Nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu thủy sản

(BKTO) - Ngành thủy sản đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để vượt khó, hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2024...

xk-thuy-san-1.jpg
Xuất khẩu thủy sản đầu năm 2024 có tín hiệu khởi sắc. Ảnh ST

Dấu hiệu khởi sắc của thị trường xuất khẩu trong những tháng đầu năm đang giúp tạo động lực, niềm tin cho các doanh nghiệp kiên trì đổi mới để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng năm 2024…

Tín hiệu khởi sắc…

Năm 2023 đã trôi qua với kết quả xuất khẩu thủy sản đạt hơn 9 tỷ USD, thấp hơn 18% so với năm 2022.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), bước sang năm 2024, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tình hình xuất khẩu thủy sản đã có khởi sắc. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất thủy sản đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023 với hầu hết các sản phẩm đều ghi nhận tăng trưởng.

Trong đó, các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra (hiện chiếm 56% cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, lần lượt đạt 459,5 triệu USD và 274,8 triệu USD) đều tăng với mức 37% và 15% so với cùng kỳ năm ngoái; cá ngừ tăng 37%...

Mức tăng trưởng cao của hai tháng đầu năm đã mang lại sự tin tưởng, giúp doanh nghiệp có thêm động lực để hướng đến phục hồi xuất khẩu trong năm nay - một doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản cho biết.

Với bản lĩnh vượt khó, kinh nghiệm thương trường và sự linh hoạt, nhạy bén, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ biến “nguy thành cơ”, khai thác và phát triển được các sản phẩm và thị trường phù hợp bối cảnh mới hậu Covid-19.

Chủ tịch Vasep Nguyễn Thị Thu Sắc

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), điểm đáng mừng là xuất khẩu thủy sản sang các thị trường trọng điểm đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế hai tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ đạt 188,5 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Với kết quả này, Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam (sau Nhật Bản với 196 triệu USD). Sự tăng trưởng của thị trường này cũng sẽ tạo tâm lý và ảnh hưởng tích cực đến những thị trường xung quanh như châu Âu, Canada, Mexico, Brazil…

xuat-khau-thuy-san_1704166004.jpg
Xuất khẩu thủy sản cần nỗ lực để khắc phục khó khăn, đặc biệt là vấn đề thị trường tiêu thụ, vận tải. Ảnh ST

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc cũng đang hồi phục tốt trong khi nước xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam là Ecuador đang bị cảnh báo bởi tôm có chất sulfit và vấn đề cước vận tải tăng do căng thẳng Biển Đỏ. 

Tìm giải pháp trong khó khăn…

Bên cạnh những tín hiệu lạc quan, các ý kiến cho rằng, xuất khẩu thủy sản còn phải đối diện với nhiều thách thức như tình trạng dư cung, tồn kho nhiều, giá mua thấp, áp lực cạnh tranh lớn… Đặc biệt, những khó khăn của thị trường do tác động từ tình hình quốc tế như căng thẳng Biển Đỏ làm cước vận tải tăng; thẻ vàng IUU và thuế chống trợ cấp sẽ là thách thức lớn trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của ngành năm nay.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Vasep Nguyễn Thị Thu Sắc đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, đầu tư và giữ vững thương hiệu chất lượng an toàn của thủy sản Việt Nam. Bởi, một khi doanh nghiệp mất uy tín, thị trường sẽ quay lưng và rất khó để hợp tác trở lại. Do đó, để đảm bảo thuận lợi trong việc xuất khẩu thủy sản chính ngạch sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc..., việc cấp thiết là phải tạo liên kết sản xuất, thu mua, xuất khẩu thủy sản gắn với truy xuất nguồn gốc.

dsc_0032.jpg
Các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường quản lý đội tàu để tránh tình trạng đánh bắt hải sản trái phép, vi phạm lệnh cấm. Ảnh: N.Lộc

Để thực hiện được vấn đề này, Chính phủ và Bộ, ngành cần tăng cường quản lý đội tàu đánh bắt; xem xét điều chỉnh giảm số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng sát thực với số tàu cá hiện có của địa phương, phù hợp với quy định tại Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017, tiến tới thúc đẩy việc gỡ bỏ thẻ vàng IUU do Ủy ban châu Âu áp đặt đối với thủy sản của Việt Nam do khai thác bất hợp pháp…

Đồng thời, cần tập trung hỗ trợ các bên có liên quan tiếp cận những chính sách hỗ trợ; hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ trong nuôi trồng thủy sản; triển khai tốt quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Theo Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn, giảm giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư cho công nghệ chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người dân, trong đó, tập trung vào các thị trường trọng điểm như: Mỹ, Trung Quốc…

“Trong khó khăn, các doanh nghiệp càng cần chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị, quan tâm đến nguồn gốc, tính minh bạch, xuất xứ sản phẩm” - ông Dũng cho biết.

         Năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu thận trọng, với tổng sản lượng đạt 9,22 triệu tấn, tương đương thực hiện năm 2023; kim ngạch đạt 9,5 tỷ USD, tăng nhẹ 3% so với 2023.

Về định hướng phát triển thị trường, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân lưu ý, các doanh nghiệp cần khai thác tốt kênh thương mại điện tử trong xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là sang Trung Quốc - thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam. Bởi đây hiện là kênh phân phối đang phát triển mạnh và được người tiêu dùng Trung Quốc tin tưởng.

“Không chỉ tại Trung Quốc, thương mại điện tử có thể là kênh tạo ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung khai thác, tận dụng tối đa công nghệ số, cũng như tính ưu việt của các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm” - ông Luân cho biết.

Các ý kiến cũng cho rằng, tình hình liên tục biến động đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực không ngừng để thích ứng. Trong đó, liên quan đến vấn đề vận chuyển để tránh những rủi ro như tại Biển Đỏ, doanh nghiệp cần đa dạng phương thức vận chuyển trong ngắn hạn.

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin và phối hợp làm việc trong chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, ngoài việc đa dạng phương thức vận chuyển, doanh nghiệp xuất khẩu nên đa dạng nhà cung cấp nguyên, phụ liệu để tránh bị gián đoạn quá trình sản xuất, ảnh hưởng tiến độ giao hàng…

Cùng chuyên mục
Nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu thủy sản