Nhiều vướng mắc trong việc cho vay lại đối với chính quyền địa phương

(BKTO) - Việc cho vay lại đối với chính quyền địa phương vừa để địa phương huy động được nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài cho đầu tư phát triển, vừa gắn với trách nhiệm chia sẻ nghĩa vụ nợ của địa phương đối với Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng tỷ lệ cho vay lại còn cao, thủ tục còn phức tạp, giao vốn chậm…



Tỷ lệ cho vay lại cao, thủ tục còn phức tạp

Nước ta đã thực hiện cơ chế cho vay lại đối với chính quyền địa phương từ nhiều năm trước đây nhưng từ năm 2018 bắt đầu thực hiện cơ chế mới theo Luật Quản lý nợ công năm 2017. Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, cả nước có khoảng 160 dự án đang triển khai theo cơ chế này với số vốn do địa phương vay lại khoảng 4.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: Nhiều chương trình/dự án đã sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo khả năng trả nợ. Tuy nhiên, cũng có một số chương trình/dự án gặp khó khăn do nguồn thu ngân sách ở địa phương tương đối thu nhỏ, hạn mức vốn vay không nhiều, trình tự, thủ tục còn phức tạp. Việc thực hiện cơ chế hỗn hợp gồm một phần cấp phát, một phần cho vay lại nên việc giải ngân phụ thuộc vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự toán cấp vốn đầu tư hằng năm, vì vậy có ảnh hưởng tới việc cho vay lại. Bên cạnh đó, địa phương chưa có đầu mối quản lý việc vay lại, việc huy động vốn có sự tham gia của nhiều cơ quan, như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ban Quản lý Dự án.

Trao đổi với báo chí, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính - cho biết thêm: Từ năm 2018, các luật và văn bản hướng dẫn việc cho vay lại đối với chính quyền địa phương thay đổi liên tục đã khiến cho các chủ dự án, các địa phương gặp khó khăn hơn trong việc vay lại. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quy định siết chặt hạn mức, điều kiện vay, giới hạn mức bội chi đối với địa phương và các cơ quan chức năng phải thẩm định tất cả các điều kiện này...

Đại diện tỉnh Quảng Nam cho biết: địa phương này và các Bộ, ngành đã làm các thủ tục để vay vốn cho Dự án chống xói lở bền vững bờ biển Cửa Đại, Hội An từ hơn 3 năm trước nhưng đến nay vẫn còn lúng túng và vướng mắc tại các Bộ, ngành. Nguyên nhân chính là do Quảng Nam phải vay lại đến 70% đối với Dự án này. Đây là tỷ lệ quá lớn. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã mất hơn 1 năm để thảo luận về tỷ lệ này. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định riêng Dự án này được đặc cách, tỷ lệ cho vay lại giảm xuống còn 50%.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh - cho biết: Hạn mức dư nợ vay năm 2019 của tỉnh là 1.030 tỷ đồng. Đến ngày 31/5/2019, dư nợ vay của tỉnh là 474 tỷ đồng, chưa vượt hạn mức dư nợ vay của năm. Hà Tĩnh đã vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và vay vốn ODA để thực hiện các chương trình kiên cố kênh mương, phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn, dự án năng lượng nông thôn 2. Tuy nhiên, một số dự án đã được ký kết nhưng vẫn chưa được giao kế hoạch vốn nguồn cấp phát. Việc giao kế hoạch vốn chậm sẽ dẫn đến tình trạng không giải ngân được. Mặt khác, các dự án này đã được Bộ Tài chính giao dự toán nguồn vốn vay lại nhưng không thể giải ngân vì không được giao kế hoạch vốn cấp phát.

Gỡ vướng như thế nào?

Từ những vướng mắc nêu trên, đại diện tỉnh Quảng Nam cho rằng, Chính phủ nên điều chỉnh tỷ lệ cho vay lại nhất là đối với các dự án phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu chứ không nên giải quyết theo tình huống cụ thể như đối với Quảng Nam. Chia sẻ quan điểm này, đại diện tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị Chính phủ nên xem xét lại tỷ lệ vay lại đối với các tỉnh có điều tiết về ngân sách T.Ư nhưng vẫn khó khăn về thu ngân sách như Quảng Ngãi.

Ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Sở Tài chính Bắc Kạn - đề nghị Chính phủ xem xét, giữ nguyên tỷ lệ vay lại đối với địa phương này là 10% (tỷ lệ này hiện nay là 30%) để tạo điều kiện cho địa phương huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện công tác an sinh xã hội. Theo ông Tùng, do Bắc Kạn là địa phương đặc biệt khó khăn, hằng năm, ngân sách T.Ư vẫn phải hỗ trợ tới 85%.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh - kiến nghị Chính phủ cần sớm xây dựng công cụ hỗ trợ việc quản lý vốn vay và trả nợ thống nhất trên toàn quốc; tiến hành quy chế phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính; thực hiện giao nguồn cấp phát và nguồn vay lại để giải ngân đúng tiến độ của Hiệp định. Ngoài ra, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu quy trình rút gọn thời gian rút vốn từ nhà tài trợ cho các dự án.

Từ góc độ nhà tài trợ, ông Fabrice Richy - Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam - cho biết: Phần lớn các nguồn vốn vay nước ngoài được Chính phủ cho các địa phương vay lại với tỷ lệ lớn, nên điều quan trọng của AFD là làm việc với các tỉnh để tìm ra biện pháp “thích nghi” với quy định mới này. Theo đó, ngoài việc tiếp tục duy trì các khoản vay ưu đãi với lãi suất dưới 2,5%/năm, AFD sẽ tăng cường năng lực quản lý nợ và các dự án giúp các tỉnh triển khai hiệu quả các khoản đầu tư. AFD cũng sẽ đề xuất các công cụ phù hợp hơn với bối cảnh của từng địa phương.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định, Bộ sẽ cùng với các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như quy trình nghiệp vụ. Bộ Tài chính mong rằng các nhà tài trợ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Việt Nam để “hài hòa” các thủ tục, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện chương trình/dự án, song vẫn phải đảm bảo công tác quản lý chặt chẽ, hiệu quả.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 26 ra ngày 27-6-2019
Cùng chuyên mục
Nhiều vướng mắc trong việc cho vay lại đối với chính quyền địa phương