NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng và tích cực xử lý nợ xấu - Ảnh: Nguồn Internet |
Trong Công văn số 3029/NHNN-TTGSNH gửi các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới đây, NHNN đã chỉ ra một số dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro nợ xấu qua công tác theo dõi, giám sát tình hình hoạt động ngân hàng năm 2020:
Nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng so với cuối năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn so với năm trước.
Nợ xấu cấp tín dụng đối với khách hàng lớn (DN có tổng mức cấp tín dụng từ 500 tỷ đồng trở lên) tăng so với cuối năm 2019.
Một số TCTD chưa quyết liệt trong công tác thu hồi tối đa nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đưa ra theo dõi ngoại bảng.
Kết quả nghiên cứu mới đây của Bộ phận phân tích Ngân hàng HSBC cũng đã chỉ ra, mặc dù nợ xấu được thể hiện trong bảng cân đối kế toán chỉ tăng nhẹ vào năm 2020 nhưng nên lưu ý đến rủi ro nợ xấu có hệ thống đang gia tăng. Nếu tính cả các “khoản cho vay bị suy giảm giá trị”, nợ xấu ước tính sẽ tăng từ dưới 5% vào năm 2019 lên 7% năm 2020.
HSBC cũng giải thích các khoản cho vay bị giảm giá trị là định nghĩa rộng hơn về nợ xấu, bao gồm thêm các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và các khoản vay được cơ cấu lại theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ.
Báo cáo tài chính quý I của một số ngân hàng mới đây cũng cho thấy nợ xấu có xu hướng gia tăng. Đơn cử, số dư nợ xấu của Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Á Châu (ACB) tăng tới 60,5% lên 2.954 tỷ đồng. Lần đầu tiên sau nhiều quý, tỷ lệ nợ xấu của ACB lên gần 1% từ mức 0,59% cuối 2020.
Còn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tổng giá trị nợ xấu nội bảng tăng hơn 47%, lên 7.647 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng gần gấp đôi lên gần 1.312 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng gấp hơn 8 lần lên 1.935 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn tăng nhẹ 2,6% lên 4.450 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 0,62% lên 0,88%...
Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - nhận định: “Nợ xấu không thể tránh khỏi, có những khủng hoảng do nợ xấu, có những khủng hoảng dẫn đến nợ xấu. Hiện nay, nợ xấu chưa được thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, trong tương lai, nợ xấu là một rủi ro mà NHNN sẽ cần phải lưu ý và có giải pháp”.
Để đảm bảo an toàn hoạt động và hạn chế rủi ro nợ xấu, trong Công văn 3029, NHNN đã yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài:
Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng và tích cực xử lý nợ xấu; thực hiện phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro về việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD.
Thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, hạn chế tối đa tổn thất cho TCTD, bảo đảm lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các cổ đông.
Tích cực triển khai các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định về cấp tín dụng, xử lý nợ xấu, xử lý nợ đã sử dụng dự phòng rủi ro./.
THÀNH ĐỨC