Nhìn lại cuộc kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước sông Mê Công: Dấu ấn nhiệm kỳ và minh chứng cho sự phát triển, hội nhập của Kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Năm 2021 tiếp tục là năm đầy khó khăn, thách thức với toàn cầu, cũng như Việt Nam, khi đại dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp và để lại hậu quả nặng nề trong mọi lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, bằng tinh thần quyết tâm, sự nỗ lực, trách nhiệm cao, KTNN vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, cũng như khẳng định dấu ấn trong quan hệ đối ngoại. Cuộc kiểm toán hợp tác “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững” do KTNN Việt Nam chủ trì, phối hợp thực hiện chính là minh chứng cho những điểm sáng nổi bật của KTNN trên cả hai phương diện đó.



Bài 1: Sáng kiến đi đôi với hành động kịp thời nhằm bảo vệ môi trường

Nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc gìn giữ, bảo vệ nguồn nước sông Mê Công đối với sự phát triển của khu vực, KTNN Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021 đã đề xuất và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của KTNN các nước trong việc triển khai cuộc kiểm toán hợp tác, qua đó đóng góp tiếng nói nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước sông Mê Công một cách bền vững, công bằng và hài hòa giữa các quốc gia trong lưu vực.

Triển khai cuộc kiểm toán này, các Kiểm toán viên (KTV) nhà nước bằng trí tuệ, trách nhiệm đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Khẳng định vai trò của cơ quan kiểm toán công có trách nhiệm

Cuộc kiểm toán được thực hiện trong bối cảnh các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công đã và đang phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực từ hiện tượng biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường cũng như việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước thiếu bền vững, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 65 triệu người dân trong lưu vực.
                
   

Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Đinh Văn Dũng – Trưởng Đoàn kiểm toán (thứ hai, từ trái sang) tìm hiểu tại một trạm thủy văn của tỉnh An Giang - nơi có chung nguồn nước sông với nước bạn Campuchia. Ảnh tư liệu

   

Theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành III – đơn vị được Tổng Kiểm toán nhà nước giao chủ trì cuộc kiểm toán tại Việt Nam, cuộc kiểm toán có sự tham gia của KTNN tại 3/6 quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công gồm KTNN Việt Nam, Thái Lan và Myanmar, cùng sự hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật của các chuyên gia đến từ KTNN Malaysia, Indonesia, Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF).

Với tinh thần trách nhiệm cao, ngay sau khi chủ đề kiểm toán được thông qua tại Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 55 ngày 27/7/2020, các cơ quan KTNN Việt Nam, Thái Lan và Myanmar đã có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ để đi đến đồng thuận, cùng nhau ký kết Tuyên bố cam kết kèm theo Điều khoản tham chiếu vào ngày 22/12/2020.

Quá trình chuẩn bị cũng được các cơ quan KTNN thực hiện hết sức chu đáo và kỹ lưỡng, KTNN Việt Nam với vai trò là đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán đã chủ động tiến hành khảo sát, phối hợp với cơ quan chuyên môn, các chuyên gia môi trường trong nước trong việc tư vấn, xây dựng Đề cương kiểm toán sát với thực tiễn, mang tính khả thi cao để chia sẻ, thống nhất với các KTNN cùng tham gia; xây dựng cơ chế trao đổi thông tin và hợp tác với Ủy ban Chia sẻ kiến thức của Tổ chức quốc tế Các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI), phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia đến từ KTNN Malaysia, Indonesia, WB và CAAF trong hoạt động đào tạo, hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật trong suốt quá trình kiểm toán; thực hiện điều phối giữa các bên liên quan nhằm đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng của cuộc kiểm toán.
                
