo, hành động; kết quả đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và báo cáo của cơ quan thẩm tra, tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH đánh giá cao những kết quả nổi bật, ấn tượng trong nhiệm kỳ công tác của Chính phủ.

Nhấn mạnh những dấu ấn nổi bật trong kết quả công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, đây là một nhiệm kỳ rất thành công của Chính phủ. Trong hoàn cảnh rất khó khăn, phức tạp, Chính phủ đã vững vàng chèo lái điều hành, quản lý để đạt được những kết quả hết sức quan trọng và có ý nghĩa.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dấu ấn rõ nhất là một Chính phủ rất năng động, sáng tạo, tích cực, chủ động trong công tác điều hành, quản lý; thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ. Chính phủ ngày càng thể hiện sự tôn trọng Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các hoạt động của Quốc hội để hợp tác với nhau trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp. Các thành viên Chính phủ rất tôn trọng Quốc hội, các ý kiến của đại biểu Quốc hội, lắng nghe và nghiêm túc trong giải đáp, báo cáo giải trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, ông có nhiều ấn tượng sâu sắc trong nhiệm kỳ công tác 5 năm qua của Chính phủ. Trong đó, ấn tượng sâu sắc nhất là Chính phủ đã thực hiện vai trò quốc tế của Việt Nam rất xuất sắc. Điều này thể hiện qua việc tổ chức thành công năm APEC Việt Nam 2017; vai trò Chủ tịch ASEAN 2020; đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021...

Một thành công khác, theo ông Giàu, đó là kết quả hội nhập sâu rộng qua việc ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định tiêu chuẩn cao như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

“Đây là những hiệp định mở ra động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước, nhất là tác động mở rộng thị trường, thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, là thước đo để chúng ta đánh giá tăng năng lực cạnh tranh ở 3 cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm” - ông Giàu nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông cho biết ấn tượng với việc hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội được Quốc hội giao; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc, các cân đối lớn của nền kinh tế cải thiện rõ rệt; công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả được nhân dân tin tưởng và bạn bè quốc tế đánh giá cao…

Bên cạnh đó, các ý kiến trong UBTVQH cũng lưu ý Chính phủ về một số hạn chế, tồn tại như việc xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia còn chậm; việc tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết các điểm nghẽn chưa nhanh…

Tiếp thu các ý kiến thảo luận tại phiên họp, báo cáo của Chính phủ sẽ được bổ sung, hoàn chỉnh để gửi đến các đại biểu Quốc hội theo quy định.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Nhiều dấu ấn nổi bật trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2020