Tổng nợ công cao gấp hơn 2 lần quy mô nền kinh tế
Nợ công tăng 13,88 nghìn tỷ yen so với 3 tháng trước, trong bối cảnh Nhật Bản phải tăng cường chi tiêu để hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng của lạm phát phi mã. Như vậy, tổng nợ công cao gấp hơn 2 lần quy mô nền kinh tế của Nhật Bản (600 nghìn tỷ yen).
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã bước vào chu kỳ tăng lãi suất và có kế hoạch cắt giảm lãi suất bằng cách mua trái phiếu chính phủ, trong bối cảnh giảm dần các gói kích thích tiền tệ lớn được đưa ra trong khoảng một thập niên qua để đạt mục tiêu lạm phát 2%.
Chi phí vay dự kiến tăng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp và chi phí trả nợ sẽ tăng đối với chính phủ.
BOJ chiếm khoảng một nửa nợ tồn đọng của chính phủ trong tháng 6 trong khuôn khổ triển khai một loạt biện pháp nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ.
Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, trái phiếu chính phủ lên đến hơn 1,160 triệu tỷ yen, tăng 3,03 nghìn tỷ yen so với cuối tháng 3, chiếm phần lớn nợ công. Trong tổng nợ công, trái phiếu nghĩa vụ chung lên đến hơn 1,059 triệu tỷ yen, tăng 5,91 nghìn tỷ yen.
Nhật Bản đã tăng chi tiêu tài chính để vượt qua đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay một phần do giá năng lượng tăng cao. Dù đang có nỗ lực cắt giảm chi tiêu, Chính phủ Nhật Bản vẫn phải dựa vào phát hành trái phiếu để tài trợ cho khoảng 1/3 chi tiêu hằng năm của mình.
Lo ngại về rủi ro kinh tế gia tăng trong cộng đồng doanh nghiệp
Theo báo cáo khảo sát mới đây nhất do hãng tin Kyodo News thực hiện, khoảng 70% các công ty lớn của Nhật Bản dự đoán rằng nền kinh tế nước này sẽ đạt tăng trưởng trong năm tới, bất chấp những lo ngại về đồng nội tệ thấp và lạm phát vẫn ở mức cao ảnh hưởng đến tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên, so với kết quả khảo sát của một năm trước, con số dự báo đã giảm 10%. Điều này cho thấy những lo ngại về rủi ro kinh tế phần nào tăng lên trong cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản.
Trong số 111 công ty hàng đầu trong mỗi ngành kinh tế của Nhật Bản tham gia khảo sát, có những tên tuổi lớn như Toyota Motor Corp và nhà sản xuất mỹ phẩm Shiseido Co. 72% các doanh nghiệp được hỏi cho biết nền kinh tế Đông Á này dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định hoặc vừa phải, nhờ sự phục hồi chi tiêu tiêu dùng. 23% tin rằng kinh tế Nhật Bản sẽ giữ nguyên trạng thái hiện tại hoặc thậm chí tăng trưởng chậm hơn một chút. Tỷ lệ các dự báo đều bị thu hẹp vài điểm phần trăm so với kết quả khảo sát thực hiện vào mùa Hè năm ngoái, thể hiện rằng các doanh nghiệp Nhật Bản đang trở nên thận trọng hơn.
Cũng theo báo cáo khảo sát của Kyodo News, 84% số doanh nghiệp dự báo Nhật Bản có tăng trưởng kinh tế trong năm tới, chia sẻ họ dựa trên cơ sở chính là triển vọng phục hồi chi tiêu tiêu dùng, trong khi 79% tin rằng yếu tố phục hồi đầu tư sẽ đóng vai trò là động lực và 53% đánh giá tín hiệu tích cực từ chi tiêu của du khách nước ngoài sẽ là nguồn đóng góp chính.
Trong số những doanh nghiệp dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ giữ nguyên tăng trưởng, 64% dẫn chứng sự suy giảm chi tiêu tiêu dùng, tiếp theo là 48% “đổ lỗi” cho tác động bất lợi của đồng yen yếu và giá cả tăng cao.
Đối với câu hỏi về quốc gia hoặc khu vực mà các công ty dự định mở rộng đầu tư, 58% chọn Nhật Bản, tiếp theo là Bắc Mỹ ở mức 35% và Đông Nam Á ở mức 32%. Trong khi đó, chỉ có 6% số doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi cho biết họ muốn tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc.
Bên cạnh gia tăng sự lo ngại về sức khỏe nền kinh tế, theo khảo sát Reuters Tankan công bố ngày 14/8, các nhà chế tạo Nhật Bản cũng giảm niềm tin vào điều kiện kinh doanh trong tháng 8 và niềm tin lĩnh vực dịch vụ tiếp tục giảm, khi nhu cầu Trung Quốc yếu.
Chỉ số niềm tin của các nhà chế tạo giảm xuống mức +10 điểm trong tháng 8/2024, giảm một điểm so với tháng 7/2024. Các nhà chế tạo nhận định chỉ số này sẽ tiếp tục giảm xuống +5 điểm trong ba tháng tới.
Các nhà chế tạo trong nhiều lĩnh vực như hóa chất, thép và thiết bị điện tử đều cho biết nhu cầu của Trung Quốc yếu ảnh hưởng đến lòng tin kinh doanh của họ.
Theo khảo sát, lạm phát tăng và thị trường biến động cũng là những yếu tố gây quan ngại. Theo nhà quản lý tại một công ty sản xuất cao su, các yếu tố không chắc chắn như giá nguyên liệu thô và tỷ giá đang gia tăng.
Khảo sát của Reuters được tiến hành từ ngày 31/7 đến ngày 9/8, giai đoạn thị trường chứng khoán Nhật Bản lao dốc, với mức giảm theo ngày mạnh nhất kể từ đợt bán tháo vào năm 1987, sau khi số liệu việc làm của Mỹ yếu gây lo ngại về suy thoái và đồng yen tăng giá mạnh so với đồng USD, khi các nhà đầu tư rút khỏi các giao dịch chênh lệch lãi suất.
Chỉ số niềm tin lĩnh vực dịch vụ giảm tháng thứ hai liên tiếp, xuống +24 điểm trong tháng 8/2024, so với mức +26 điểm trong tháng 7/2024. Các nhà cung cấp dịch vụ nhận định chỉ số này sẽ tăng lên +26 điểm vào tháng 11/2024.