Những bài học từ mùa xuân

(BKTO) - Những cái Tết thời ấu thơ, bố đi xuất khẩu lao động, mẹ con thường rời Vinh kéo nhau về nhà ông bà ăn Tết ở Đô Lương. Và không biết tự lúc nào, những đứa trẻ nửa quê nửa phố như tôi vẫn thường có những sự so sánh khá thú vị về Tết quê và phố. Chẳng hiểu vì những lí do gì mà lòng mình vẫn nghiêng hẳn ân tình về vùng quê.



Tết quê. Từ 27 Tết ông ngoại đã ra sân chặt cành đào vào hun khói. Mùi khói củi ông nhóm để hun cành đào gặp nhựa cây thành một thứ mùi hanh hao, ngai ngái bay lên theo khói dày bện trong sương sớm. Gốc đào ấy cách đây vài năm cậu tôi lên tận Tân Kỳ, cách nhà vài chục cây để chọn. Sau mỗi mùa Tết lại cắm cành đào xuống đất, giờ đã thành một hàng đào lớn bé đơm hoa trước ngõ.

Có lần, tôi thắc mắc khi nhìn dòng nhựa vẫn chảy ròng ròng trên thân, cành đã bị hun ngay vào lửa nóng: “Ông à, cành đào này đau lắm phải không? Nó vừa xa mẹ đã phải chịu đau thế này…”. Ở tuổi lên 5 lên 6, trong mắt nhiều đứa nhỏ, mỗi cành cây, mỗi con vật cũng rất giống con người, biết đau, biết mừng, biết sợ… Ông giải thích: “Phải hun gốc cây mới giữ được nhựa, được dinh dưỡng và sau khi chưng mới có thể có sức đâm chồi nẩy lộc khi trồng xuống đất chứ cháu. Và năm sau cây đào này sẽ thành cây mẹ, sẽ có những đứa con khỏe mạnh và dũng cảm như nó.
Cháu gái nhớ nhé, trong nhiều hoàn cảnh, biết chấp nhận sự khắc nghiệt sẽ giúp mình trưởng thành…”. Ở tuổi ấy tôi chưa hiểu được nhiều điều ông nói. Nhưng mỗi mùa xuân qua, nhìn những cành đào đã đâm rễ thành cây trước sân, những người hàng xóm, họ hàng ghé nhà được ông chia sẻ một cành đào nhỏ mang về, tôi lại thấy lòng mình ấm lạ.

Tết quê. Tôi nhớ những buổi mai tinh sương, mưa phùn và sương mai cuốn theo nhau rắc xuống như tơ trời. Trong làn tơ mảnh mềm ấy những nụ hồng nhung đỏ thẫm vừa hé nở ngoài vườn. Chị Mun con bác tôi nói: “Hôm nay hồng nhung nở nhiều”. Chị vẫn nằm trong chăn ấm, chỉ hít hà mà như đã nhìn thấy cả khu vườn vậy. Sáng nào chị nói hồng bạch nở nhiều, thược dược nở nhiều… là y như rằng đúng loài hoa ấy đua nở. Chị Mun khiến tôi ngạc nhiên xen lẫn cảm phục.

Chị Mun dẫn tôi đi dọc những con đường đất ẩm mềm. Chị ngắt cho tôi một chùm hoa bưởi, chị chỉ cho tôi cách phân biệt mùi hoa bưởi với hoa cau. Chị đọc cho tôi nghe bài thơ “Hương thầm” rất hay về loài hoa này. Hầu như với loài hoa nào chị đều ghi nhớ những bài thơ, bài hát về chúng. Chị Mun học lớp 7 còn tôi chưa đi học, nên dĩ nhiên tôi ngưỡng mộ chị tuyệt đối. Nhờ chị, chỉ sau một cái tết tôi có thể phân biệt được vài loài hoa loanh quanh mình.

Từ những hương thơm gần gũi và dễ phát hiện như hồng bạch - hồng nhung, cau - bưởi… cho tới cả những loại hoa thi thoảng mới gặp và hương dịu tới đỗi rất khó nhận ra trong vườn nhà như hoa táo, hoa cải… Đúng như chị Mun nói, mỗi loài hoa đều có ngôn ngữ riêng nó, đó là hương thơm. Và khi yêu hoa, chỉ cần nhắm mắt lại, hít hà hương hoa thật sâu, nhớ tới bài thơ khúc hát thật hay về chúng chắc rằng sẽ chẳng thể quên. Khi mình nhớ tới hoa hay bất cứ ai bằng tất cả tâm can, nhất định sẽ không quên nhau.

