Nỗ lực đưa quan hệ phối hợp công tác với Kiểm toán nhà nước đi vào thực chất, hiệu quả

Là địa phương có quan hệ phối hợp công tác chặt chẽ với Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực VII - đơn vị đóng trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh yên bái đã có nhiều nỗ lực để đưa mối quan hệ phối hợp công tác giữa địa phương và ktnn đi vào chiều sâu, thực chất. Những kết quả này đã được bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh - chia sẻ với Báo Kiểm toán.

37ad4643bd7961273868.jpg
Đoàn công tác của KTNN do Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn làm Trưởng đoàn làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái. Ảnh tư liệu

Theo Quy chế phối hợp giữa KTNN và tỉnh Yên Bái, phối hợp trong công tác kiểm toán là nội dung trọng tâm. Bà có thể chia sẻ thêm những kết quả đạt được trong công tác này vừa qua?

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp trong hoạt động kiểm toán đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh. Theo đó, sau khi Quy chế phối hợp được ký kết, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nội dung theo Quy chế phối hợp; qua đó đã nâng cao chất lượng mối quan hệ công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND tỉnh. Nội dung phối hợp từng bước đi vào thực chất và hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý và điều hành ngân sách tại địa phương.

Nổi bật là trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo HĐND, UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với KTNN trong việc khảo sát, thu thập thông tin nhằm phục vụ công tác lập kế hoạch kiểm toán theo định hướng của KTNN; phối hợp đề xuất các đầu mối dự án, nội dung kiểm toán; Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh và các đơn vị có liên quan kịp thời cung cấp thông tin, số liệu liên quan... Vì vậy, đã hạn chế tối đa sự trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động của kiểm toán với hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của địa phương, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị được kiểm toán. Trong triển khai thực hiện kiểm toán, HĐND, UBND tỉnh đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể trong việc tổng hợp, chuẩn bị tài liệu cung cấp thông tin, hồ sơ cho đoàn kiểm toán, cũng như tăng cường đôn đốc, theo dõi đảm bảo cho hoạt động của KTNN được thực hiện theo đúng kế hoạch. HĐND tỉnh tham dự đầy đủ các hội nghị thông qua báo cáo kiểm toán của KTNN để tham gia đóng góp ý kiến và thực hiện chức năng giám sát việc quản lý điều hành ngân sách tại địa phương.

Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán được coi là thước đo đánh giá hiệu quả phối hợp giữa địa phương với KTNN. Vấn đề này đã được địa phương triển khai thực hiện ra sao, thưa bà?

Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của KTNN trên địa bàn tỉnh Yên Bái; chỉ đạo UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc các kết luận kiến nghị của KTNN, qua đó, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN từ đầu nhiệm kỳ đến nay đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, thực hiện Kết luận số 237/KTNN-TH ngày 01/10/2021 của KTNN về báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2020 tỉnh Yên Bái, đến nay địa phương đã kiến nghị xử lý tài chính đạt 97,5%. Số chưa thực hiện là khoảng 2,5% (khoảng 7,54 tỷ đồng). Lý do chưa thực hiện do vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư đang tiếp tục phối hợp tuyên truyền vận động các hộ gia đình bàn giao mặt bằng để nhà thầu tiếp tục thi công hoàn trả vốn đã tạm ứng. Kho bạc Nhà nước tỉnh đã thực hiện đôn đốc chủ đầu tư bằng nhiều văn bản.

Theo Kết luận số 662/KTNN-TH ngày 21/11/2022 của KTNN về báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương năm 2021 và chuyên đề việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và giao thông tỉnh Yên Bái, đến nay số kiến nghị xử lý tài chính địa phương đã thực hiện đạt 50,9%. Số chưa thực hiện là hơn 39,6 tỷ đồng, tương đương khoảng 49% (trong đó phần lớn là số giảm dự toán, thanh toán vào năm 2023). Cùng với việc thực hiện các kiến nghị về xử lý tài chính, địa phương đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan và đề ra các phương hướng giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác phối hợp với KTNN trong thời gian tới, về phía địa phương, tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp trọng tâm gì, thưa bà?

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác phối hợp với KTNN, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với KTNN trong mọi hoạt động công tác, trọng tâm là công tác kiểm toán theo nội dung Quy chế phối hợp được ký kết giữa các bên.

Cụ thể, đối với việc lập kế hoạch kiểm toán, địa phương sẽ chủ động đưa ra các nội dung về đối tượng, phạm vi kiểm toán để phục vụ cho việc giám sát, thẩm tra, quyết định phê duyệt dự toán và quyết toán ngân sách hằng năm. Chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán phối hợp chặt chẽ, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu cho hoạt động kiểm toán; kịp thời chấn chỉnh những hạn chế trong quản lý tài chính ngân sách theo kết luận và kiến nghị của KTNN; tăng cường sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của KTNN, phấn đấu các kiến nghị, kết luận được thực hiện đạt kết quả tối đa. Kịp thời báo cáo và đề xuất để có phương án xử lý phù hợp đối với những trường hợp còn khó khăn, vướng mắc…

Với vai trò là cơ quan chủ trì, tham mưu và đôn đốc các đơn vị trong tỉnh thực hiện theo kiến nghị kiểm toán, Sở Tài chính sẽ tăng cường phối hợp với KTNN khu vực VII để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả thực hiện trình lãnh đạo tỉnh để gửi KTNN theo quy định.

Để nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp, Thường trực HĐND, UBND tỉnh cũng đề nghị KTNN triển khai hiệu quả Cổng trao đổi thông tin giữa KTNN và đơn vị được kiểm toán. Cùng với đó, nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình phối hợp công tác giúp trao đổi, xử lý thông tin kiểm toán giữa KTNN với địa phương đạt hiệu quả cao hơn. Nghiên cứu đề xuất cơ chế xử lý đối với các kết luận, kiến nghị của KTNN tồn đọng kéo dài, khó có khả năng thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho địa phương.

Xin trân trọng cảm ơn bà!./.

Cùng chuyên mục
Nỗ lực đưa quan hệ phối hợp công tác với Kiểm toán nhà nước đi vào thực chất, hiệu quả