Nỗ lực đưa thương hiệu vải thiều Thanh Hà ''xuất ngoại''

(BKTO)- Mặc dù chịu ảnh hưởng của Covid-19, song hoạt động sản xuất, tiêu thụ vải thiều của tỉnh Hải Dương nói chung và huyện Thanh Hà nói riêng vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ.



Tại Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiểu Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021, các đại biểu khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ các kết nối thị trường, đưa thương hiệu vải thiều Thanh Hà vươn xa.
                
   

Lễ mở vườn thu hoạch, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà năm 2021 - Nguồn: VOV

   

Xây dựng nhiều phương án đẩy mạnh tiêu thụ quả vải

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái cho biết, Hải Dương hiện có hơn 9.000 ha vải thiều, trong đó huyện Thanh Hà có hơn 3.300 ha. Huyện Thanh Hà đang phối hợp tích cực với các sở, ngành và DN để hỗ trợ người dân sử dụng hiệu quả tem truy xuất nguồn gốc, cung cấp đầy đủ thông tin cho quả vải trước khi bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Hiện nay, sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Nhật Bản, Mỹ, Australia, Trung Quốc...

Cũng theo ông Thái, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 trên thế giới và tại Việt Nam, hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, Hải Dương đã xây dựng các phương án, kịch bản hợp lý để vừa triển khai sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh; thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ vải thiều tại huyện Thanh Hà và nông sản tiêu biểu của tỉnh trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử, trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu thế thời đại 4.0

Bên cạnh đó, thời gian qua, Hải Dương cũng đã khởi động Chương trình đưa vải thiều và nông sản khác lên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như: Alibaba, Lazada, Tiki và Sendo... nhằm quảng bá kết nối giao thương, kết nối trực tuyến tới các đầu mối, các nhà nhập khẩu, góp phần tiêu thụ nông sản của tỉnh…. Nhờ vậy, chỉ tính riêng quả vải, năm 2020, tỉnh Hải Dương xuất khẩu khoảng gần 25.000 tấn, chiếm khoảng 50% sản lượng vải của tỉnh.

Đưa Thanh Hà trở thành vùng trọng điểm về trái vải

Dự kiến năm 2021, sản lượng quả vải toàn tỉnh Hải Dương đạt 55.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với niên vụ năm 2020). Riêng huyện Thanh Hà có 3.328 ha diện tích trồng vải thiều, trong đó có khoảng 1.600 ha vải sớm, còn lại là vải chính vụ. Thanh Hà đang duy trì 17 vùng, diện tích 155,2 ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đến các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Singapore....

Đánh giá về tiềm năng nông sản Hải Dương, đặc biệt là đặc sản vải thiều Thanh Hà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, dịch Covid-19 khiến chúng ta phải đối diện với một thực tế biến động, phức tạp, bất định và mơ hồ, tuy nhiên, địa phương, các ngành chức năng, DN và người dân vẫn nỗ lực để không làm đứt quãng chuỗi cung cầu, đưa thương hiệu vải thiều Thanh Hà ra thế giới.

“Bộ NN&PTNT cũng sẽ có chương trình hành động, cùng với tỉnh Hải Dương đưa Thanh Hà trở thành vùng trọng điểm về trái vải, thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
                
   

Sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế - Nguồn: VOV

   

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ Hải Dương xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà ở nhiều thị trường tiềm năng, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử. Dự kiến, trong tuần này sẽ có khoảng 100 tấn vải được xuất khẩu sang thị trường Nam Australia và Tây Australia.

Các đối tác đều khẳng định, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất/nhập cảnh, giao thương hàng hóa, các bên đã chủ động hợp tác, tháo gỡ khó khăn nhằm tạo điều kiện cho việc xuất nhập khẩu nông sản thuận lợi. Phó Giám đốc Sở Thương mại Vân Nam (Trung Quốc) - bà Lý Dự khẳng định, Trung Quốc luôn coi trọng phát triển hợp tác thương mại với Việt Nam. Thời gian tới, các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Việt Nam sẽ hợp tác để xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất, chế biến nông sản, tạo môi trường hợp tác thương mại thuận lợi hơn, đặc biệt là mặt hàng vải thiều của Hải Dương.

Về phía DN trong nước, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam Nguyễn Khắc Tiến khẳng định, nông sản Hải Dương có nhiều tiềm năng xuất khẩu. Trong quá trình tìm kiếm vùng nguyên liệu bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, DN nhận thấy Hải Dương là địa phương có nhiều nông sản thế mạnh và lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu.

“Đặc biệt, vải thiều Thanh Hà với những đặc trưng nổi trội về chất lượng, mẫu mã, được canh tác theo tiêu chuẩn quốc tế là sản phẩm mũi nhọn, tạo ra giá trị cao so các quốc gia trồng vải khác. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực để đồng hành cùng nông dân Hải Dương đưa nhiều nông sản của tỉnh đến với khách hàng quốc tế” - ông Tiến cam kết.
         
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song hoạt động sản xuất và tiêu thụ quả vải thiều của cả nước vẫn đạt kết quả đáng khích lệ với sản lượng trên 200.000 tấn, trong đó tổng lượng quả vải xuất khẩu đạt khoảng 98.000 tấn (chiếm xấp xỉ 50%). Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc và một số nước ASEAN, quả vải còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường được coi là “khó tính” khác như: Hoa Kỳ, Australia, Hà Lan, Anh, Pháp, Canada...

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Nỗ lực đưa thương hiệu vải thiều Thanh Hà ''xuất ngoại''