Ninh Bình: Chuyển đổi số tạo góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã tạo sự chuyển biến rõ nét trên các mặt, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình, cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả nhất định.

Một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, được triển khai đồng bộ, đổi mới nội dung, hình thức, tần suất tuyên truyền; đa dạng hóa phương thức truyền thông, từ hệ thống truyền thanh cơ sở đến Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội.

ninh-binh-1.jpg
Hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 01 đã từng bước đi vào cuộc sống tại Ninh Bình

Đặc biệt, hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã được đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chuyên môn, chuyển đổi số. Hiện 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có hạ tầng mạng LAN, kết nối Internet đảm bảo thông suốt, an toàn để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; 100% cơ quan Đảng, nhà nước trên địa bàn tỉnh (196 đơn vị) đã sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD); hoàn thành việc chuẩn hóa kết nối mạng TSLCD cấp 2 cho 143 xã, phường, thị trấn và 8 huyện, thành phố.

Cùng với đó, Trung tâm dữ liệu của tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1, đang được tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 nhằm đảm bảo khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu; duy trì, vận hành, khai thác ổn định, an toàn, hiệu quả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông đã được các doanh nghiệp đầu tư mở rộng vùng phục vụ, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet băng thông rộng và dịch vụ truyền hình qua mạng viễn thông.

Tháng 10/2023, UBND tỉnh Ninh Bình đã khai trương Cổng dữ liệu và Hệ sinh thái dữ liệu mở, công khai dữ liệu 11 lĩnh vực gồm: Tư pháp, Thanh tra, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông Vận tải, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Danh mục dùng chung. Hoàn thành việc triển khai xây dựng Kho dữ liệu trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số, phát triển nguồn nhân lực số được quan tâm chú trọng. Ninh Bình là một trong các địa phương sớm triển khai thực hiện đảm bảo an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp và hoàn thành kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia; đảm bảo an toàn thông tin phục vụ kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Có thể nói, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 01 đã từng bước đi vào cuộc sống, các nền tảng quan trọng từng bước được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện, quá trình chuyển đổi số được đẩy mạnh và phát triển đồng đều trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Về xây dựng, phát triển Chính quyền số: Đến nay, Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành việc triển khai, đưa vào khai thác, sử dụng; tổ chức quản lý, vận hành đảm bảo ổn định, an toàn, hiệu quả các nền tảng, ứng dụng số dùng chung quy mô cấp tỉnh phục vụ xây dựng, phát triển Chính quyền số, như: Trung tâm điều hành thông minh IOC, Cổng Thông tin điện tử tỉnh; Hệ thống thông tin Quản lý văn bản và Điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; Hệ thống hội nghị trực tuyến; Hệ thống thư công vụ điện tử; Hệ thống họp không giấy tờ, Hệ thống xác thực tập trung (SSO)…

Trong đó, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh Ninh Bình đáp ứng chuẩn giao thức dải địa chỉ IPv6, an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3, được triển khai và duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả cho 172 cơ quan, đơn vị từ tỉnh tới cấp xã trên địa bàn tỉnh; Hệ thống đã cập nhật đầy đủ danh mục, công khai quy trình giải quyết TTHC của tỉnh, thực hiện đồng bộ, kết nối và đồng bộ trạng thái hồ sơ TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia; thực hiện kết nối với 19 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành của các bộ, ngành; kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số. Năm 2023, trên hệ thống đã tiếp nhận 485.762 hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tuyến là 339.252 hồ sơ, đạt 69,83%; số lượng hồ sơ TTHC đã khai thác dữ liệu dân cư phục vụ định danh và xác thực điện tử là 253.351 hồ sơ.

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành triển khai ứng dụng cho 100% các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị trực thuộc của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tổng số tài khoản người dùng là 11.127 trong đó tỷ lệ tài khoản sử dụng thường xuyên đạt trên 85%.

Kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Việc phát triển kinh tế số và xã hội số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm.

Cùng chuyên mục
Ninh Bình: Chuyển đổi số tạo góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội