Cần sửa đổi bất cập trong quy định về đơn giá, định mức xây dựng

(BKTO) - Bất cập trong đơn giá, định mức xây dựng khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh “càng làm càng lỗ”. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần rốt ráo vào cuộc để sửa đổi quy định bất hợp lý...

a-thhv-5253.jpg
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề định mức, đơn giá. Ảnh: ST

Những bất cập của định mức hiện hành

Hiện nay, định mức xây dựng được quy định tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, nhiều định mức không phản ánh đúng hao phí thực tế trên công trường (chưa tính đến hao hụt trong khâu vận chuyển), chưa bao quát các trường hợp áp dụng, mặt khác có xu hướng cắt giảm so với định mức cũ (bao gồm các định mức như: thi công móng cấp phối đá dăm; thi công dầm cầu đúc hẫng; lao, lắp dầm; lắp đặt ván khuôn leo cho trụ cao; đắp đá; đắp đất cải tiến; cọc khoan nhồi; cọc xi măng đất; vận chuyển…).

Bên cạnh đó, bộ định mức hiện hành còn thiếu nhiều định mức mới dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng khi lập dự toán và nghiệm thu, thanh quyết toán (ví dụ điển hình ở dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông… hạng mục đắp đá, đắp đất lẫn đá chưa có định mức). Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền thanh toán cho các nhà thầu và mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ.

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông 2 Lê Thắng: “Sự chênh lệch giữa định mức với chi phí xây dựng thực tế thời gian qua ảnh hưởng lớn tới tiến độ dự án, nhà thầu phải chấp nhận lỗ để thi công dự án đúng tiến độ đã cam kết”.

Những bất cập của Thông tư 12/2021/TT-BXD liên quan đến vấn đề định mức, đơn giá được Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải - GTVT) chỉ ra; theo đó, các cơ quan của Bộ GTVT đang tổng hợp lại các đơn giá, định mức còn thiếu để bổ sung, cập nhật thêm vào Thông tư 12/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng sao cho phù hợp nhất với thực tiễn. Trong tháng 02/2024, Cục đã có văn bản gửi các Nhà thầu, các đơn vị tư vấn về việc tham gia ý kiến đối với các định mức dự toán xây dựng công trình, trong đó có dự thảo các định mức sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2021/TT-BXD.

Mịt mù đơn giá…

Cùng với những bất cập về định mức, quy định về đơn giá theo Thông tư 12/2021/TT-BXD so với thực tiễn cũng làm khó doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là các doanh nghiệp đang tham gia vào các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn nhận định, có sự chênh lệch rất lớn giữa đơn giá trong hợp đồng so với giá thực tế. Dẫn ví dụ, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trong đợt “bão giá” vật liệu cao tốc vừa qua, giá cát đắp theo hợp đồng khoảng 153 nghìn đồng/m3, nhưng thực tế mua bên ngoài khoảng 254 nghìn đồng/m3, vênh hơn 100 nghìn đồng/m3. Một công trình thi công thông thường, riêng hạng mục cát đắp đã cần sử dụng tới 300 nghìn m3, như vậy tính sơ sơ, nhà thầu phải bù lỗ hàng chục tỷ đồng.

32ce34d58531c7dfc596b06630050312.jpg
Nhiều định mức mới chưa được ban hành kịp thời, trong khi định mức cũ không phù hợp với thực tiễn. Ảnh: ST

Bên cạnh đó, vấn đề lớn nhất là xác định giá vật liệu tại mỏ theo cơ chế đặc thù. Hiện nay, nhiều đầu mục chi phí nhà thầu trực tiếp thực hiện để khai thác mỏ vật liệu chưa được hướng dẫn cụ thể để làm cơ sở giám sát, nghiệm thu như: chi phí giám sát, thẩm định, phê duyệt phương án xây dựng, khai thác mỏ; đền bù cây trồng, hoa màu, tài sản trên đất; đào bóc tầng phủ; đường tiếp cận mỏ; rà phá bom mìn…

Theo các doanh nghiệp tham gia dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, có nhiều thời điểm giá vật liệu xây dựng trên thị trường quốc tế tăng vọt. Cụ thể, giá của các mặt hàng như sắt, thép, xăng, dầu, nhựa đường tăng gần gấp đôi, song đơn giá theo quy định lại chậm thay đổi.

