Nội địa hóa ngành đường sắt: Cần "bệ đỡ" từ chính sách

(BKTO) - TS. Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam nhận định, tiềm năng phát triển ngành đường sắt là rất lớn. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước nắm bắt được cơ hội này, Nhà nước phải tiếp tục làm "bệ đỡ" thông qua hệ thống luật và văn bản dưới luật.

Có khả năng làm chủ nhiều hạng mục trong ngành đường sắt

Tại hội thảo “Ngành công nghiệp cơ khí với việc phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam” do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) tổ chức ngày 19/12, TS. Nguyễn Chỉ Sáng - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng: “Trong thời gian tới, Việt Nam nhất thiết phải vươn lên làm chủ công tác xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt. Việc làm chủ ở đây không nên cứng nhắc là phải làm chủ 100% mà có tỷ lệ nội địa hóa và nhận chuyển giao công nghệ thích hợp... Điều này không chỉ đem lại sự tự chủ trong xây dựng các dự án mà còn làm giảm đáng kể giá thành trong giai đoạn thi công xây dựng, duy tu bảo dưỡng và phát triển công nghiệp đường sắt nước nhà”.

ts-sang.jpg
TS. Nguyễn Chỉ Sáng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam bày tỏ lạc quan: Việt Nam có khả năng làm chủ các hạng mục trong phát triển hệ thống đường sắt. Ảnh: Nguyễn Duyên 

Ông Sáng cũng bày tỏ lạc quan khi cho rằng, Việt Nam có khả năng làm chủ các hạng mục trong việc phát triển hệ thống đường sắt như: Tư vấn thiết kế có thể đảm nhận 50% trong ba dự án đầu và 80% trong các dự án tiếp theo; Quản lý dự án có thể thực hiện 70% trong hai dự án đầu và 90% trong các dự án tiếp theo; Các hạng mục xây dựng công trình 80% trong dự án đầu và 95% trong các dự án tiếp theo.

Về hệ thống thiết bị: 40% cho hai dự án đầu và 50-60% cho các dự án tiếp theo. Về khai thác vận hành và duy tu bảo dưỡng 100% với sự chuyển giao công nghệ của nhà cung cấp theo hợp đồng cung cấp thiết bị, công nghệ...

Nói về tiềm năng phát triển ngành đường sắt Việt Nam trong thời gian tới, TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương), cho biết nhu cầu đầu tư cho ngành đường sắt tới đây rất lớn.

Cụ thể, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng mức đầu tư khoảng gần 62 tỉ USD. Tương tự các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội tổng mức đầu tư trong tương lai khoảng 37 tỉ USD; mạng đường sắt đô thị tại TP.HCM sẽ khoảng 12,6 tỉ USD. Tuy nhiên, có một thực tế “đáng buồn” là hầu hết gói thầu đầu tư trong lĩnh vực giao thông đường sắt đô thị đang được các nhà thầu nước ngoài thực hiện theo hình thức EPC. Điển hình như tuyến Cát Linh - Hà Đông là tổng thầu EPC Trung Quốc; tuyến Bến thành - Suối Tiên là tổng thầu EPC Liên danh Nhật Bản - Việt Nam và tuyến Nhổn - Ga Hà Nội là tổng thầu EPC Hàn Quốc.

Việt Nam chưa có tổng thầu EPC trong ngành đường sắt

Cho đến nay, một số doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước đã thực hiện các công việc với mức độ khó tương tự như tổng thầu EPC các dự án nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thủy điện như Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI), Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME)… Cụ thể, các đơn vị trong nước đã tự chủ trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho hơn 29 công trình thủy điện vừa và lớn trong nước, trong đó có công trình thủy điện Sơn La (2.400 MW) và Lai Châu (1.200 MW). Hay tại dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 công suất 1.200MW (Hậu Giang) do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) làm tổng thầu EPC...

duong-sat-cat-linh.jpeg
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh minh họa 

Tuy nhiên, việc làm tổng thầu EPC các dự án liên quan đến ngành đường sắt lại chưa có đơn vị nào trong nước từng thực hiện.

