Các ngân hàng cho rằng việc sớm luật hóa Nghị quyết 42, hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là cần thiết. Ảnh:Internet |
Covid làm gia tăng nợ xấu, chậm tiến độ xử lý, thu hồi nợ
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến cuối tháng 8/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được khoảng 1,3 triệu tỷ đồng nợ xấu.
Trong đó, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) là 424,1 nghìn tỷ, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 364,1 nghìn tỷ đồng kể từ ngày 15/8/2017 - 31/8/2021. Đó là kết quả của việc ngành ngân hàng đã nỗ lực triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng nhận định, vẫn còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD. Nợ cơ cấu có nguy cơ biến thành nợ xấu. Đặc biệt, trong bối cảnh vừa chống dịch vừa sản xuất vừa đảm bảo an toàn, DN cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Điều này sẽ kéo theo khó khăn của các ngân hàng. Nợ xấu sẽ tăng lên trong thời gian tới. Đây là áp lực rất lớn đối với ngành ngân hàng.
Ông Lê Trung Kiên - Phó Cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các TCTD (Cục IV) thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) - cũng cho hay, thời gian qua, ngành ngân hàng triển khai nhiều giải pháp miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, thế nhưng, số DN rời bỏ thị trường vẫn tăng. Trong 9 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng có 10 nghìn DN rút khỏi thị trường, ảnh hưởng lớn tới chất lượng tín dụng cũng như công tác xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng.
Theo đó, nếu như tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,99% cuối năm 2017 xuống 1,91% năm 2018, 1,63% năm 2019 thì đến năm 2020, con số này tăng trở lại lên 1,69% và cuối tháng 9/2021 là 1,9%, trở lại mức tương đương của năm 2017 - thời điểm trước khi có Nghị quyết 42.
Không chỉ làm gia tăng nợ xấu, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 còn làm chậm tiến độ xử lý và giảm hiệu quả thu hồi nợ.
Cụ thể hơn, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, dịch Covid-19 khiến các dịch vụ liên quan đến hoạt động xử lý nợ bị tạm dừng; các dịch vụ công hỗ trợ cho công tác xử lý nợ, công tác khởi kiện, thi hành án cũng tạm dừng.
Sớm hoàn thiện khung pháp lý về xử lý nợ xấu
Nợ xấu tăng trở lại trong khi hành lang pháp lý về vấn đề này vẫn đang thiếu hụt. Đáng lưu ý, Nghị quyết 42 chỉ còn gần 1 năm nữa là hết hiệu lực, gây rất nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Khi đó, việc chây ỳ trả nợ nhiều khả năng sẽ lại tái diễn, các ngân hàng sẽ tiếp tục gặp khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ do thiếu vắng các công cụ pháp lý.
Để đẩy mạnh công tác xử lý nợ trong thời gian tới, đại diện cho các ngân hàng, Vietcombank kiến nghị các cơ quan nhà nước cần duy trì các chính sách để hỗ trợ khách hàng trong tình hình nền kinh tế vẫn còn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Đồng thời, NHNN cần sớm hoàn thiện các quy định, quy chế để tạo hành lang pháp lý cho các TCTD khi thực hiện mua, bán nợ cũng như tham gia sàn giao dịch mua, bán nợ. Trong đó, NHNN cần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến cách thức xác định giá bán nợ. Bởi lẽ, mặc dù khoản nợ là loại hàng hóa được giao dịch trên thị trường nhưng pháp luật về thẩm định giá lại chưa có quy định cụ thể về cách thức xác định giá trị khoản nợ.
Trong dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết. Do vậy, NHNN đã đề xuất phương án hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu: kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 hoặc đề xuất Quốc hội xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các TCTD theo hướng tiếp tục kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42 còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị quyết 42 mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc.
Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng do ảnh hưởng của Covi-19, không ít khoản nợ kéo dài nhiều năm vẫn chưa được xử lý, đại diện các ngân hàng mong mỏi việc luật hóa Nghị quyết 42, hoàn thiện hành lang pháp lý về vấn đề này. Khi đó, các quy định xử lý nợ xấu có giá trị pháp lý cao hơn, khách hàng sẽ nâng cao ý thức trả nợ thay vì chây ỳ; các nhà đầu tư trong và ngoài nước an tâm mua, bán các khoản nợ xấu/tài sản bảo đảm.
Đồng thời, hành lang pháp lý thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho TCTD và các cơ quan ban ngành có liên quan tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, xử lý nợ xấu hiệu quả, thực chất, bền vững hơn./.
THÀNH ĐỨC