Những ngày khởi đầu gian nan nhưng rất đáng tự hào…

(BKTO) - Đây là chia sẻ, cảm nhận chung của các đại biểu, các khách mời dự Hội thảo “Kiểm toán nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển” do Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức sáng nay (03/7), khi cùng dành thời gian ôn lại những “mốc son” đáng tự hào trong quá trình xây dựng và phát triển tổ chức bộ máy của KTNN 30 năm qua.

qc.jpg
Quang cảnh Tọa đàm "Những mốc son tự hào trong xây dựng, phát triển tổ chức bộ máy, quy định chuyên môn". Ảnh: N.LỘC

Không địa vị pháp lý, không cơ sở vật chất…

KTNN được thành lập trong một bối cảnh với nhiều con số “Không”: chưa có tiền thân về tổ chức và hoạt động; không có khung pháp lý; không có cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật; không có nguồn nhân lực chuyên ngành…

ong-muc.jpg
Ông Nguyễn Văn Mục - Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - bồi hồi nhớ lại những ngày đầu thành lập KTNN. Ảnh: N.LỘC

Là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho KTNN 30 năm trước, ông Nguyễn Văn Mục - Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - bồi hồi nhớ lại: Khi Chính phủ ban hành Nghị định 70/CP về việc thành lập KTNN, lúc đó KTNN không có gì: Không có cơ sở vật chất, không có con người. Sau đó, Chính phủ tìm được 3 người lãnh đạo: ông Vương Hữu Nhơn, tiến sĩ học ở Liên Xô, đang là Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh; ông Hà Ngọc Son, học đại học ở Liên Xô, đang là Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán của Bộ Tài chính; ông Bùi Hải Ninh - tiến sĩ về kế toán, cũng học ở Liên Xô. Cả ba ông đều viết rất nhiều sách về kế toán.

“Ba ông được bổ nhiệm nhưng chỉ có trên giấy, bởi ông Vương Hữu Nhơn vẫn ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Bùi Hải Ninh vẫn ở Vũng Tàu, còn ông Hà Ngọc Son vẫn ở Bộ Tài chính. 3 ông hội ý rồi đề nghị Bộ Tài chính cử một số người sang giúp KTNN xây dựng tổ chức bộ máy. Lúc ấy, tôi đang ở Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Tài chính, được biệt phái sang giúp KTNN về công tác tổ chức và cán bộ nhưng vẫn “ăn lương” ở Bộ Tài chính” - ông Nguyễn Văn Mục thông tin.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, ông được phân công xây dựng Điều lệ tổ chức và hoạt động của KTNN. “Khi được giao việc này tôi rất lúng túng. Là người chắp bút, tôi phải nghiên cứu những tài liệu của các nước, đặc biệt nghiên cứu kỹ Pháp lệnh của Thanh tra nhà nước. Căn cứ vào những tài liệu như thế, tôi xây dựng đề cương để lãnh đạo KTNN thông qua, sau đó gửi Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (bây giờ là Bộ Nội vụ) trình Chính phủ Quyết định số 61-TTg ngày 24/01/1995 về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của KTNN” - ông Nguyễn Văn Mục chia sẻ.

a-long.jpg
Ông Nguyễn Hồng Long - Nguyên Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI - chia sẻ:  “Thậm chí, có người còn hỏi tôi: Chức Kiểm toán trưởng của KTNN có giống như chức Kế toán trưởng của một đơn vị hay không?. Ảnh: N.LỘC

Chia sẻ về vấn đề địa vị pháp lý, ông Nguyễn Hồng Long - Nguyên Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI - cho biết, ông về KTNN với vai trò Chánh Văn phòng KTNN vào tháng 3/2003. Lúc đó, KTNN hoạt động với địa vị pháp lý không cao, chủ yếu dựa vào các nghị định. Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương đã liên hệ với Đan Mạch và được Cơ quan phát triển quốc tế Đan mạch (DANIDA) tài trợ mua sắm vật tư, trang thiết bị cho cơ quan. Đặc biệt, DANIDA còn tài trợ KTNN tổ chức tuyên truyền về Luật KTNN đến các Bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa hiểu biết rõ về KTNN, còn nhầm vị trí của KTNN tương đương như Tổng cục Thuế, Tổng cục Thống kê. “Thậm chí, có người còn hỏi tôi: Chức Kiểm toán trưởng của KTNN có giống như chức Kế toán trưởng của một đơn vị hay không?” - ông Nguyễn Hồng Long cho hay.

