Giáo dục đại học công lập cần giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước

(BKTO) - Cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN) cho giáo dục đại học vẫn phức tạp, manh mún, mang tính bình quân, chưa gắn với chất lượng và kết quả đầu ra. Vì vậy, các chuyên gia tài chính cho rằng, cơ quan quản lý cần nghiên cứu, thay đổi từ phương thức phân bổ NSNN theo dự toán sang phương thức Nhà nước đặt hàng đào tạo theo nhu cầu sử dụng.



Phân bổ NSNN cho trường đại học: phức tạp và manh mún
Hiện nay, việc phân bổ NSNN cho giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung được thực hiện theo Luật NSNN năm 2015, với 2 cấp khác nhau. Ở cấp T.Ư, việc phân bổ ngân sách hoạt động thường xuyên cho các Bộ và địa phương thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính, còn việc phân bổ ngân sách cho đầu tư là nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ở cấp địa phương, UBND tỉnh là cơ quan chuyên trách trong việc phân bổ ngân sách cho các trường trực thuộc. Như vậy, tuy là một cơ quan chịu trách nhiệm tổng thể trong việc giám sát bậc giáo dục đại học, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lại không có cơ chế nào để được biết và giám sát quá trình phân bổ ngân sách cho các trường đại học thuộc địa phương và thuộc các Bộ khác.
Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) - cho rằng, tình trạng có quá nhiều bên liên quan (đặc biệt là các Bộ) tham gia vào quá trình phân bổ ngân sách cho các trường đại học xuất phát từ việc nhiều trường đại học đang thuộc sự quản lý của các Bộ, ngành.

Dù Đề án đổi mới giáo dục đại học đã nêu rõ biện pháp nhằm “loại bỏ sự kiểm soát của các Bộ chủ quản”, song trên thực tế, vấn đề này vẫn chưa được thực hiện. Đây chính là nguyên nhân khiến quá trình phân bổ ngân sách đối với các trường trở nên quá phức tạp, đồng thời cũng làm cho công tác quản lý tài chính của bậc giáo dục đại học trở nên manh mún.
Ở một góc độ khác, đại diện Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên cho biết, cơ chế phân bổ nguồn NSNN cho các cơ sở giáo dục đại học vẫn mang tính chất bình quân, chưa gắn với chất lượng và kết quả đầu ra. Các trường đại học công lập không có đủ nguồn tài chính để bù đắp chi phí, đảm bảo chất lượng, tái đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, do bị khống chế về mức trần học phí, các cơ sở giáo dục đại học buộc phải tăng số lượng và quy mô đào tạo, mở rộng các loại hình đào tạo không chính quy cũng như liên kết để có thêm nguồn thu.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế thế giới, nếu Việt Nam vẫn giữ tư duy tài trợ cho giáo dục đại học chủ yếu từ NSNN trong khi NSNN còn hạn hẹp thì giáo dục đại học sẽ không phát triển được, nhu cầu đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và nhu cầu học tập của người dân cũng sẽ không được đáp ứng. Hơn thế, nếu NSNN vẫn duy trì việc trợ cấp mức học phí bình quân thấp cho mọi đối tượng học đại học như hiện nay thì sự mất công bằng trong xã hội cũng sẽ tiếp tục diễn ra.
Cần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Để các trường đại học công lập phát triển mạnh và bền vững, đại diện Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên cho rằng, việc quản lý tài chính theo hướng để các trường đại học tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm là phù hợp với xu thế phát triển của xã hội cũng như định hướng của Đảng, Nhà nước.

Theo đó, cơ quan quản lý cần hoàn thiện quy định quản lý nguồn thu dựa trên nguyên tắc minh bạch, khai thác tối đa các nguồn lực, điều kiện hiện có của nhà trường và các hoạt động liên doanh, liên kết. Đồng thời, đa dạng hóa các nguồn lực, các kênh và cách thức huy động, đặc biệt chú trọng đến việc huy động nguồn lực tài chính từ hoạt động sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học để bù đắp sự giảm sút nguồn kinh phí từ NSNN. Cùng với việc đổi mới, hoàn thiện cơ cấu phân bổ nguồn lực tài chính, các cơ sở đào tạo đại học phải không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực này.
Dưới cái nhìn của một nhà quản lý tài chính, ông Nguyễn Trường Giang cũng đưa ra một số khuyến nghị, đó là: học phí đại học cần được nâng lên đáng kể để thực hiện mục tiêu bù đắp được chi phí đào tạo. Quá trình điều chỉnh học phí cần gắn với việc đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục đại học của học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh tài năng, học sinh thuộc các hộ gia đình có thu nhập thấp, gia đình nghèo bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, thay đổi phương thức phân bổ NSNN, từ chỗ căn cứ vào dự toán mang tính chất bình quân sang phương thức Nhà nước đặt hàng đào tạo theo nhu cầu sử dụng. Cùng với đó, cần đa dạng hóa nguồn tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học theo hướng: từng bước tăng nguồn thu học phí về số tuyệt đối nhưng tỷ trọng học phí trong cơ cấu nguồn thu tài chính phải giảm về tương đối.
Ông Giang nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục đại học công lập cần chuyển sang thực hiện đầy đủ các quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Trên tinh thần đó, các cơ sở giáo dục đại học sẽ không phụ thuộc vào NSNN mà tự chủ toàn bộ về tài chính, nguồn thu chủ yếu là từ các hợp đồng đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học và từ việc học sinh nhập học...

Nhà nước chỉ nên cấp kinh phí hoạt động cho một số cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện những nhiệm vụ đặc thù do Nhà nước giao và cho những cơ sở giáo dục đại học ở các khu vực, vùng miền khó khăn… Những cơ sở đào tạo đại học công lập nào chậm đổi mới, không thích ứng được cơ chế cạnh tranh thì phải chấp nhận tái cơ cấu, sáp nhập, hoặc chuyển giao sở hữu cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước.

THU HƯỜNG
Theo Báo Kiểm toán số 05 ra ngày 01-02-2018
Cùng chuyên mục
  • Vụ Tổng hợp KTNN bàn giao nhà tình nghĩa tại Sơn La
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 01/02, Vụ tổng hợp KTNN đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Lò Văn Thích, thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn tại bản Tra, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
  • Đổi mới cơ chế tài chính y tế cơ sở
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - “Vực dậy” và phát huy vai trò hệ thống y tế cơ sở là tâm huyết của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Vì vậy, năm 2018, bên cạnh việc củng cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành y tế đặt ra là đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế thanh toán Bảo hiểm y tế (BHYT) cho y tế cơ sở.
  • Siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Năm 2017, xuất khẩu lao động (XKLĐ) tiếp tục đạt kỷ lục và là 1 trong 10 thành tựu nổi bật của ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH). Cùng với nỗ lực gia tăng số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã tích cực chấn chỉnh hoạt động XKLĐ của DN.
  • Từ kỳ tích bóng đá, nghĩ về động lực tăng trưởng!
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tràn ngập nụ cười, những “biển người” với sắc đỏ cờ hoa - không thể tuyệt vời hơn khi đón đội tuyển U23 từ sân bay Nội Bài về nước hôm qua! Càng thấy một Việt Nam hào sảng và khí phách. Càng yêu hơn Tổ quốc Việt Nam luôn biết trọng, biết trân quý tài năng. Bởi đó chính là nguồn lực, là những khởi nguồn của một mùa Xuân mới.
  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Đội tuyển U23 Việt Nam
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lẵng hoa chúc mừng Đội tuyển U23 Việt Nam
Giáo dục đại học công lập cần giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước