Những rào cản pháp lý làm giảm hiệu quả của dự án thực hiện theo hình thức EPC

Thời gian qua, hình thức hợp đồng EPC (thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ - thi công xây dựng) đã được áp dụng tại nhiều dự án đầu tư xây dựng trọng điểm, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí, hóa chất, giao thông… Tuy nhiên, do nhiều bất cập, tồn tại, đặc biệt là bất cập trong quy định pháp luật đã khiến cho hình thức hợp đồng này chưa thể phát huy được thế mạnh vốn có để mang hiệu quả cao nhất.

epc-tb2.jpg
Nhiều dự án ngành điện được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC. Ảnh minh họa: PVN

Quy định pháp luật còn dàn trải, thiếu đồng bộ

Theo các chuyên gia, việc áp dụng phương thức/mô hình quản lý dự án bằng hợp đồng EPC là xu thế tất yếu, phù hợp với phát triển của khoa học công nghệ và quản lý xây dựng, nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Mặc dù các quy định pháp luật về vấn đề này được ban hành tương đối nhiều, nhưng sự thiếu đồng bộ, thiếu hướng dẫn chi tiết đang trở thành rào cản đối với hoạt động của mô hình này.

Đơn cử, theo đại diện Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc quyết định thực hiện dự án theo mô hình tổng thầu EPC là một nội dung quan trọng của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng (vì hợp đồng EPC được triển khai sau khi dự án được phê duyệt) và phải được lập, thẩm định kỹ lưỡng trước khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, do không có hướng dẫn chi tiết tại các văn bản dưới Luật về việc lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi khi áp dụng mô hình EPC, nên chất lượng công tác lập, thẩm định dự án thực hiện theo mô hình này chưa được chú trọng, dẫn tới nhiều hạn chế, vướng mắc khi triển khai thực hiện với các dự án áp dụng mô hình này - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam Nguyễn Thị Duyên nhấn mạnh.

ba-duyen.jpg
Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam Nguyễn Thị Duyên chỉ rõ những bất cập trong quy định pháp lý đối với hợp đồng dự án EPC. Ảnh tư liệu

Dẫn quy định tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP về hợp đồng xây dựng, Nghị định số 50/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, bà Nguyễn Thị Duyên cho biết, theo quy định, hợp đồng EPC được phân làm hai loại.

Cụ thể gồm hợp đồng EPC và hợp đồng tổng thầu EPC, với những khác biệt về quy mô, phạm vi công việc và trách nhiệm quản lý, giám sát xây dựng của chủ đầu tư và nhà thầu, song các quy định chi tiết lại không thể hiện những yêu cầu khác nhau cho hợp đồng EPC hoặc hợp đồng tổng thầu EPC.

Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, cũng như có nguy cơ dẫn đến tranh chấp giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Theo PGS,TS. Nguyễn Văn Vân (Trường Đại học Luật TP. HCM), mặc dù trong thời gian gần đây, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan đã có những nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp luật về hợp đồng xây dựng nói chung và hợp đồng EPC nói riêng, tuy nhiên về thứ bậc hiệu lực, các văn bản này chỉ là nghị định và thông tư.

Chưa kể, nhiều quy định có liên quan chưa kết nối, đồng bộ giữa các luật hiện hành, như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN)…

Đây cũng là thực tế được KTNN chỉ ra, qua công tác kiểm toán thời gian qua và là nguyên nhân quan trọng khiến việc triển khai thực hiện loại hình hợp đồng EPC chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Nguyễn Xuân Khải cho biết, do cơ chế chính sách liên quan đến hợp đồng EPC còn chưa cụ thể, dẫn đến chủ đầu tư can thiệp quá sâu, làm mất tính chủ động của nhà thầu, thiếu công cụ điều chỉnh giá hợp đồng đối với dự án ở vùng núi, xa trung tâm…

Bên cạnh đó, một số quy định còn chồng chéo khiến việc thực hiện hợp đồng EPC còn gặp nhiều khó khăn như quy định của Luật Đấu thầu đối với hợp đồng trọn gói chỉ áp dụng đối với gói thầu xác định rõ khối lượng, giá cả; quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công đối với trường hợp chỉ định thầu phải có thiết kế, dự toán được duyệt…