Tết quê. Năm cả làng vẫn còn đốt pháo. Nửa đêm có bà mẹ khóc gào chạy đến tìm ông: “Cứu con tôi, ông ơi, nó bị pháo nổ banh bụng”. Ông là bác sĩ trạm trưởng trạm y tế xã. Mới vừa qua giao thừa, vừa thắp nhang bàn thờ tổ tiên và chưa kịp ăn lót dạ, ông đã lúc túc xách đồ nghề chạy theo bà Chắt Hoan. Cậu tôi lúc ấy còn là sinh viên trường y theo ông phụ giúp.

Tới tận sáng mai ông mới trở về, mệt nhoài sau ca bệnh nặng. Áo còn dính loang vệt máu khô. Bà ngoại thở dài: “Mất cả cái Tết. Đầu năm chưa chi ông đã dính máu me thế này…”. Ông cười: “Bà hay nhỉ, đầu năm làm điều tốt đẹp thì cả năm tốt đẹp chứ”. Ở ông, chị em tôi luôn học được sự hi sinh, yêu lao động và cách nhìn về hướng tích cực.

Tết quê. Ông tôi bắt hai chị em ghi chép những điều mới mẻ vào cuốn sổ be bé ông tự đóng cho. Ông đã viết lên bìa cuốn sổ ấy là: “Những bài học từ mùa xuân”. Chẳng biết dựa vào đâu nhưng ông nói thời khắc sáng mùng Một rất quan trọng. Vui buồn của buổi sáng ấy sẽ theo mình suốt năm. Chúng tôi tin vào điều đó lắm. Sáng mùng Một lại mở sổ ra chép một bài thơ thật hay mình thích rồi ghi lại những điều thú vị mình gặp trong những ngày ấm nồng vị Tết quê. Có lần cùng mở ra, hai chị em thú vị lắm khi cùng có nhiều trang viết về ông trong cuốn sổ.

Mà rồi, những ấm nồng vị Tết quê đâu chỉ nằm mãi trong cuốn sổ ấy. Đúng như ông nói, nó theo mình suốt năm. Rồi từ năm này qua năm khác cũng như xuân này qua thì xuân sau sẽ tới. Cả khi lớn lên, nhắm mắt lại vẫn nhớ những bài học cực dễ thương từ mùa xuân ngày nào bởi đã in trong mảnh hồn mình một thời sâu sắc nhất.

VÕ THU HƯƠNG
Theo Đặc san Kiểm toán số 67 ra tháng 01/2018
Cùng chuyên mục
  • Trao 265 phần quà cho học sinh vùng cao
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 05/02, được sự đồng ý của Đảng ủy Đảng bộ bộ phận và lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI, Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh KTNN chuyên ngành VI đã phát động chương trình thiện nguyện “Áo ấm vùng cao”, trao tặng nhiều phần quà cho các em nhỏ vùng cao biên giới tại trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở xã Mã Ba, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
  • Tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực kiểm toán: Trách nhiệm không của riêng doanh nghiệp
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSA) do Bộ Tài chính ban hành dựa trên Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISA). Đây là cơ sở để định hướng hoạt động chuyên môn cho các Kiểm toán viên (KTV) và DN kiểm toán. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán vẫn còn nhiều hạn chế.
  • Xây dựng Chương trình môn học:   Thận trọng để không lặp lại “vết xe đổ”
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo Các chương trình môn học, hoạt động giáo dục (Chương trình môn học) trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Việc xây dựng Chương trình môn học ra sao để không lặp lại “vết xe đổ” từng xảy ra với mô hình trường học mới là băn khoăn của nhiều chuyên gia khi góp ý về Dự thảo này.
  • Giáo dục đại học công lập cần giảm  sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN) cho giáo dục đại học vẫn phức tạp, manh mún, mang tính bình quân, chưa gắn với chất lượng và kết quả đầu ra. Vì vậy, các chuyên gia tài chính cho rằng, cơ quan quản lý cần nghiên cứu, thay đổi từ phương thức phân bổ NSNN theo dự toán sang phương thức Nhà nước đặt hàng đào tạo theo nhu cầu sử dụng.
  • Vụ Tổng hợp KTNN bàn giao nhà tình nghĩa tại Sơn La
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 01/02, Vụ tổng hợp KTNN đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Lò Văn Thích, thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn tại bản Tra, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Những bài học từ mùa xuân