Nhiều phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ hiệu quả công tác giám sát

(BKTO) - Với nhiều đóng góp tích cực thông qua hoạt động kiểm toán, năm 2022, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Đây là tiền đề quan trọng để KTNN tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp hiệu quả hơn vào hoạt động giám sát trong thời gian tới.



                
   

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: KTNN đã có nhiều đóng góp nổi bật đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2022. Ảnh: quochoi.vn

   

Những đánh giá toàn diện, khách quan qua công tác kiểm toán

Theo báo cáo của KTNN, năm 2022, KTNN đã tích cực tham gia và đóng góp có chất lượng vào kế hoạch, nội dung đề cương giám sát của các Đoàn giám sát.

Đồng thời căn cứ kế hoạch chương trình giám sát, đề cương giám sát của các Đoàn giám sát, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo toàn Ngành chủ động tổng hợp kết quả kiểm toán theo từng giai đoạn phù hợp với phạm vi, nội dung, yêu cầu của từng chuyên đề giám sát và sẵn sàng tham gia phục vụ các đoàn giám sát tại các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương khi có yêu cầu.

Năm 2022, các lãnh đạo KTNN, lãnh đạo các đơn vị tham mưu, chuyên ngành, khu vực cũng tích cực tham gia và đóng góp nhiều ý kiến sát thực khi triển khai giám sát tại các Bộ, ngành, địa phương mà các Đoàn giám sát trực tiếp làm việc.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, một trong những chuyên đề giám sát tối cao năm 2022 của Quốc hội có quy mô, tính chất rộng, liên quan đến tất cả kết quả hoạt động kiểm toán của KTNN thời gian qua là chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Tổng hợp kết quả kiểm toán giai đoạn 2016-2021 cho thấy Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) đã được Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả nhất định, góp phần tiết kiệm nguồn lực cho NSNN, nâng cao chất lượng công việc, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ…

Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong THTK, CLP, như cơ chế quản lý tài chính, ngân sách chậm được đổi mới; việc lập dự toán NSNN cơ bản dựa trên các tiêu chuẩn, định mức; chưa thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ như quy định của Luật NSNN năm 2015. Việc đổi mới phương pháp quản lý tài chính, kế toán đã được đẩy mạnh, song nhiều chính sách chậm được triển khai như các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ chậm ban hành, gây khó khăn cho việc thực hiện cơ chế tự chủ; tỷ lệ tổ chức đấu thầu qua mạng tại nhiều Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa đảm bảo lộ trình...

Ngoài ra, việc ban hành các văn bản quản lý, chính sách, chế độ, định mức của một số lĩnh vực còn chậm, dẫn đến khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chi; nhiều văn bản quy phạm pháp luật, quản lý còn thiếu đồng bộ, trái với quy định quản lý cấp trên hoặc không phù hợp với thực tiễn, tạo kẽ hở trong quản lý tài chính công, tài sản công như quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, dự án BT, BOT… Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận không nhỏ cá nhân, tổ chức chưa cao, tình trạng không chấp hành nghiêm các quy định về quản lý tài chính, kế toán còn diễn ra tại nhiều đơn vị.

Đối với chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành”, qua kết quả kiểm toán cho thấy còn một số tồn tại chủ yếu như: một số Bộ, ngành chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể ngành; một số quy hoạch được duyệt thiếu đồng bộ; quy hoạch thực hiện đầu tư các dự án còn mang tính dàn trải, thiếu nhất quán và không đồng bộ; còn có sự chồng lấn giữa các quy hoạch… Việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017 - 2020 còn nhiều tồn tại…

Từ kết quả bước đầu triển khai chương trình giám sát tối cao của Quốc hội năm 2022 đối với hai chuyên đề trên của KTNN cho thấy, KTNN cơ bản đã đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Luật THTK, CLP của Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, các cơ quan liên quan để từ đó đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, Chương trình THTK, CLP và trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá, kết quả, báo cáo của KTNN có ý nghĩa, giá trị quan trọng trong tổng hợp, báo cáo đánh giá chung của Đoàn giám sát.