Trong nước có một số cơ sở công nghiệp thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chuyên phục vụ sản xuất, sửa chữa, thay thế thiết bị trong ngành đường sắt như Công ty CP Xe lửa Gia Lâm, Công ty Xe lửa Dĩ An. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở công nghiệp hoạt động cầm chừng mà sản phẩm chủ yếu phải trông chờ vào yêu cầu sản xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, khả năng đa dạng hóa sản phẩm để tham gia vào thị trường cơ khí của nền kinh tế còn khiêm tốn. Trong khi đó, chi phí phụ tùng thay thế đầu máy toa xe cao, hàng năm vẫn phải nhập khẩu khoảng 80% nhu cầu, các cơ sở công nghiệp chỉ đáp ứng được một tỷ lệ nhỏ do máy móc, thiết bị lạc hậu, trình độ công nghệ hạn chế.

Do vậy, đến thời điểm này các doanh nghiệp cơ khí trong nước vẫn chưa tham gia trong việc thiết kế, chế tạo các hạng mục thiết bị mà đơn thuần chỉ làm các công việc đơn giản như cung cấp các thiết bị phụ tùng thay thế hay làm thầu phụ phần xây lắp từ các nhà thầu EPC nước ngoài.

Phải tạo ra thị trường nội địa cho ngành cơ khí thông qua các luật và văn bản dưới luật

Tại hội thảo, TS. Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam nhận định: Thực tế chỉ ra rằng, trên thế giới các quốc gia thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa đều phải có ngành cơ khí mạnh. Từ thực tế này, TS. Đỗ Hữu Hào cũng đưa ra một số khuyến nghị.

Thứ nhất, Nhà nước phải tạo ra thị trường và bảo vệ thị trường nội địa cho các doanh nghiệp trong nước thông qua các luật và văn bản dưới luật.

Thứ hai, kiến nghị Chính phủ sớm sửa lại Luật Đấu thầu theo hướng có lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước.

Thứ ba, cần có quy định mới về tài chính để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn tài chính trong nước, nhất là đối với doanh nghiệp cơ khí với đặc thù cần nguồn vốn dài hạn, lãi suất thấp.

Thứ tư, Nhà nước cần tạo điều kiện đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực cơ khí chế tạo.

Thứ năm, đối với riêng các doanh nghiệp, TS. Đỗ Hữu Hào cho rằng bản thân các doanh nghiệp không nên tự đầu tư khép kín, thiếu liên kết, đầu tư chồng chéo mà phải theo hướng “chuyên môn hóa sâu, hợp tác hóa rộng”.

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) - Phó Chủ tịch VAMI mạnh dạn đề nghị, Nhà nước, Chính phủ cần có cơ chế riêng cho ngành. Cụ thể như có chính sách rõ ràng đối với các sản phẩm cơ khí sản xuất được trong nước. Ông Tuấn nhấn mạnh, Nhà nước cần ban hành Nghị định quy định tất cả các hàng hóa, thiết bị vật tư trong nước đã sản xuất thì không cho phép nhập khẩu. Công tác này phải được bổ sung, quản lý, giám sát chặt chẽ ngay từ giai đoạn lập, quy hoạch và phê duyệt dự án đầu tư cũng như bổ sung trong Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu…

TS. Nguyễn Chỉ Sáng cho biết, VAMI sẽ kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành những việc cần làm ngay để thúc đẩy quá trình nội địa hóa ngành đường sắt trong nước. Cụ thể, cần sớm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho ngành đường sắt; xây dựng lộ trình tổng thể, thống nhất để nội địa hóa hệ thống đường sắt: đường sắt cao tốc, đường sắt quốc gia và đường sắt nội đô; xây dựng và ban hành các giải pháp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào Chương trình phát triển hệ thống đường sắt.../.

Cùng chuyên mục
Nội địa hóa ngành đường sắt: Cần "bệ đỡ" từ chính sách