Những lưu ý khi doanh nghiệp cắt giảm chi phí trong giai đoạn khủng hoảng

(BKTO) - Trong thời điểm khó khăn, cắt giảm chi phí là việc thường thấy của DN nhằm duy trì hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản cắt giảm này đều mang lại hiệu quả. Vì vậy, các quyết định cần được phân tích một cách toàn diện nhằm đảm bảo cho những chiến lược ngắn hạn cân bằng với giá trị dài hạn.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

   

Cân nhắc đến những rủi ro trong dài hạn

Khi đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu, hầu hết các DN đã phản ứng bằng việc cắt giảm chi phí, thậm chí là cắt giảm tận gốc. Mặc dù cắt giảm chi phí không phải lúc nào cũng là phản ứng tốt nhất đối với suy thoái nhưng chúng là một trong những biện pháp phổ biến nhất.

Theo Khảo sát DN nhỏ châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Kế toán Công chứng Australia (CPA Australia), 3 cách hàng đầu mà DN đã phản ứng với Covid-19 là tập trung vào bán hàng trực tuyến (25%), giảm chi tiêu vốn ( 24%) và tìm kiếm sự hỗ trợ và trợ cấp của Chính phủ (23%). Gần 20% DN đã giảm số lượng nhân viên và lương, trong khi 16% thương lượng giảm hoặc miễn tiền thuê nhà với chủ nhà của họ. 1/3 số người được hỏi cho rằng lương nhân viên là chi phí đáng kể nhất đối với DN của họ vào năm 2020.

Các chuyên gia của CPA Australia cho rằng, một số khoản cắt giảm chi phí tiềm ẩn những rủi ro dài hạn và giảm số lượng nhân viên là một trong số đó. Khi DN phục hồi trở lại, mức lương cũng có thể khôi phục và điều này sẽ giảm bớt gián đoạn trong hoạt động của DN cũng như giúp nhân viên tiếp tục phục vụ tốt khách hàng.

Các quyết định cắt giảm chi tiêu từ quảng cáo, tiếp thị và tài trợ cũng là các khoản tiết kiệm ngắn hạn nhưng gây rủi ro kinh doanh dài hạn. DN nỗ lực tiếp thị là nhằm thúc đẩy thương hiệu, nếu ngừng chi tiêu cho tiếp thị trong thời kỳ suy thoái kinh tế, DN sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi. Ngoài ra, việc duy trì các nỗ lực tiếp thị còn có thể mang lại lợi thế cho DN so với các đối thủ cạnh tranh.

Phân tích toàn diện về hoạt động tài chính để có giải pháp tối ưu nhất

Tại thời điểm chi phí vay nợ đang ở mức thấp như hiện nay, cắt giảm chi phí kinh doanh có thể không phải là cách tốt nhất để giải quyết tình trạng thiếu tiền mặt. Thay vào đó, đàm phán với các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác có thể giúp duy trì dòng tiền cho DN.

Ngoài ra, một chiến lược thông minh mà nhiều DN trên thế giới đã áp dụng là trì hoãn chi phí thay vì cắt giảm chúng. Chẳng hạn như với hợp đồng cho thuê dài hạn, DN có thể thỏa thuận để đạt được một khoản miễn phí thuê trong năm đầu tiên... Đây là cách khá tối ưu để DN tiếp tục duy trì tiền mặt.

Ngoài ra, tạm dừng các dự án không quan trọng cũng là một cách để giảm rủi ro trong tương lai. Các giải pháp tức thời khác DN có thể cần nhắc là hợp lý hóa cách đặt hàng, thương lượng lại các điều khoản với nhà cung cấp hoặc hợp lý hóa một số tài sản hoạt động kém hiệu quả...

Dù áp dụng theo cách tiếp cận quản lý chi phí nào, các DN đều phải thực hiện một phân tích toàn diện về hoạt động tài chính và việc quản lý chi phí không nên được thúc đẩy bởi một sự kiện duy nhất. Kiểm soát tài chính tốt phải là hành vi hằng ngày thông qua lập kế hoạch và dự báo, đồng thời hiển thị rõ ràng chi tiêu của DN so với mục tiêu hoặc kế hoạch ban đầu.

Thời điểm này, nhân viên kế toán sẽ trở thành cánh tay đắc lực giúp các DN quản lý chi phí với những hành động cụ thể như: Phân tích các cam kết chi tiêu và vốn cũng như các khoản nợ tiềm tàng, xem xét khả năng tài chính (khả năng rót vốn cổ phần từ chủ sở hữu, thay thế huy động vốn cho các công ty niêm yết, trì hoãn hoặc đàm phán lại với các ngân hàng), sử dụng ngân sách linh hoạt để giúp DN hiểu rõ tình hình tài chính của mình, xem xét sự kết hợp của các yếu tố đầu vào cần thiết để sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ./.
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Những lưu ý khi doanh nghiệp cắt giảm chi phí trong giai đoạn khủng hoảng