Bên cạnh những khó khăn về địa vị pháp lý, ông Long cho biết, KTNN cũng gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trong những ngày đầu thành lập. “Tôi vẫn còn nhớ rõ, Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương giao cho tôi bố trí bàn ghế cho cán bộ, kiểm toán viên tại trụ sở 37 Hùng Vương, tôi còn không biết bàn ghế đặt được ở đâu... Lúc đó, cả cơ quan có 4 - 5 xe ô tô, không đủ để bố trí cho nhân sự đi thực hiện kiểm toán. Đôi khi, KTNN phải nhờ đơn vị bố trí phương tiện để đi kiểm toán, song như thế sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của hoạt động kiểm toán. Do đó, Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương đã trao đổi, nhờ một số tổ chức hỗ trợ thêm cho KTNN.

Theo ông Long, ở thời kỳ đầu mới thành lập, địa vị pháp lý, cơ sở vật chất của KTNN cực kỳ khó khăn nhưng tinh thần của mỗi kiểm toán viên đều vô cùng tâm huyết trách nhiệm.

“Tôi cho rằng, cần phải ghi nhận tinh thần của mỗi kiểm toán viên thời kỳ này đã vượt qua mọi khó khăn để đặt nền móng cho sự phát triển của KTNN sau này” - ông Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh.

ong-lac.jpg
Ông Hoàng Hồng Lạc - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước - chia sẻ về những khó khăn trong những ngày đầu tuyển dụng nhân sự cho KTNN. Ảnh: N.LỘC

Không tuyển dụng được bởi lương thấp quá…

Bên cạnh tổ chức bộ máy, thì vấn đề nguồn nhân lực thuở ban đầu cũng đầy gian nan. Chia sẻ về những khó khăn trong những ngày đầu tuyển dụng nhân sự cho KTNN, nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hoàng Hồng Lạc hồi tưởng: Tôi về công tác ở KTNN từ cuối năm 2001. Tháng 11/2002, tôi được giao Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. Lúc đó, cả Ngành có 426 người, bao gồm cả người lao động và kiểm toán viên, trong khi biên chế được giao cho Ngành là 530 người. Sau nhiều lần Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương sang làm việc với Chính phủ và Bộ Nội vụ, Ngành mới được giao thêm 150 kiểm toán viên và 40 kiểm toán viên dự bị.

Theo ông Hoàng Hồng Lạc, những ngày đầu thành lập, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của KTNN được một số đơn vị nhận thức rất mơ hồ. Do đó, việc tuyển dụng nhân sự cho KTNN gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tuyển dụng ở các KTNN khu vực.

“Hồi đó, tôi được giao nhiệm vụ giúp việc Tổng Kiểm toán nhà nước, đặt vấn đề với các cơ quan địa phương để xin cán bộ chủ chốt về thành lập các khu vực mới. Có nhiều người nhận lời về, tuy nhiên khi triển khai thực hiện các thủ tục thì họ đều xin rút, không về KTNN” - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước chia sẻ.

Đặc biệt đối với KTNN khu vực V, ông Hoàng Hồng Lạc cho biết, đợt đầu tiên tổ chức thi tuyển công chức chỉ có 14 hồ sơ đăng ký. Sau khi thi tuyển, có 10 người đỗ và chỉ có 2 người ở lại gắn bó với KTNN sau 7 tháng công tác.

ong-bong.jpg
ông Hoàng Bổng - Nguyên Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IX - chia sẻ về những khó khăn khi thành lập KTNN khu vực phía Nam. Ảnh: N.LỘC

