Những kiến nghị nổi bật từ cuộc kiểm toán về nguồn lực phòng, chống dịch

(BKTO) - Trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội về một số kết quả chính của cuộc kiểm toán Chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh đã nêu 3 kiến nghị quan trọng.



                
   

Cả nước đã huy động được nguồn lực rất lớn phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa: PVN

   

Một là, kiến nghị xử lý tổng số tiền 6.789,74 tỷ đồng, trong đó kiến nghị xử lý tài chính 3.431,23 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác 3.358,51 tỷ đồng.

Hai là, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế hoặc xử lý theo quy định đối với những sai phạm được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra; đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách còn bất cập và rút ra những bài học kinh nghiệm.

Bà là, đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu ban hành khung pháp lý để vận hành nền hành chính trong điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt, bất thường để tạo cơ sở thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ được giao.

Để đưa ra những kiến nghị trên, toàn ngành KTNN đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện cuộc kiểm toán tại 09 Bộ, cơ quan Trung ương (TW) và 32 địa phương đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, đáp ứng toàn diện các mục tiêu đề ra, trong đó có đánh giá cụ thể về việc huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống dịch.

Phân bổ gần hết nguồn lực huy động toàn xã hội

Theo số liệu báo cáo, tổng nguồn lực toàn xã hội đã huy động cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến 31/12/2021 là 376.217,681 tỷ đồng (nguồn lực NSNN chiếm 130.551,8 tỷ đồng; nguồn viện trợ nước ngoài gần 11.468,6 tỷ đồng; các chính sách hỗ trợ gần 140.589,3 tỷ đồng và huy động khác 93.608 tỷ đồng).

Ngoài ra, Nhà nước còn xuất từ kho dự trữ 66.557,7 tấn gạo và sử dụng NSNN mua 75.459,6 tấn gạo để hỗ trợ cho hơn 10 triệu người ở các địa phương.

Tổng nguồn phân bổ, sử dụng năm 2020, 2021 là 351.177,656 tỷ đồng. Trong đó, chi từ nguồn NSNN là 114.440,2 tỷ đồng; chi hết toàn bộ nguồn viện trợ nước ngoài; chi từ nguồn huy động khác 85.096,4 tỷ đồng…

Có thể thấy, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp tổng thể để ứng phó. Về cơ bản các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, kịp thời và đến nay, cả nước đã dần kiểm soát được đại dịch.

Tuy nhiên, trong việc huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch vẫn có những bất cập. Tại một số Bộ, địa phương chưa thực hiện đầy đủ quy định về huy động các nguồn kinh phí; số liệu tổng hợp thiếu; số báo cáo còn có sự chênh lệch.

Trong phân bổ nguồn lực, việc lập dự toán còn thiếu thuyết minh, chưa đầy đủ cơ sở; việc phân bổ và giao dự toán chưa phù hợp, kịp thời. Số liệu phân bổ NSTW còn chênh lệch giữa các đơn vị báo cáo; thậm chí có tình trạng phân bổ, giao kinh phí trong khi chưa sử dụng hết nguồn kinh phí kết dư, dự phòng.

Một số đơn vị được phân bổ, giao dự toán chưa sát thực tế, chưa đúng nhu cầu, sử dụng không kịp thời dẫn đến chi chuyển nguồn lớn. Nhiều đơn vị phải thu hồi hoặc hủy dự toán; phân bổ dự toán chưa có tiêu chí cụ thể, chưa phù hợp với quy định, tỷ lệ kinh phí quyết toán còn thấp.

Một số cơ quan phân bổ nguồn huy động cho một số đơn vị với thời gian thực hiện ngắn hoặc việc hướng dẫn, tiêu thức, phương án phân bổ còn chưa phù hợp với thực tiễn; chưa lưu giữ đầy đủ các chứng từ tiếp nhận, phân bổ, thiếu hồ sơ, tài liệu ghi nhận giá trị.

Công tác theo dõi việc sử dụng tiền, hàng hóa được phân bổ tại các đơn vị tiếp nhận còn hạn chế; chưa kịp thời chuyển tiền vào tài khoản tiếp nhận kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 và Quỹ Vắc xin theo quy định.

Quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính còn bất cập

Trong thực hiện chi chế độ phụ cấp cho đối tượng được huy động tham gia phòng, chống dịch, KTNN nêu rõ, còn tình trạng chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch trùng đối tượng, không đúng đối tượng, không đúng định mức, không đúng quy định 79,76 tỷ đồng; chứng từ thanh toán chưa đầy đủ theo quy định 17,54 tỷ đồng; chưa chi trả kịp thời kinh phí cho lực lượng tuyến đầu chống dịch 18,2 tỷ đồng, kinh phí cho các đoàn công tác hỗ trợ địa phương 113,59 tỷ đồng.

Tương tự, về chi phí cách ly y tế, một số Bộ, ngành, địa phương cũng đã chi trùng đối tượng, không đúng đối tượng, không đúng định mức, không đúng quy định 6,43 tỷ đồng; chứng từ thanh toán chưa đầy đủ theo quy định 26,95 tỷ đồng. Một số đơn vị chưa chi trả kịp thời cho các đối tượng cách ly y tế số tiền 3,39 tỷ đồng.

