Nhìn lại 4 phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng phát động

(BKTO) - Nhìn lại các phong trào thi đua thời gian qua, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết phong trào thi đua yêu nước trên cả nước có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, thiết thực và hiệu quả.




Trẻ em xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, Nam Định vui chơi trên con đường làng nông thôn mới. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

"Thực tế giai đoạn vừa qua cho thấy chương trình nông thôn mới thực sự là luồng gió đổi mới tích cực cho sự phát triển kinh tế nông thôn, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống người dân khu vực này."

Đây là đánh giá của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo gần đây.

Đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích trước gần 2 năm

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, đến nay, cả nước có 5.385 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 162 đơn vị cấp huyện của 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Qua phong trào, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng nâng cao. Bộ mặt nông thôn đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được cải thiện. Tư duy, nhận thức của cán bộ và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới ngày càng chuyển biến rõ nét.

Người dân ý thức được xây dựng nông thôn mới là xây dựng đời sống mới cho chính mình, mình là chủ thể, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự giác cao trong tổ chức thực hiện.

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” là một trong bốn phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát động giai đoạn 2016-2020.

Nhìn lại các phong trào thi đua thời gian qua, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết phong trào thi đua yêu nước trên cả nước có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, thiết thực và hiệu quả.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã chủ động phối hợp để tổ chức các phong trào thi đua, bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, được đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng.

Các phong trào thi đua đã tập trung hướng về cơ sở và người lao động, gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành động lực quan trọng, thực sự đi vào cuộc sống, khơi dậy, động viên, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.

Sau 10 năm thực hiện, với sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, nhất là sự vào cuộc mạnh mẽ của nhân dân trên cả nước, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã đạt nhiều thành tựu to lớn, góp phần đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 về đích trước gần 2 năm.

Các tỉnh, thành phố đã tổ chức phát động phong trào thi đua với nhiều tên gọi, cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn, bám sát vào nhiệm vụ trọng tâm, như: tổ chức dồn điền, đổi thửa, phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, hệ thống giao thông nông thôn, đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao thu nhập người dân...

Nổi bật có thể kể đến là các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường, thực hiện tiêu chí 17 trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, như: mô hình di dời chuồng chăn nuôi ra xa nhà ở tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên… đã vận động người dân bỏ tập quán chăn nuôi gia súc thả rông, nhốt dưới gầm nhà sàn của các dân tộc thiểu số; mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng...

Hội Nông dân Việt Nam các cấp đã xây dựng thành công nhiều mô hình thí điểm về quản lý và bảo vệ môi trường do cộng đồng dân cư thực hiện như “Trồng cây bản địa ngăn mặn xâm thực, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường”; “Đồng bào dân tộc Thái lưu giữ và phát triển ruộng bậc thang canh tác bền vững trên đất dốc”; “Trồng cây bản địa chống xói mòn cải tạo đất dốc để nâng cao hiệu quả canh tác” ở Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Nghệ An, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai...

Những mô hình thí điểm phát huy hiệu quả đã được tiếp tục tuyên truyền nhân rộng và vận động đoàn viên, hội viên, người dân bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, chống lũ quét, sạt lở đất, chống thoái hóa đất, sử dụng, cải tạo đất canh tác hợp lý, bảo vệ nguồn nước, sử dụng năng lượng sẵn có, bảo vệ hệ sinh thái ven biển gắn với phát triển kinh tế, đảm bảo sinh kế cho người dân trên địa bàn, từ đó duy trì công tác bảo vệ môi trường.

Phong trào thi đua phát triển sâu rộng

Cùng với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới," các phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau," "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển," “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” đã được phát động sâu rộng với sự tham gia mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng xã hội và doanh nghiệp.

Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, đóng góp tích cực trong nỗ lực giảm nghèo, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% vào năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo đã được các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện như: khám, chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; miễn, giảm học phí; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nghèo…

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết hằng năm, bên cạnh đóng góp tiền mua tặng thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp, hộ chính sách, các công chức, viên chức toàn ngành còn tích cực tham gia, ủng hộ bằng hiện vật, xây nhà tặng người nghèo; mua quà tặng các gia đình chính sách, nuôi dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng học bổng cho các học sinh nghèo, hỗ trợ mua các vật dụng cho các xã nghèo; xây dựng đường; mua cây giống, con giống tặng các hộ nghèo…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại chương trình 'Cả nước chung tay vì người nghèo' năm 2020. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Giai đoạn 2016-2020, ngành huy động công chức, viên chức ủng hộ trên 41 tỷ đồng để giúp đỡ địa bàn nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ nghèo.

Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” đã được các cấp, các ngành triển khai tích cực; từng ban, bộ, ngành, tỉnh, thành phố đều đã ban hành nghị quyết chuyên đề, kế hoạch tổ chức thực hiện, cụ thể hóa các nội dung của phong trào nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại, đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu và bảo hộ sản phẩm…

Trong điều kiện rất khó khăn do dịch COVID-19 và khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng, nhưng số doanh nghiệp thành lập mới từ năm 2016 đến nay liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Theo Tổng cục Thuế, đến thời điểm ngày 19/10/2020, toàn quốc có 799.500 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 41.967 doanh nghiệp (5,54%) so với thời điểm cuối năm 2019.

Đánh giá về phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở," Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng phong trào bước đầu tạo nên những chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động; tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và chiến sĩ lực lượng vũ trang; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó, tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể hàng ngày, trên mọi lĩnh vực công tác.

“Có thể nói, phong trào thi đua yêu nước phát triển sâu rộng trong cả nước đã từng bước được đổi mới với nhiều hình thức, nội dung phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Các phong trào thi đua đã trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội," Phó Chủ tịch nước nói.

Qua các phong trào thi đua yêu nước, đã có nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, được các ngành, các cấp khen thưởng, tôn vinh; nhiều mô hình được xây dựng có hiệu quả, ngày càng được nhân rộng, huy động được tiềm năng, sức sáng tạo và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, đóng góp to lớn vào thành tựu 35 năm đổi mới, tô thắm thêm truyền thống yêu nước và vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất."./.

Theovietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
Nhìn lại 4 phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng phát động