Nhiều dư địa hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp khối Pháp ngữ

(BKTO) - Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) với mạng lưới các nước thành viên trải khắp 5 châu lục tạo nên một không gian kinh tế đa dạng, sẽ đem đến nhiều cơ hội, dư địa để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và các DN khối Pháp ngữ tăng cường tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.



Đây là chủ đề được trao đổi tại Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam - Pháp ngữ do Bộ Ngoại giao phối hợp với OIF tổ chức vào ngày 24/03.
                
   

Quang cảnh Diễnđàn.Ảnh: D.THIỆN

   

Trao đổi thương mại tăng trưởng tích cực

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, OIF có tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn, khi 88 quốc gia thành viên và quan sát viên tạo thành một không gian kinh tế đa dạng với hơn 500 triệu người tiêu dùng, chiếm 13,2% dân số thế giới và gần 20% tổng kim ngạch trao đổi thương mại toàn cầu.

Về hợp tác giữa Việt Nam và OIF, đến nay, Việt Nam đã có trao đổi thương mại với 44/54 quốc gia thành viên chính thức của OIF, trong đó có 12 quốc gia tại khu vực châu Âu - châu Mỹ và 32 quốc gia tại khu vực châu Á - châu Phi.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2017-2019, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên OIF luôn ổn định, ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn và đạt mức cao nhất là 26,71 tỷ USD vào năm 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên bị ảnh hưởng tiêu cực, giảm 9,5% đạt mức 24,17 tỷ USD. Tuy nhiên, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên OIF đã tăng trở lại một cách ấn tượng trong năm 2021 với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 32,95 tỷ USD, tăng 36,3% so với năm 2020.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được thực thi. Trong khi đó, không gian kinh tế của OIF cũng là khu vực thị trường rộng lớn bao trùm cả 3 FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). Do đó, các FTA này sẽ mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với các đối tác trên toàn thế giới, đặc biệt là với các đối tác là thành viên OIF.

Đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và OIF, bà Louise Mushikiwabo - Tổng Thư ký OIF nhấn mạnh, là một trong những quốc gia thành viên chính thức sớm nhất của OIF, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, đóng vai trò nòng cốt của OIF tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam là quốc gia đang phát triển với tốc độ tăng trưởng ấn tượng tại châu Á, do đó, Việt Nam có những cơ sở và nền tảng vững chắc, đáng tin cậy để cùng OIF triển khai “Chiến lược kinh tế Pháp ngữ (giai đoạn 2020-2025)”. Đây cũng là lý do để OIF lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên của Đoàn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Pháp ngữ, nhằm mục đích tăng cường kết nối DN Việt Nam với DN trong khối Pháp ngữ.

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai bên đẩy mạnh hợp tác

Trao đổi sâu hơn về triển vọng hợp tác kinh doanh giữa các DN Việt Nam và các DN trong khối Pháp ngữ, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, với kỳ vọng quy mô kinh tế sẽ đạt mức 1.000 tỷ USD trong 20 năm tới nếu duy trì được mức tăng trưởng kinh tế từ 6% - 6,5%/năm.

Theo đó, Việt Nam sẽ có vị thế mới trong nền kinh tế thế giới và sẽ tạo ra nhiều cơ hội, dư địa lớn cho sự hợp tác kinh doanh giữa DN Việt Nam và DN trong khối Pháp ngữ.
                
   

Ông Nguyễn Quang Vinh -Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễnđàn.Ảnh: D.THIỆN

   

Cũng theo ông Vinh, có 3 lĩnh vực rất tiềm năng mà các DN hai bên có thể hợp tác tốt trong thời gian tới.

Trước hết là về nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Hiện nay, Việt Nam chủ trương phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thông minh, gắn kết với thị trường quốc tế, tăng cường hội nhập vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Trong khi đó, các nước khối Pháp ngữ, đặc biệt là đối với khu vực thị trường châu Phi, đặt mục tiêu phát triển thịnh vượng dựa trên tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững, trong đó dựa vào phát triển nông nghiệp hiện đại giúp tăng sản lượng, năng suất và giá trị gia tăng. Do đó, đây sẽ là lĩnh vực hợp tác rất triển vọng mà DN hai bên có thể khai thác.

Thứ hai là về năng lượng, hiện nay, Việt Nam đang dành ưu tiên cao cho các nỗ lực phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững, với mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát thải khí nhà kính. Do đó, đây là một lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên thu hút đầu tư, nên sẽ tạo ra dư địa để các DN hai bên tăng cường hợp tác nhằmphát triểnnăng lượng bền vững.

Thứ ba là về sản phẩm,dịch vụ số, các FTA thế hệ mới và nhiều hiệp định khác đã thiết lập các tiêu chuẩn cao đối với việcphát triểnkinh tế số, đồng thời mở ra những cơ hội song hành với thách thức mới cho các DN Việt Nam. Do đó, các DN Việt Nam sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác với các DN nước ngoài, trong đó có các DN khối Pháp ngữ để đạt được mục tiêu tăng cường phát triển kinh tế số.

Để hỗ trợ DN hai bên kết nối hợp tác kinh doanh, từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, với mạng lưới hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích các DN nước ngoài, trong đó có các DN thuộc khối Pháp ngữ, tìm hiểu cơ hội, thiết lập các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, cũng như hỗ trợ kết nối giúp các DN hai bên tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh./.

DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
Nhiều dư địa hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp khối Pháp ngữ