   

Đoàn kiểm toán của KTNN Việt Nam nhập cuộc với quyết tâm, tinh thần trách nhiệm rất cao. Ảnh tư liệu

   

Trên cơ sở đó, cơ quan KTNN các nước đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch kiểm toán với các mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán phù hợp với điều kiện thực tiễn và Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) tại mỗi quốc gia, đồng thời bám sát với mục tiêu chung của cuộc kiểm toán.
         
Xác định tính chất, vai trò đặc biệt của cuộc kiểm toán, Đoàn Kiểm toán thuộc KTNN chuyên ngành III đã huy động mọi nguồn lực tốt nhất tiến hành kiểm toán từ ngày 03/3/2021 đến 29/4/2021 tại 4 Bộ, ngành Trung ương (Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và 12 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Mê Công tại Việt Nam (An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau, Hậu Giang, Bến Tre, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk).

Từ sự chuẩn bị chu đáo, trong đó với vai trò dẫn dắt, định hướng của KTNN Việt Nam, cuộc kiểm toán đã được KTNN các nước tích cực triển khai thực hiện, bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, cũng như những thách thức đặt ra từ thực tiễn.

Hành trình kiểm toán đầy gian nan, thách thức…

Theo Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Đinh Văn Dũng – Trưởng Đoàn kiểm toán, tiến hành kiểm toán trên phạm vi rộng, trải dọc khắp vùng sông Mê Công từ khu vực Tây Nguyên đến Đồng bằng sông Cửu Long, trong điều kiện địa hình, thời tiết khắc nghiệt, Đoàn kiểm toán đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm toán.

Theo chân Đoàn kiểm toán khi ấy, chúng tôi mới cảm nhận được phần nào nỗi khó khăn, vất vả mà các KTV phải trải qua. “Kế hoạch công việc dày đặc, với lịch trình di chuyển thường xuyên, khiến cho áp lực công việc đè nặng lên mỗi kiểm toán viên” - Trưởng Đoàn kiểm toán cho biết.
                
   

Các kiểm toán viên vẫn miệt mài làm việc tại hiện trường dưới cái nắng gay gắt. Ảnh tư liệu

   

Dưới cái nắng nóng đổ lửa của thời tiết Nam Bộ, nơi cách biên giới nước bạn Campuchia chỉ một mép nước, các KTV vẫn miệt mài theo dõi dòng chảy, đánh giá hiện trường, đo đạc các thông số của một trạm quan trắc. “Do các địa bàn kiểm toán tại vùng sông Cửu Long gắn với vùng biên giới, giáp ranh với các nước bạn nên phần lớn thời gian kiểm toán của các kiểm toán viên là gắn với hiện trường” – KTV Tô Tuấn Anh nói và cho biết thêm, chính thời tiết khắc nghiệt tại đây phần nào cho thấy sự ảnh hưởng của môi trường, của sự biến đổi khí hậu, nguồn nước đến cuộc sống nơi đây, trực tiếp là người dân sinh sống tại các vùng giáp sông - vấn đề mà cuộc kiểm toán cần làm rõ.

Với tâm lý mang trọng trách thực hiện cuộc kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước giao và gửi gắm ở đó là cả những kỳ vọng, các KTV luôn nỗ lực hết sức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Song, những rào cản cũng liên tục xuất hiện trong quá trình kiểm toán, từ công tác thu thập tài liệu, thông tin để làm bằng chứng kiểm toán, cho đến việc đưa ra các đánh giá kiểm toán.

Do tính chất đặc thù là cuộc kiểm toán việc quản lý nguồn nước, trong khi các cán bộ quản lý, một số đơn vị có liên quan tại địa phương chưa thực sự chú trọng đến vấn đề này, dẫn đến việc cung cấp hồ sơ cho đoàn kiểm toán gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, lĩnh vực kiểm toán môi trường đối với KTNN vẫn là nội dung kiểm toán mới, các KTV chưa có nhiều kinh nghiệm; lĩnh vực môi trường cũng không có các tiêu chí đánh giá rõ ràng như nhiều lĩnh vực khác… nên để hoàn thành một nội dung đánh giá, các KTV phải rất thận trọng và phải tập trung, cố gắng hơn gấp nhiều lần.