“Một số vấn đề và nội dung liên quan đến hợp đồng EPC cần được tiếp tục nghiên cứu, như: phạm vi áp dụng hợp đồng EPC; quy định về hồ sơ mời thầu EPC, phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu EPC; quy định về các giai đoạn thiết kế, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế đối với dự án, công trình áp dụng hình thức hợp đồng EPC; hướng dẫn về kiểm soát chất lượng thi công xây dựng công trình; quyền và nghĩa vụ của các bên đối với việc quản lý và thực hiện dự án” - đại diện Vụ Tổng hợp (KTNN) chỉ rõ.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý dự án theo hình thức hợp đồng EPC

Có thể nói, việc thiếu hành lang pháp lý cùng những bất cập trong quy định hiện hành khiến cho hình thức hợp đồng EPC chưa thể phát huy được vai trò, đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế.

Chính những khó khăn này cũng ảnh hưởng rất lớn, trực tiếp tới chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm toán phục vụ quyết toán dự án hoàn thành.

Do đó, theo các đại biểu cũng như kiến nghị của KTNN qua công tác kiểm toán, việc hoàn thiện quy định pháp luật về loại hình dự án này là yêu cầu cấp thiết được đặt ra.

Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, để đưa mô hình tổng thầu EPC khi phê duyệt dự án vào áp dụng thuận lợi trên thực tiễn, trong các văn bản hướng dẫn Luật Xây dựng ở các nghị định, thông tư về quản lý dự án đầu tư xây dựng cần được xem xét, bổ sung các hướng dẫn cụ thể về nội dung giải pháp tổ chức quản lý thực hiện dự án; thời gian thực hiện dự án và các nội dung có liên quan trong phần thuyết minh của Báo cáo và thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng khi đề xuất dự án áp dụng mô hình EPC.

dsc_4723.jpg
Qua kiểm toán, KTNN cũng chỉ ra nhiều bất cập và kiến nghị sửa đổi quy định liên quan đến hợp đồng EPC.
Ảnh tư liệu

Để góp phần nâng cao hiệu của dự án được thực hiện theo hình thức này, ông Nguyễn Xuân Khải cho rằng, các quy định liên quan đến quản lý nhà nước, quản lý hợp đồng, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong giai đoạn thực hiện hợp đồng, mẫu hợp đồng cần phải được chú trọng sửa đổi nhằm khắc phục những rào cản đối với việc thực hiện dự án theo hình thức EPC, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho việc thực hiện hợp đồng EPC.

Đồng thời, cần bổ sung các quy định và chế tài để điều chỉnh mối quan hệ giữa tổng thầu với các nhà thầu phụ cũng như chỉ rõ mức độ quản lý của chủ đầu tư với nhà thầu phụ và với việc giao nhận thầu lại nhằm bao quát đầy đủ về trách nhiệm, nghĩa vụ các bên có liên quan khi thực hiện dự án.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế, căn cứ quan trọng nhất để thực hiện quản lý dự án EPC chính là hợp đồng, song dù hợp đồng EPC có hoàn chỉnh đến đâu cũng không thể tránh khỏi những nội dung buộc phải điều chỉnh chủ yếu do tác động của những yếu tố khách quan.

Do đó, trong quản lý dự án EPC, cần có cơ chế nhằm đạt được sự thống nhất giữa chủ đầu tư với tổng thầu EPC về những nội dung thay đổi một cách nhanh nhất, tránh ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Trường hợp nảy sinh tranh chấp thì phải có cơ chế giải quyết hữu hiệu để sớm đi đến thống nhất và xử lý tranh chấp một cách thỏa đáng, trước khi thông qua con đường tố tụng - TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

N.LỘC-H.THOAN

Cùng chuyên mục
Những rào cản pháp lý làm giảm hiệu quả của dự án thực hiện theo hình thức EPC