Theo thống kê của NHNN, nợ xấu của toàn hệ thống tăng từ 2,55% cuối năm 2015 lên 2,78% vào cuối tháng 5 năm 2016.Ảnh:'TS
Báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn thừa nhận xử lý nợ xấu chưa thực chất và còn nhiều khó khăn. Trên thực tế, 3 năm qua, VAMC mới xử lý được 32,4 nghìn tỷ đồng trong tổng số 241 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%).
Nhìn lại công tác xử lý nợ xấu, nhiều chuyên gia đều chung nhận định: Thời gian qua, các TCTD mới chỉ dùng biện pháp kỹ thuật để cơ cấu lại nợ. Nợ xấu mà VAMC mua về được giải quyết bước đầu chứ chưa triệt để. Việc xử lý nợ xấu vẫn gặp khó bởi khả năng mua nợ của VAMC còn hạn chế. Từ đầu năm 2016 đến nay, VAMC mới thực hiện mua vào khoảng 7.400 tỷ đồng nợ xấu từ các ngân hàng thương mại.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch VAMC, hiện nay, khó khăn lớn trong việc mua bán nợ theo giá trị thị trường của VAMC là chưa có thị trường mua bán nợ. Hơn nữa, VAMC không vì lợi nhuận khi mua nợ xấu nhưng việc làm này phải tính đến yếu tố đảm bảo an toàn về vốn.
Mặc dù vốn điều lệ của VAMC đã được tăng từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nguồn lực đó vẫn chưa đủ mạnh để VAMC “quét” nợ xấu. Đến thời điểm này, VAMC đã phát hành khoảng hơn 190 nghìn tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của các TCTD. “Nếu đem số lượng phát hành trái phiếu đặc biệt so với tổng số vốn mà VAMC có thì tỷ lệ đòn bẩy tài chính của Công ty này là quá lớn so với một TCTD” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Mặt khác, trong bối cảnh VAMC không còn những chỉ tiêu bắt buộc bán nợ như những năm trước đây, yêu cầu đặt ra đối với các TCTD là phải nỗ lực giải quyết các khoản nợ xấu bằng nhiều biện pháp. Một trong các biện pháp mà các TCTD thực hiện đó là tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, tỷ suất sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam duy trì ở mức thấp (trên 5%) trong khi tỷ lệ này tại các nước trong khu vực dao động từ 10-14%. Do lợi nhuận thấp nên một số TCTD không đủ nguồn để trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu.
Nợ xấu có xu hướng gia tăng
Trong khi xử lý nợ xấu cũ còn gặp nhiều khó khăn thì nợ xấu mới của toàn hệ thống cũng như của các ngân hàng thương mại lại có xu hướng tăng. Cụ thể, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu của toàn hệ thống tăng từ mức 2,55% cuối năm 2015 lên 2,78% vào cuối tháng 5/2016.
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống vẫn ở ngưỡng cho phép (dưới 3%) nhưng theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB): “Dường như con số nợ xấu đó chỉ thể hiện phần nào vấn đề chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng bởi nó chưa tính cả các khoản nợ xấu do VAMC nắm giữ. Nếu tính gộp cả nợ xấu do VAMC nắm giữ thì tổng nợ xấu toàn hệ thống sẽ vượt 7%”.
Bên cạnh đó, xu hướng nợ xấu tăng trở lại còn được thể hiện trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2016 của các ngân hàng. Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có tỷ lệ nợ xấu 5,3%, cao gấp đôi so với mức 1,86% cuối năm 2015; tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng tăng từ 1,7-2%; nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng tăng từ mức 1,6% cuối năm 2015 lên 2%, tương ứng với hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu tăng thêm. Một số ngân hàng khác có tỷ lệ nợ xấu không tăng hoặc giảm nhẹ do tăng trưởng tín dụng cao, nhưng nếu tính theo giá trị tuyệt đối thì cũng tăng lên như Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank). Đáng lưu ý, trong cơ cấu các khoản nợ của nhiều ngân hàng, nợ có khả năng mất vốn đã tăng lên nhanh chóng. Đơn cử, nợ có khả năng mất vốn tại BIDV hiện tại là 6.343 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ đồng so với cuối năm 2015.
Các chuyên gia kinh tế nhận định: Nền kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất lợi khiến nợ xấu tăng lên như: tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, số lượng DN ngừng hoạt động hoặc phá sản tăng so với cùng kỳ, tín dụng trên đà tăng trưởng mạnh nhưng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nhiều rủi ro… Nếu Chính phủ không có các biện pháp can thiệp kịp thời, nợ xấu có thể vẫn tiếp tục tăng, gây khó khăn cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của toàn hệ thống.
THÀNH ĐỨC