"Chứng kiến cảnh giữa trưa trời nắng nóng gay gắt, người dân phải đi vài cây số để xếp hàng chờ lấy từng chút nước, mỗ hôi đầm đìa lưng áo, chỉ vì nước mặn xâm nhập sâu, không còn nước ngọt để dùng, kiểm toán viên ai nấy đều thấy rõ hơn trách nhiệm của bản thân cần phải góp chút sức nhỏ bé của mình với mong muốn thay đổi hiện trạng này" - một thành viên trong Đoàn kiểm toán chia sẻ.
                
   

Người dân xếp hàng tại một điểm cấp nước sạch giữa trưa nắng gay gắt. Cách đó không xa, các kiểm toán viên vẫn đang làm việc. Ảnh tư liệu

   

Theo chân một tổ kiểm toán thực hiện kiểm toán tại khu vực Tây Nguyên thời điểm đó, chúng tôi lại có cơ hội chứng kiến và thấu hiểu rằng, để cho ra được một con số kiến nghị, đánh giá kiểm toán, các KTV phải rất trăn trở, suy tư với nhiều vất vả, hiểm nguy rình rập. Bởi lẽ, địa bàn kiểm toán chủ yếu là khu vực đồi núi biên giới, nơi dòng sông Mê Công khu vực thượng nguồn chảy về lưu vực rất cheo leo, hiểm trở.

Theo KTV Nguyễn Việt Hà – thành viên tổ kiểm toán thực hiện kiểm toán tại đây, mỗi địa bàn kiểm toán có những khó khăn, vất vả khác nhau phụ thuộc vào đặc thù, điều kiện ở từng nơi. Để thực hiện tốt trách nhiệm và hoàn thành công việc được giao với kết quả cao nhất, mỗi KTV đều thể hiện rõ sự quyết tâm, nỗ lực cao, bởi “kết quả cuộc kiểm toán không chỉ là sản phẩm để hướng đến điều chỉnh các vấn đề trong nước, mà đây còn thể hiện trách nhiệm, vai trò của KTNN đối với cộng đồng quốc tế trong việc nỗ lực bảo vệ môi trường và vai trò dẫn dắt của KTNN trên cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm lỳ 2018-2021” - Kiểm toán viên Nguyễn Việt Hà chia sẻ.
                
   

Một tổ kiểm toán thực hiện kiểm toán tại khu vực Tây Nguyên. Ảnh tư liệu

   

Tự nhận là "có duyên" với các cuộc kiểm toán tại địa bàn khó khăn như kiểm toán chương trình hỗ trợ giảm nghèo vùng dân tộc miền núi (Chương trình 30a, Chương trình 135), song Phó Trưởng Đoàn kiểm toán Lại Xuân Nghị - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V (thời điểm đó là Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế) vẫn phải ví von, cuộc kiểm toán nguồn nước sông Mê Công lần này giống như "nốt nhạc" khó, mà mỗi KTV cần ý thức rõ về trách nhiệm của mình để vượt qua.

Với trí tuệ, quyết tâm cao độ của từng thành viên, cùng sự quan tâm chỉ đạo, động viên kịp thời của lãnh đạo KTNN, cuộc kiểm toán đã thành công ngoài mong đợi và gây tiếng vang không chỉ trong nước mà còn khẳng định tên tuổi, vai trò rất dắt của KTNN Việt Nam trong cộng đồng kiểm toán khu vực.
Bài cuối: Những phát hiện, kiến nghị làm thay đổi nhận thức hợp tác trong bảo vệ nguồn nước

Cùng chuyên mục
Nhìn lại cuộc kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước sông Mê Công: Dấu ấn nhiệm kỳ và minh chứng cho sự phát triển, hội nhập của Kiểm toán nhà nước