KTNN thường xuyên kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty. Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính |
15/16 tập đoàn, tổng công ty, công ty kinh doanh có lãi
Thông tin trong báo cáo kiểm toán nêu rõ, 15/16 TĐ, TCT, công ty sản xuất kinh doanh có lãi trong năm 2020. Tiêu biểu, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) là 8.169,18 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) 5.719,1 tỷ đồng; TCT Mobifone 3.819,39 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) 1.315,55 tỷ đồng; TCT Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) 941,11 tỷ đồng; TCT Điện lực TKV 701,76 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) 692,15 tỷ đồng; TCT Thép Việt Nam (VNS) 570,98 tỷ đồng; TCT Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) 200,04 tỷ đồng…
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tại một số đơn vị được ghi nhận tương đối cao, như Mobifone đạt 17,01%; PV GAS 16,45%; PVCFC 12%; PVFCCo 11,09%; TCT Điện lực TKV 9,91%; VNPT 8,34%...
Đây là những kết quả tích cực trong bối cảnh hoạt động của các DN gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ.
Có thể thấy rõ, dưới sự chỉ đạo của Đảng cùng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và DN, năm 2020, cả nước đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của nhân dân.
Tuy nhiên, KTNN cũng chỉ ra rằng, tại các DN được kiểm toán vẫn có nhiều tồn tại, hạn chế. Phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tài sản, nguồn vốn. Con số được KTNN xác định là tổng tài sản tăng 782,47 tỷ đồng; tổng nguồn vốn giảm 57,3 tỷ đồng.
Cùng với đó, doanh thu, chi phí của các DN phải điều chỉnh, cụ thể tổng doanh thu, thu nhập tăng 759,47 tỷ đồng; tổng chi phí giảm 553,12 tỷ đồng… KTNN cũng kiến nghị các DN phải tăng thu NSNN 2.659,95 tỷ đồng, giảm thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ 14,07 tỷ đồng, giảm lỗ 80,34 tỷ đồng.
Trên thực tế, một số đơn vị vẫn chưa xây dựng quy chế quản lý tiền; định mức tồn quỹ tiền mặt/tiền gửi ngân hàng. Kế hoạch sử dụng dòng tiền hoặc quản lý dòng tiền của một số DN ngành viễn thông, hóa chất, thép… chưa hiệu quả.
Công tác quản lý nợ của một số DN thiếu chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn. Có DN đã để phát sinh nợ phải thu quá hạn lên tới 724,21 tỷ đồng, trong đó phần lớn là khoản nợ của khách hàng cá nhân. Tương tự, trong số nhiều khoản nợ khó đòi của các DN thì KTNN xác định 01 TĐ đã để phát sinh nợ khó đòi lên tới 10.493,3 tỷ đồng… |
Một số DN đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, xóa nợ, trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định; mua sắm vật tư chưa phù hợp nhu cầu sử dụng dẫn đến tồn kho lâu ngày, chậm luân chuyển.
Nhiều DN chưa đánh giá giá trị vật tư thu hồi sau sửa chữa tài sản; chưa kiểm kê đầy đủ vật tư, hàng hóa; thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho không đúng quy định, có DN trích thừa tới 43,64 tỷ đồng, nhưng có DN lại trích thiếu gần 1,7 tỷ đồng.
Còn có những công trình xây lắp hoàn thành nhiều năm nhưng chưa được nghiệm thu, quyết toán, như công trình: Hệ thống thoát nước Bắc Ninh; Phần thô nhà công vụ cơ khí Quang Trung; Hạ tầng cụm công nghiệp Đồng Mai; Kết cấu và hoàn thiện hỗn hợp tòa nhà HH1 Chúc Sơn; Lô cây xanh CX 06 tại Khu đô thị mới Việt Hưng; Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Phú Mỹ.
Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư tài sản cố định chậm được đưa vào khai thác làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, trong đó có 01 dự án mua sắm thiết bị truyền dẫn trong lĩnh vực viễn thông đã thực hiện từ năm 2017 nhưng đến cuối năm 2020 mới đưa vào sử dụng.
Sử dụng vốn và tài sản còn bất cập, chưa hiệu quả
Một số đơn vị chưa góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Số dư Quỹ đầu tư phát triển tại một số DN rất lớn nhưng DN chưa xây dựng kế hoạch, phương án sử dụng Quỹ. Trong số đó, KTNN phát hiện 01 DN đang có số dư Quỹ đầu tư phát triển lên tới 18.597 tỷ đồng.
Cũng theo phát hiện của KTNN, 01 DN đã trích thừa Quỹ phát triển khoa học và công nghiệp của DN số tiền 1,52 tỷ đồng không đúng quy định và 01 DN chưa nộp về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia 54,52 tỷ đồng số tiền đã trích nhưng sử dụng không hết.
Vẫn còn DN không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, mất cân đối tài chính hoặc bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Liên quan đến các khoản đầu tư của DN, KTNN nêu rõ một số đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp thể hiện qua tỷ lệ chia cổ tức, trong đó có những khoản đầu tư vào các công ty con không có lợi nhuận, kết quả kinh doanh thua lỗ hoặc lợi nhuận đạt thấp nên không chia cổ tức. Một số khoản đầu tư của các TĐ, TCT vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ, mất vốn; chưa nộp kịp thời tiền thu về cổ phần hóa.
Việc quản lý chi phí, giá thành sản phẩm của một số đơn vị chưa chặt chẽ, định mức sản xuất kinh doanh, định mức lao động chưa phù hợp với thực tế. 04 DN chưa đăng ký chương trình khuyến mại hoặc khuyến mại vượt thời gian, hoặc không quy định rõ mức khuyến mại cho khách hàng trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, sử dụng dịch vụ.
Liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sản, vẫn còn đơn vị thực hiện khai thác khoáng sản chưa có trong giấy phép hoặc giấy phép hết hạn; khai thác vượt trữ lượng được cấp phép hàng trăm ngàn tấn.
Trong lộ trình tái cơ cấu, một số TĐ, TCT, công ty vẫn chưa thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt; chậm thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm, lĩnh vực không phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính được quy định tại Điều 21 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ; chưa hoàn thành quyết toán cổ phần hóa sau khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần, trong đó có DN sau 10 năm chuyển thành công ty cổ phần vẫn chưa hoàn thành quyết toán cổ phần hóa./.
Trong quản lý và sử dụng đất, thực tế cho thấy còn nhiều diện tích đất chưa được DN sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng chưa đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, còn DN sử dụng đất không rõ nguồn gốc, chưa đủ hồ sơ pháp lý, chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NSNN. KTNN xác định tiền thuê đất, thuế sử dụng đất mà 02 DN phải nộp tăng thêm là 1,57 tỷ đồng. |
PHÚC KHANG