Những trụ cột vững chắc trên hành trình 30 năm

(BKTO) - Theo ông Lê Đình Thăng - Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Kiểm toán nhà nước (KTNN), trên hành trình 30 năm xây dựng và phát triển KTNN, đã có những trụ cột vững chắc được hình thành, vun đắp. Và cũng trên hành trình ấy, KTNN từng bước tạo dựng được niềm tin đối với công chúng, với xã hội…

7-toan-canh-toa-dam.jpg
Tọa đàm truyền hình “Kiểm toán nhà nước - Vững vàng tuổi 30” do Báo Kiểm toán tổ chức ngày 27/5. Ảnh: H.NHUNG

Vun đắp cho những trụ cột thêm vững chắc

Ông Lê Đình Thăng vốn là thế hệ công chức đầu tiên của Kiểm toán nhà nước (KTNN), mỗi năm, cứ đến dịp thành lập Ngành (ngày 11/7), cũng là lúc nhiều cảm xúc ùa về trong ông. Cảm xúc lớn nhất là việc, từ “không” thành “có”, từ tưởng chừng “không thể” thành “có thể”, KTNN đã tạo dựng được niềm tin đối với công chúng, đối với xã hội, cũng như đối với các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội.

KTNN phấn đấu toàn bộ các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách, các công trình, dự án đầu tư có sử dụng nguồn lực công được kiểm toán trước khi các cấp phê chuẩn. Đây là nhiệm vụ nặng nề và KTNN cũng phải có lộ trình để thực hiện.

8-anh-thang-2.jpg
Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy KTNN Lê Đình Thăng. Ảnh: H.NHUNG

Địa vị pháp lý của KTNN Việt Nam cũng đã ngang tầm với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới. Niềm tin và vị thế ấy không chỉ được gây dựng bởi KTNN mà còn có sự chung tay, góp sức, cùng quyết tâm xây dựng cơ quan KTNN của các cơ quan nhà nước, các ban của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Có thể nói, từ khi KTNN thành lập đến nay, KTNN đã dựa trên 3 trụ cột rất lớn. Trụ cột thứ nhất rất quan trọng là tạo dựng cơ sở hạ tầng pháp lý. KTNN được thành lập chỉ với một Nghị định - Nghị định số 70/CP của Chính phủ về việc thành lập cơ quan KTNN quy định KTNN là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ.

Sau đó 2 năm, Luật Ngân sách nhà nước ra đời - lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp Việt Nam - Luật Ngân sách nhà nước, một lĩnh vực về ngân sách nhà nước nhưng lại quy định địa vị pháp lý của cơ quan KTNN, đó là quy định KTNN là cơ quan thuộc Chính phủ. Tiếp đến, Luật KTNN năm 2005 được ban hành và đến năm 2013, KTNN đã được Hiến định. Ngoài ra, cơ quan kiểm toán đã xây dựng các quy trình, chuẩn mực và phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán.

Trụ cột thứ hai giúp KTNN phát triển trong vòng 30 năm qua là việc tổ chức bộ máy, tuyển chọn và đào tạo đội ngũ công chức. KTNN đã tuyển chọn nhân sự rất kỹ càng, đào tạo bài bản, xây dựng chương trình đào tạo cho từng ngạch, bậc, từng loại kỹ năng cho kiểm toán viên.

Trụ cột thứ ba, do KTNN chưa có tiền lệ nên phải tạo cho cơ quan KTNN một triết lý làm điểm tựa phát triển không chỉ trong 30 năm mà còn cho chặng đường dài lâu hơn, đó là nghiên cứu khoa học, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng để tạo ra một triết lý cho hoạt động kiểm toán, cho sự tồn tại và hoạt động của cơ quan.

30 năm qua, KTNN thực hiện 3.592 cuộc kiểm toán, trong đó có 50% cuộc kiểm toán ngân sách. Đây là thống kê mang tính tương đối, là các cuộc kiểm toán trực tiếp đối với những cơ quan quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước mà chưa tính đến những dự án đầu tư hoặc các tập đoàn kinh tế lớn được Nhà nước tài trợ hoặc sử dụng vốn nhà nước. Bản chất hoạt động kiểm toán của KTNN tập trung kiểm toán nguồn lực công; trong đó, nguồn lực ngân sách nhà nước là lớn nhất.

KTNN đã triển khai rất nhiều hoạt động để vun đắp cho 3 trụ cột này. Đó là hoạt động hợp tác quốc tế. Do lần đầu tiên có trong lịch sử Việt Nam nên không có cách nào khác, KTNN phải hội nhập quốc tế để nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm quốc tế và nghiên cứu lý luận cơ bản để làm điểm tựa. Một hoạt động thứ hai là công tác truyền thông để dân chúng, để đại biểu dân cử… hiểu kiểm toán là thế nào, tại sao phải có cơ quan kiểm toán, tại sao có cơ quan thanh tra và sự khác biệt. Hoạt động thứ ba cũng rất quan trọng, đó là phối hợp với các cơ quan nhà nước, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, của Chính phủ để có sự thấu hiểu và cùng chung lòng, góp sức để tạo dựng được thành quả của KTNN như hôm nay. Đây là những hoạt động vun đắp cho 3 trụ cột, đến nay nó tương đối vững chắc và cần tiếp tục phát huy.

Hành trang cần thiết cho chặng đường mới

Để có thể đáp ứng được kỳ vọng và mục tiêu của giai đoạn mới, nhất là trong điều kiện chuyển đổi số quốc gia, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, theo ông Lê Đình Thăng, KTNN phải áp dụng bằng được chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán, bởi vì tất cả cơ quan của Chính phủ đều số hóa hoạt động.

Tại sao cơ quan kiểm toán ra đời?
Nguồn thông tin về quản trị tài chính quốc gia rất đa dạng, phong phú, phức tạp và không thể có một thiết chế: Ai sử dụng thông tin cũng phải tự kiểm tra. Ngoài ra, người cung cấp thông tin có thể không đủ năng lực để cung cấp thông tin đúng đắn. Do đó, cần phải có một cơ quan đủ năng lực, chuyên môn cao để kiểm toán và cung cấp thông tin cho người có nhu cầu sử dụng. Cơ quan kiểm toán thay mặt và giúp Quốc hội thực hiện trách nhiệm giải trình về tài chính quốc gia. Khi thực hiện trách nhiệm này, nền tài chính trở nên minh bạch, giúp quốc gia hội nhập kinh tế thế giới tốt hơn.

Ông Lê Đình Thăng cho biết: Mỗi năm, nước ta có hàng tỷ nghiệp vụ thu và hàng tỷ nghiệp vụ chi ngân sách nhà nước, nếu sử dụng phần mềm hoặc trí tuệ nhân tạo để tính toán thì chỉ tính bằng phút. Vấn đề là phải có một đội ngũ ứng dụng công nghệ này và đó cũng là điều trăn trở của rất nhiều thế hệ cán bộ, công chức của KTNN. Năm 1997 - sau khi thành lập được vài năm, KTNN đã thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học về kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin và triển khai từ đó đến nay. Tuy nhiên, kết quả cũng chưa được như mong đợi. Vì vậy, phải đào tạo bằng được đội ngũ kiểm toán viên không chỉ biết về chuyên môn, nghiệp vụ tài chính mà phải biết về công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đây là một “gánh nặng” rất lớn, đặt ra trách nhiệm rất cao mà những thế hệ tiếp theo của KTNN phải nhanh chóng đáp ứng được.

Đồng thời, KTNN vẫn tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý nhưng không chỉ là sửa luật mà khung khổ pháp lý cho hoạt động của KTNN phải minh bạch hơn; quy trình, thủ tục nghiệp vụ của cơ quan kiểm toán phải tiếp tục được hoàn thiện.

Đây là một khối lượng công việc tương đối lớn, do đó, toàn bộ thế hệ trẻ của KTNN phải nhanh chóng hội nhập để đáp ứng được yêu cầu này. Chỉ có như vậy, KTNN mới đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.

Cùng chuyên mục
Những trụ cột vững chắc trên hành trình 30 năm