Trong khi đó, đơn giá nhân công do các địa phương ban hành cũng bất cập. “Theo đơn giá của địa phương, giá nhân công các bậc chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng/ngày. Trong khi thực tế thị trường lao động phổ thông, chưa qua đào tạo cũng đã 400.000-500.000 đồng/ngày. Ngày nghỉ, ngày lễ phải nhân đôi, nhân ba nhưng không có trong định mức, dự toán. “Dù biết cao hơn định mức, doanh nghiệp vẫn phải chi trả để thuê được nhân công, đáp ứng tiến độ dự án theo hợp đồng đã ký kết” - đại diện một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực xây dựng cho biết.

Do đó, các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông và nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Xây dựng và Bộ GTVT với vai trò là cơ quan chủ trì cho các nhóm công việc nói trên, cần phải tổ chức đánh giá thực trạng liên quan đến sự chênh lệch giá giữa địa phương và dự toán, để có thể đưa ra các biện pháp điều chỉnh kịp thời trước khi tiến hành các bước tiếp theo..

Liên quan đến bất cập trong việc áp dụng chỉ số bù giá vật liệu, đối với dự án thực hiện tại địa phương mà không sẵn có loại vật liệu cần thiết (hoặc có nhưng không đạt tiêu chuẩn yêu cầu), nhà thầu thi công buộc phải mua vật liệu ở địa phương khác với giá cao hơn, chi phí vận chuyển cũng tăng lên. Tuy nhiên, khi áp dụng chỉ số bù giá vật liệu, nhà thầu lại chỉ được áp dụng theo chỉ số bù giá tại địa phương nơi có dự án đang được triển khai mà không được áp dụng theo chỉ số bù giá từ địa phương cung cấp vật liệu, dẫn đến sự chênh lệch lớn về chi phí cho nhà thầu…

Khẩn trương sửa đổi...

Liên quan đến những bất cập về đơn giá, định mức, trong báo cáo tình hình triển khai các công trình giao thông trọng điểm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ Xây dựng và Bộ GTVT đã phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc với tinh thần quyết tâm, rất quyết liệt trong việc chỉ đạo để tháo gỡ bất cập trong vấn đề tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực hơn nữa để vào cuộc, có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

doi-khoan-thi-cong-do-be-tong-nhan-cong-xay-dung.jpg
Quy định về đơn giá nhân công hiện tồn tại nhiều bất hợp lý cần sửa đổi sớm. Ảng: ST

Trong đó, cần xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng Bộ, ngành, địa phương; cũng như cơ chế phối hợp để đạt được mục tiêu chung là tháo gỡ sớm nhất những rào cản về quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp; lắng nghe và tiếp thu các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, chuyên gia về những bất cập trong thực tế để hoàn thiện quy định. Bởi như phản ánh của nhiều nhà thầu, nhiều kiến nghị của các nhà thầu lớn đóng góp tại các cuộc họp do Bộ Xây dựng, Bộ GTVT tổ chức nhưng đến nay vẫn chưa được tiếp thu./.

Dự kiến trong Quý I/2024, Bộ Xây dựng sẽ ban hành bổ sung 318 định mức theo thẩm quyền; cùng với đó, tiếp tục rà soát, ban hành bổ sung các định mức còn thiếu hoặc không phù hợp. Bộ GTVT sẽ ban hành mới và điều chỉnh bổ sung 547 định mức dự toán công trình.

Cùng chuyên mục
Cần sửa đổi bất cập trong quy định về đơn giá, định mức xây dựng