Kiểm toán nhiều chuyên đề lớn phục vụ công tác giám sát năm 2023

Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2023, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát 02 chuyên đề: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
                
   

Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” làm việc với KTNN. Ảnh: quochoi.vn

   

Cùng với đó, UBTVQH sẽ tiến hành giám sát 02 chuyên đề về: “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

Để phục vụ hiệu quả cho công tác giám sát của Quốc hội, UBTVQH trong năm 2023, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, năm 2022, KTNN đã tổ chức cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”. Trong đó, KTNN đã đánh giá toàn diện và có nhiều phát hiện về: tình hình huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; công tác quản lý, sử dụng kít, test; chi cho lực lượng tuyến đầu chống dịch; thanh toán khám điều trị bệnh nhân Covid-19; công tác quản lý, sử dụng máy móc, trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư, sinh phẩm khác; về thu dịch vụ xét nghiệm.

Đồng thời, KTNN cũng đánh giá các bất cập đối với một số chính sách hỗ trợ và đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân; kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục các sai sót, tồn tại và kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách đảm bảo chặt chẽ và phù hợp thực tiễn hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

Kết quả của cuộc kiểm toán này sẽ góp phần tích cực, phục vụ có hiệu quả cho Chương trình giám sát năm 2023.

Cùng với đó, KTNN đang xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm 2023, trong đó dự kiến tổ chức một số chuyên đề quan trọng phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH trong thời gian tới.

Cụ thể như, kiểm toán các chuyên đề liên quan đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 01/NQ-CP nhằm đánh giá việc triển khai, thực hiện các chính sách của Nhà nước trong phục hồi và phát triển kinh tế, như chuyên đề “Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”; chuyên đề “Việc quản lý và sử dụng Quỹ Viễn thông công ích”; chuyên đề “Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm” và chuyên đề “Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP”.

Đồng thời, KTNN sẽ kiểm toán 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia về: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Các cuộc kiểm toán này sẽ phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2023 về chủ đề việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia./.
ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
  • Tuổi trẻ Kiểm toán nhà nước phát huy bản lĩnh, trách nhiệm, trí tuệ đóng góp cho thành công của Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối các cơ quan Trung ương
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tham dự Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh Khối các cơ quan Trung ương lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022-2027, đoàn đại biểu Đoàn Thanh niên Kiểm toán nhà nước (KTNN) gồm 5 đồng chí cán bộ đoàn ưu tú, đại diện cho tuổi trẻ KTNN, sẽ phát huy bản lĩnh, trách nhiệm, trí tuệ để đóng góp vào thành công của Đại hội.
  • PASAI tổ chức Khóa học về lập kế hoạch kiểm toán chiến lược
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Thái Bình Dương (PASAI) đang tổ chức Khóa học về lập kế hoạch kiểm toán chiến lược nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các cuộc kiểm toán mà các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) Thái Bình Dương thực hiện, nhằm nâng cao phạm vi các lĩnh vực kiểm toán công trong khu vực. Để đạt được mục tiêu này, PASAI đặc biệt chú trọng vào công tác đào tạo nhân sự kiểm toán của các chính phủ.
  • Phần Lan: Nỗ lực đóng góp cho các chính sách môi trường
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Kiểm toán nhà nước Phần Lan (NAOF) vừa qua đăng bài viết: “Kiểm toán môi trường để thúc đẩy các chính sách môi trường hiệu quả hơn”. Từ năm 2020 đến năm 2025, NAOF đóng vai trò là Chủ tịch Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (WGEA), chịu trách nhiệm hỗ trợ và phát triển lĩnh vực kiểm toán môi trường. WGEA hành động nhằm thúc đẩy các tác động xã hội của chính sách môi trường cũng như sử dụng hiệu quả hơn các quỹ công.
  • Hoa Kỳ: Kiểm toán chỉ ra sai sót liên quan đến tài chính liên bang
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Vừa qua, Cơ quan Kiểm toán nhà nước Hoa Kỳ (GAO) đã công bố một báo cáo chỉ ra những sai sót mới liên quan đến kế toán tài chính của liên bang đồng thời, đưa ra một số khuyến nghị mới về cách thức Chính phủ có thể xây dựng các báo cáo tài chính tốt hơn. Đây là vấn đề GAO đã đặt ra đối với các quan chức liên bang trong suốt 25 năm qua.
  • Đo lường hoạt động của Kiểm toán nhà nước theo chuẩn quốc tế
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Việc ban hành Khung đo lường hoạt động của cơ quan kiểm toán (SAI PMF) là cơ sở để Kiểm toán nhà nước Việt Nam (KTNN) tự đánh giá hiệu quả hoạt động của mình so với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt. Đồng thời, kết quả đánh giá sẽ được KTNN sử dụng để lập kế hoạch chiến lược, phát triển năng lực, giám sát hiệu quả hoạt động và tăng cường trách nhiệm giải trình...
Nhiều phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ hiệu quả công tác giám sát