Nỗ lực đưa tăng trưởng vượt mục tiêu

(BKTO) - Xác định năm 2021 là năm bản lề đặc biệt quan trọng, Chính phủ đang thể hiện rõ quyết tâm đạt và vượt các chỉ tiêu KT-XH đề ra.




Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

Quyết tâm cao, bắt tay hành động sớm

Như đã thành thông lệ, ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết 02/NQ-CP về tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Quyết tâm thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển KT-XH thể hiện rõ trong các nghị quyết này. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại Nghị quyết 01 Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng GDP năm 2021 là khoảng 6,5% (cao hơn mức khoảng 6% mà Quốc hội giao tại Nghị quyết số 124/2020/QH14). Chính phủ cũng đề ra 96 chỉ tiêu cụ thể làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phấn đấu thực hiện cũng như là căn cứ để kiểm tra, đánh giá, đo lường kết quả thực hiện Nghị quyết 01 của các bộ, ngành, địa phương.

Chính phủ cũng xác định 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành, với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 188 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân (ngay cả tới đây khi đã có vắcxin vẫn phải thực hiện tốt việc phòng chống dịch, nhất là công tác quản lý nhập cảnh, truy vết, cách ly); vừa phục hồi và phát triển KT-XH.

Nghị quyết 01 đặc biệt nhấn mạnh tới yêu cầu phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ DN, và thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong khi đó tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định KTVM, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tính quyết liệt còn được thể hiện ở chỉ đạo: thực hiện ngay từ đầu năm các giải pháp đẩy mạnh giải ngân gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là về giao thông, năng lượng, đô thị lớn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đầu tư giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Theo các chuyên gia, những động thái quyết liệt như trên cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong năm nay. “Tôi cho rằng việc ban hành sớm và nội dung các nghị quyết này là rất hợp lý và cần thiết, cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định. Chuyên gia này đặc biệt ấn tượng với việc thúc đẩy quyết liệt triển khai các dự án cơ sở hạ tầng, giải ngân nhanh đầu tư công ngay từ đầu năm. “Trước đây, đầu tư công là một trong những lĩnh vực thường được triển khai dần trong năm và thường xuyên chậm, còn năm nay chúng ta thấy đã được triển khai ngay từ đầu năm. Tôi cho rằng, tất cả nhiệm vụ khác cũng cần được triển khai sớm, và quan trọng nhất là vấn đề thực tiễn triển khai”, TS. Hiếu nói.

Cải cách mạnh mẽ hơn nữa thể chế và môi trường kinh doanh

Các Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục tập trung vào hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, xác định thể chế là nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước. Do đó, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật nhất là trong các lĩnh vực ngân sách nhà nước, thuế, đất đai, tài nguyên, môi trường, đầu tư, xây dựng, thương mại, quản lý thị trường... nhằm giải phóng các nguồn lực cho phát triển và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật mới ban hành, bảo đảm chất lượng và giảm thiểu số lượng văn bản ban hành.

Bên cạnh đó, các nghị quyết cũng yêu cầu quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), bảo đảm hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, DN, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

“Yêu cầu đặt ra là cải cách về thể chế, thủ tục, rà soát cắt bỏ những rào cản gây khó khăn, mất thời gian, chi phí cho người dân, DN. Cắt bỏ cương quyết, công khai, minh bạch và có công cụ đánh giá, báo chí người dân, DN giám sát. Ví dụ như việc cấp C/O của Bộ Công thương, thay vì phải đi đến 63 tỉnh, thành phố, bây giờ chỉ cần có mã C/O là thực hiện được ở cả 63 tỉnh, thành phố rất nhanh chóng và giao quyền tự chủ cho DN để DN tự công bố và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Liên quan đến bộ công cụ chỉ số để đánh giá việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cải cách TTHC của các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, hệ thống này dựa trên nền tảng công cụ đánh giá của các tổ chức quốc tế như OECD, WB hỗ trợ xây dựng. Công cụ chỉ số cải cách này rất minh bạch vì là tự động, con người không thể tác động vào. Đơn cử, việc chúng ta đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh (giảm 63%), hay cắt giảm 6.776/9.926 (giảm 68%) các TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành chính là nhờ các công cụ đánh giá đó.

Do đó các bộ, ngành làm hay không làm gì sẽ được thể hiện ra hết. Ví dụ, nếu một bộ nói đã đưa 100% dịch vụ công lên trực tuyến, nhưng điều đó sẽ không có nghĩa lý gì khi người dân vẫn gặp cản trở, thậm chí còn khó khăn hơn khi đến làm trực tiếp và vì thế người dân sẽ không sử dụng. “Bởi vậy trước khi đưa các dịch vụ công lên, Văn phòng Chính phủ cùng với các bộ, cơ quan phải rà soát, cấu trúc lại toàn bộ quy trình, làm sao cắt giảm, đơn giản hóa nhất, không còn những thủ tục, giấy phép con trong các thủ tục đó nữa”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết. Điều ấy cũng có nghĩa là, nếu chúng ta cứ nói môi trường kinh doanh đang tốt lên, như kiểu khẳng định “đã và đang tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh nâng cao cải cách hành chính” nhưng không có số liệu đi kèm chứng minh cụ thể qua đo lường của chỉ số thì các tổ chức quốc tế sẽ không có căn cứ để đánh giá.

Theo Thoibaonganhang
Cùng chuyên mục
Nỗ lực đưa tăng trưởng vượt mục tiêu