Nhiều giải pháp đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán

(BKTO) - Tết Nguyên đán 2020 đang đến gần, người dân lo ngại giá một số mặt hàng thiết yếu có nguy cơ “leo thang”, đặc biệt là khi nguồn cung của mặt hàng chủ lực là thịt lợn đang thiếu hụt. Trước tình hình đó, các Bộ, ngành, địa phương, DN đã có nhiều giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo nguồn cung phục vụ dịp Tết sắp tới.




Các DN đang tăng cường tái đàn chăn nuôi để đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới. Ảnh: TTXVN

Tăng nguồn cung thịt trâu, bòđể bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ tháng 02 đến 12/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.532 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn phải tiêu hủy gần 6 triệu con với tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn, chiếm 9% tổng trọng lượng lợn cả nước. Dịch bệnh khiến giá lợn hơi biến động lớn. Theo đó, tháng 01/2019 ở mức 44.000 đồng/kg nhưng đến tháng 12/2019 lên đến 85.000 đồng/kg, đã ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung thịt lợn cho tiêu dùng trong nước các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi, thú y TP. HCM Lê Đinh Hà Thanh cho biết, mỗi ngày Thành phố tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn, trong đó lượng lợn nuôi tại địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 10%, còn lại phần lớn được nhập từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước… Hiện tại, nguồn cung lợn tiêu dùng cho những ngày bình thường chưa đến mức thiếu, nhưng đến những ngày cận Tết, nhu cầu tăng cao, sẽ không tránh khỏi tình trạng thiếu hụt, trong khi Đồng Nai là tỉnh cung cấp gần 50% sản lượng thịt lợn cho TP. HCM hiện chưa thể phục hồi sau dịch tả lợn châu Phi. Thành phố đã lên phương án tăng nguồn cung thịt trâu, bò, gia cầm lên 10 - 20% trong dịp Tết âm lịch để người tiêu dùng lựa chọn thay thế, góp phần bù đắp cho lượng thịt lợn thiếu hụt.

Trong khi đó, Theo Sở NN&PTNT TP. Hà Nội, trong những ngày bình thường, nguồn cung thịt lợn hiện tại vẫn đủ, nhưng nhu cầu tiêu thụ dịp Tết đa dạng và lượng tăng cao, nên nguồn cung có sự thiếu hụt. Nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội dịp Tết cần khoảng 23.000 tấn lợn hơi/tháng, tăng 20% so với những tháng bình thường. Theo tính toán, thị trường Hà Nội sẽ thiếu hụt khoảng 3.500 tấn lợn hơi. Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT TP. Hà Nội cho biết, trong trường hợp cần thiết, có thể nhập khẩu thịt lợn để đảm bảo nguồn cung, đồng thời gia tăng các sản phẩm khác để bù đắp cho sự thiếu hụt của thịt lợn.

Sẽ nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, nguồn cung thịt lợn sẽ thiếu hụt khoảng 200.000 tấn, việc này đã khiến giá cả lên cao. Theo ông Hải, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ NN&PTNT phối hợp với DN nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt lợn. Ông Hải cho rằng, các cơ quan, Bộ, ngành cho đến DN cần chung tay để cùng đưa ra các biện pháp bền vững và căn cơ nhất như tái đàn, nhập khẩu thịt lợn đông lạnh. Trong đó, việc có thể làm luôn là các DN cần tăng nhập khẩu, đưa hàng ra thị trường để “hạ nhiệt” giá bán. Bộ Công Thương cũng yêu cầu thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tìm nguồn hàng hợp lý, giá rẻ giới thiệu cho DN nhập khẩu.

Nhằm “giảm nhiệt” giá thịt lợn trong thời gian tới, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2020, các DN đồng hành cam kết sẽ tăng cường xuất lớn ra thị trường với mức giá hợp lý. Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin Đào Mạnh Lương cho biết, DN đang có 23.000 lợn nái và 6.000 lợn giống nguồn, đến quý II/2020 có thể tăng đàn nái lên 40.000 con. DN đang cung cấp cho thị trường 30.000 con lợn/tháng, riêng trong tháng 12/2019 và tháng 01/2020 có thể tăng lượng xuất chuồng lên 20%. DN cũng cam kết bán với giá ổn định khoảng 84.000 đồng/kg. Còn theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần CP Việt Nam Vũ Anh Tuấn, Công ty đang xuất bán ra thị trường 500.000 con lợn/tháng, trung bình khoảng 84.000 tấn/tháng. Dự kiến, trong dịp Tết Nguyên đán có thể tăng lên 15 - 20% sản lượng thịt cung cấp cho thị trường.

Để đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới cũng như ổn định sản xuất chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trước hết là phải tăng cường sản xuất - đây là giải pháp bền vững và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn bán tự phát qua biên giới để không chỉ đảm bảo nguồn cung trong nước mà chính là an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, cần đảm bảo khâu thương mại, không để trục lợi, găm hàng. Đặc biệt, cần đẩy nhanh việc tái đàn một cách an toàn, bền vững. Tái đàn không chỉ đáp ứng nguồn cung cho tiêu dùng mà phải đảm bảo được an toàn dịch bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trong tái đàn chăn nuôi, DN cần giữ vai trò “hạt nhân” vừa dẫn dắt giá vừa là nguồn cung con giống và quy trình kỹ thuật an toàn sinh học. Bởi lượng con giống và lợn nái hiện nay chủ yếu tập trung tại cơ sở chăn nuôi của các DN lớn với đàn lợn giống nguồn 109.000 con và 2,7 triệu lợn nái; đồng thời, DN đóng vai trò quyết định đến chăn nuôi tập trung, quy mô lớn và an toàn. “Các DN phải cung ứng những sản phẩm tốt nhất, đặc biệt hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học để người dân áp dụng vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả cao; đồng thời, thực hiện liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường để kiểm soát dịch bệnh. Để thúc đẩy sản xuất an toàn, đến nay, các cơ sở được công bố hết bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã chủ động tái đàn ngay từ đầu quý IV/2019 theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Nhiều giải pháp đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán