Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động vì Covid-19

(BKTO) - Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước “nguy cơ kép” khi nguồn cung cho sản xuất khan hiếm, lượng cầu suy giảm. Nguy cơ nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động vì đứt nguồn cung nguyên liệu có thể xảy ra trong thời gian tới.



                
   

Ảnh minh họa

   

Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa

Phát biểu tại cuộc họp đánh giá tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) đến các ngành sản xuất của Việt Nam do Bộ Công Thương ngày 26/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất các hàng hoá trung gian cho các ngành công nghiệp thế giới, đồng thời là thị trường tiêu thụ lớn của rất nhiều ngành hàng đa quốc gia. Do đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc dự kiến sẽ tác động lớn đến các ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối, dịch vụ trên toàn thế giới chứ không chỉ Việt Nam.

Về đánh giá tác động của dịch bệnh đến các ngành sản xuất trong nước, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài cho hay, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc chiếm 42%, từ Trung Quốc chiếm 34%. Đến nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020.

Theo Cục trưởng Cục Công nghiệp, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang khiến ngành dệt may, da giày và túi xách của Việt Nam đối mặt thách thức rất lớn. Đa số các doanh nghiệp ngành dệt may và da giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4. “Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 2,47 tỷ USD bông các loại; 2,3 tỷ USD xơ, sợi; 12,69 tỷ USD vải các loại, và khoảng 5,61 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may da giày. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc là 1,32 tỷ USD xơ sợi; 7,73 tỷ USD vải và 2,45 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may. Da giày nhập 43,67%. Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành này thời gian tới phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn”, ông Hoài cho biết.

Từ thực tế hoạt động tại doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cho biết, Công ty chỉ cầm cự được nguyên liệu đến cuối tháng 2. Lượng nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất tương đương nửa tháng chạy máy. Trong thời gian này doanh nghiệp vẫn phải trả lương, bảo hiểm cho người lao động, khiến chi phí tài chính tăng lên. Chưa kể, nếu không kịp giao hàng còn có thể bị đối tác hủy. Ông tính toán, doanh nghiệp mình có thể thiệt hại hàng triệu USD nếu dịch Covid-19 kéo dài thêm tới quý II.

Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex cho biết, nhiều đơn vị thuộc tập đoàn này đã phải đàm phán kéo dài thời gian giao hàng cho đối tác thêm 2-3 tuần vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Ông ước tính, việc chậm nguyên liệu trong nửa tháng có thể khiến toàn ngành dệt may thiệt hại 1,5-2 tỷ USD.
                
   

Ngành dệt may đang lo thiếu nguyên liệu sản xuất vì ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

   

Một ngành hàng chịu sức ép về thiếu nguồn cung nguyên liệu nữa là ngành sản xuất lắp ráp ô tô. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, ngành sản xuất ô tô tải phụ thuộc vào hơn 70% linh phụ kiện từ Trung Quốc.

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành sẽ chịu ảnh hưởng chủ yếu ở các lô hàng linh phụ kiện nhập khẩu trong thời gian tới (do nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc) - đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất để tiêu thụ trong nước đã bắt đầu chịu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Dự kiến trong cuối quý I/2020, nếu dịch bệnh còn tiếp diễn, ảnh hưởng của tình hình trên sẽ trở nên rõ rệt với ngành sản xuất các sản phẩm điện tử như điện thoại và ti vi ở trong nước, khiến sản lượng suy giảm.

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, nhiều doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng điện tử lớn ở Việt Nam đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Điển hình như LG Việt Nam cho biết hãng đang phải đối mặt với việc không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Đặc biệt, theo Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, ảnh hưởng của việc kiểm soát biên giới nhằm phòng ngừa dịch bệnh có thể sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất một số model chiến lược đời mới của hãng.

Thiếu nguyên liệu sản xuất do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 xảy ra tại Trung Quốc, Hàn Quốc... đã lập tức tác động tới chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm. "Giá trị sản xuất công nghiệp, trong đó lĩnh vực chế biến, chế tạo, khai khoáng hay sản xuất phân phối điện đều suy giảm so với cùng kỳ", bà Nguyễn Thuý Hiền – Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết.

Tìm nguồn cung thay thế

Trước vấn đề này, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất với Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp trong nước. Đó là đầu tư nguồn lực từ NSNN trung ương và địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trong đó, tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai.

Đồng thời, tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội thu hút chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất (trong đó có sản xuất linh phụ kiện) từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thực tế cho thấy, Việt Nam có thế mạnh là hệ thống chính trị vững mạnh, ổn định, ứng phó tốt với các sự kiện bất khả kháng lớn như thiên tai, dịch bệnh... đồng thời môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải cách, sẽ là điểm đến thích hợp cho các nhà đầu tư trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung cũng như dịch bệnh tại Trung Quốc.

Trong ngắn hạn, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đề nghị, trong lúc hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng, cần cân nhắc áp dụng hàng rào thuế quan và phi thuế quan với hàng nhập khẩu đang cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của ta. “Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 4 tỷ USD nông sản, 1,8 tỷ USD rau quả, 1 tỷ USD sữa và sản phẩm sữa, thịt là 1,4 tỷ USD,... Để tăng cầu nội địa, chúng ta phải tính tới biện pháp phi thuế quan tạm thời với hàng đang nhập khẩu từ các nước", ông Trần Duy Đông nói.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng, tăng cường nội lực trong nước để đảm bảo nguồn cung là rất quan trọng, kể cả khi dịch bệnh đã qua, để tránh phụ thuộc vào một thị trường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam đứng trước “nguy cơ kép” khi không chỉ nguồn cung mà cầu thế giới tại các thị trường lớn cũng sẽ ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. “Chúng ta không bi đát, không trầm trọng hoá vấn đề nhưng phải chủ động”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói và yêu cầu các cục, vụ thuộc bộ cần phải làm việc tiếp với các ngành hàng để làm rõ những ảnh hưởng đối với các DN sản xuất và tác động của chuỗi cung ứng.

Theo Bộ trưởng Công Thương, các cục, vụ trong ngành cần phải làm rõ các chính sách, cơ chế của Chính phủ đưa ra để hỗ trợ DN trong bối cảnh nguồn lực quốc gia cũng hạn chế. Đồng thời làm rõ những lĩnh vực nào, nhóm ngành nào cần ưu tiên hỗ trợ.
AN CHI(tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động vì Covid-19