Là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập KTNN khu vực phía Nam, ông Hoàng Bổng - Nguyên Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IX - cũng rất chia sẻ với ông Hoàng Hồng Lạc về vấn đề này. Ông Bổng cho biết, theo Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, KTNNkhu vực phía Nam thực hiện kiểm toán từ Đà Nẵng trở vào, do đó phạm vi rất rộng. Tuy nhiên lúc đó, công tác tổ chức cán bộ rất là thiếu, chủ yếu lấy từ các ngành tài chính và các doanh nghiệp. Sau này, KTNN có đợt thi tuyển đầu tiên, nhưng sau đấy một thời gian, hầu như các em, các cháu trẻ đều chuyển ra ngoài bởi lương của kiểm toán thấp quá…

ong-dung.jpg
Ông Nguyễn Bá Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: N.ỘC

Theo ông Nguyễn Bá Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, giai đoạn đầu các khu vực mới thành lập cũng rất khó khăn về đội ngũ khi triển khai các cuộc kiểm toán. Khi đó, lãnh đạo KTNN có chủ trương biệt phái một số đồng chí có năng lực cho các Đoàn kiểm toán để thực hiện các nhiệm vụ kiểm toán. “Việc này vừa giúp đơn vị thực hiện cuộc kiểm toán, vừa kèm cặp, hướng dẫn các cán bộ mới tham gia cuộc kiểm toán theo hướng vừa “cầm tay chỉ việc”, vừa hướng dẫn đào tạo. Trải qua quá trình đó, KTNN đã xây dựng được đội ngũ dần dần từng bước lớn mạnh như ngày hôm nay. Đó là một quá trình rất bài bản” - ông Nguyễn Bá Dũng khẳng định.

Còn theo ông Đỗ Văn Tạo - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, từ năm 2010, Ban cán sự Đảng KTNN đã có nhiều chính sách để thu hút nguồn nhân tài. Đến nay, KTNN đã tuyển dụng gần 100 cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ tốt nghiệp xuất sắc ở nước ngoài và thủ khoa ở các trường Đại học.

“Lực lượng này đã phát huy rất tốt năng lực, sở trường, phân tích, viết báo cáo, đồng thời có khả năng ngoại ngữ phục vụ cho công tác hội nhập quốc tế của KTNN. Đây là dấu ấn đối với ngành KTNN” - ông Đỗ Văn Tạo khẳng định.

ong-tao.jpg
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đỗ Văn Tạo nhấn mạnh: Cả hệ thống chính trị hiện nay chỉ có KTNN thực hiện kiểm tra việc thực hiện cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức. Ảnh: N.LỘC

Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đỗ Văn Tạo, Ban cán sự Đảng KTNN rất quan tâm đến công tác điều động, luân chuyển cán bộ và có nhiều nghị quyết chỉ đạo về vấn đề này. Gần đây nhất là Nghị quyết số 70-NQ/BCSĐ ngày 22/4/2024 về luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái đảng viên, công chức, viên chức KTNN.

Ông Đỗ Văn Tạo cho biết, riêng trong năm 2022, lần đầu tiên, KTNN luân chuyển điều động 6 Vụ trưởng, 16 Phó Vụ trưởng - số lượng nhiều nhất từ trước đến nay. Các đồng chí được luân chuyển, điều động đều nhận nhiệm vụ mới với tinh thần tuyệt đối chấp hành, sẵn sàng cống hiến. Điều này giúp tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ ở từng đơn vị, tạo cơ hội cho mỗi cá nhân có thêm cơ hội để cống hiến tốt hơn.

Đặc biệt, ông Tạo cho biết, một trong những dấu ấn nổi bật của Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đối với KTNN là việc kiểm tra việc thực hiện cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức KTNN.

“Cả hệ thống chính trị hiện nay, chỉ có KTNN thực hiện được nội dung này. Việc kiểm tra thực hiện cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đã tạo được hiệu ứng, động lực để mỗi cán bộ, kiểm toán viên học tập, nghiên cứu để tự nâng cao trình độ, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, nhà nước về KTNN - là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công” - ông Đỗ Văn Tạo nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
Những ngày khởi đầu gian nan nhưng rất đáng tự hào…