Khi thanh quyết toán chi phí khám, điều trị bệnh nhân Covid-19 với NSNN, một số bệnh viện cũng chi trùng, chi chưa đúng quy định 1,45 tỷ đồng; quyết toán với NSNN một số khoản chi chưa phù hợp; chưa quyết toán được với NSNN khoảng 1.575,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số đơn vị chi vượt định mức, sai nguồn, không đúng dự toán, không đảm bảo quy định 30,1 tỷ đồng; chưa đủ hồ sơ quyết toán 7,85 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, một số đơn vị còn gặp vướng mắc liên quan đến việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với người bệnh không có nhân thân, thông tin cá nhân… và việc tách bạch nguồn chi trả khám chữa bệnh giữa NSNN, bảo hiểm y tế và người bệnh.

KTNN chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là do một số văn bản hướng dẫn còn bất cập, chưa thống nhất hoặc chưa quy định đầy đủ, chưa bao quát được hết các nội dung, mức chi, đối tượng hưởng, phương thức thanh toán và nguồn chi trả.

Cùng với đó, một số văn bản chậm được sửa đổi theo tình hình kiểm soát dịch Covid-19 hoặc chậm được ban hành… dẫn đến các đơn vị còn lúng túng, vướng mắc khi thực hiện.

Chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng tiền viện trợ, tài trợ

KTNN ghi nhận tổng các nguồn viện trợ, tài trợ bằng tiền đã sử dụng trong giai đoạn 2020-2021 là 74.987,935 tỷ đồng, chiếm 89,4% nguồn lực huy động được.
                
   

Nguồn tài trợ, viện trợ cho công tác phòng, chống dịch cũng rất lớn. Ảnh minh họa: Thành ủy TP.HCM

   

Tuy nhiên, các bệnh viện chưa ban hành quy chế sử dụng nguồn tài trợ, sử dụng chưa đúng mục đích của nhà tài trợ và sử dụng kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch chưa kịp thời.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) các cấp chưa phân phối kịp thời các khoản hỗ trợ dẫn đến tồn quỹ cuối năm lớn, chiếm tới 35% kinh phí huy động; chưa quản lý, đối chiếu nguồn vận động ủng hộ bằng tin nhắn theo Kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

Trong đó, Bộ TT&TT đã chuyển về Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 của Bộ Tài chính 103,24 tỷ đồng; đã nộp 12,108 tỷ đồng từ nguồn ủng hộ phòng, chống dịch vào tài khoản của Ủy ban TW MTTQ Việt Nam song vẫn thiếu 4,004 tỷ đồng, bởi số phải nộp theo KTNN xác nhận là 16,112 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn 02 DN chưa chuyển 2,687 tỷ đồng về Bộ TT&TT để nộp vào Quỹ Vắc xin; đồng thời, các DN vẫn đang quản lý, chưa nộp về Quỹ 22,04 tỷ đồng tiền trích ủng hộ khi đăng ký gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông.

UBMTTQ các cấp cũng sử dụng kinh phí chưa kịp thời dẫn đến tồn cuối năm lớn, có cơ quan cấp tỉnh tồn tới 25,18 tỷ đồng. Một số cơ quan cấp huyện chưa nộp kịp thời nguồn huy động về UBMTTQ cấp tỉnh; sử dụng nguồn ủng hộ Quỹ Vắc xin chuyển vào nguồn ngân sách địa phương 127,12 tỷ đồng…

Cùng với một số nội dung chi (14,82 tỷ đồng) của UBMTTQ các cấp chưa có văn bản trao đổi, thống nhất với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương, KTNN cũng phát hiện UBMTTQ một số tỉnh chi 3,29 tỷ đồng chưa phù hợp với mục đích kêu gọi vận động, đóng góp; chi 33,38 tỷ đồng chưa đúng nội dung và đối tượng hỗ trợ.

Một số đơn vị được phân bổ kinh phí mua sắm thiết bị, vật tư y tế hoặc hỗ trợ cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch nhưng lại sử dụng 14,93 tỷ đồng sang việc khác…
         
UBMTTQ các cấp chưa nộp về TW 12,28 tỷ đồng (50% số kinh phí huy động được); MTTQ một số tỉnh chưa trích nộp 80% số ủng hộ phòng, chống dịch về Quỹ Vắc xin (618 tỷ đồng); chưa chuyển kinh phí còn dư 91,19 tỷ đồng về TW để mua vắc xin, máy thở và trang thiết bị y tế; cá biệt có cơ quan chưa xây dựng chương trình, kế hoạch sử dụng nguồn huy động ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19…

Toàn bộ những bất cập, hạn chế trên đã được KTNN đề cập trong báo cáo kiểm toán, kèm theo những kiến nghị cụ thể nhằm chấn chỉnh, khắc phục để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính; cũng như kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách… để hoàn thiện hành lang pháp lý./.
QUỲNH ANH




Cùng chuyên mục
Những kiến nghị nổi bật từ cuộc kiểm toán về nguồn lực phòng, chống dịch