Quyết liệt đổi mới trong phê chuẩn quyết toán trong ngân sách nhà nước

(BKTO) - Như tin đã đưa, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN của KTNN đã được trình bày trước Quốc hội, theo quy định của Luật KTNN 2015. Báo cáo đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đánh giá cao. Theo các đại biểu, đây là một bước đổi mới trong công tác quyết định ngân sách của Quốc hội.



Hướng đến sự công khai, minh bạch

Đồng tình cao với những số liệu, đánh giá của KTNN trong Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2014, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, việc KTNN báo cáo trước Quốc hội là một điểm mới theo quy định của Luật, đồng thời cũng thể hiện sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Dù mới nêu được thực trạng song Báo cáo của KTNN là Báo cáo có chất lượng. Nhờ đó, Quốc hội có thêm một cơ sở rất quan trọng để thông qua quyết toán NSNN.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội), cho rằng, việc KTNN trình bày Báo cáo trước Quốc hội là một bước tiến bộ, thể hiện sự công khai minh bạch trong công tác quyết toán NSNN. Nhất trí cao với Báo cáo của KTNN, đại biểu bày tỏ lo ngại khi bội chi NSNN 2014 vượt hơn con số được Quốc hội phê chuẩn là 5,3% GDP. Nợ công năm 2014 là 58,02% so với GDP. Cấp độ nợ công tăng nhanh, so với 2013, cấp độ tăng là 17,1%. Chất lượng hiệu quả công tác quản lý nợ công còn nhiều hạn chế như: phân tán, thiếu sự đối chiếu, thống nhất trước khi tổng hợp báo cáo, gây khó khăn cho KTNN khi đưa ra con số hoặc đưa ra nhận định khách quan, chính xác.

Bộ Tài chính cũng chưa cung cấp đầy đủ các bằng chứng để xác định chính xác, đầy đủ số dư nợ công; chưa ghi thu ghi chi vốn vay nước ngoài kịp thời. Một số DN được Chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện biện pháp giảm thiểu rủi ro về lãi suất, tỷ giá, sử dụng vốn không hiệu quả, gây khó khăn trong trả nợ... Đại biểu đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư tìm ra giải pháp cụ thể để hạn chế nợ công.

Tán thành và đánh giá cao nhiều nội dung trong Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN của KTNN, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), cho rằng báo cáo của KTNN lần này đã thể hiện rất rõ ràng, minh bạch những mặt được, chưa được, có địa chỉ cụ thể. Đại biểu Khánh đề nghị, Chính phủ kiểm tra và thanh tra những đơn vị vi phạm lặp đi lặp lại nhiều lần đã được nêu trong Báo cáo kiểm toán. “Nếu cứ lặp đi lặp lại thế này không nâng cao được hiệu quả sử dụng ngân sách. Tôi đề nghị Báo cáo kiểm toán đã chỉ rất rõ ràng địa chỉ, đã minh bạch, đã rõ hành vi vi phạm rồi thì phải để các cơ quan điều tra xem xét rất kỹ, thậm chí có thể xem xét về mặt hình sự, để thể hiện sự nghiêm minh và hiệu lực giám sát của Quốc hội” - đại biểu Khánh nói.

Nhìn nhận lại kỷ cương, kỷ luật ngân sách

Từ thực tế những sai sót đã được chỉ ra trong Báo cáo kiểm toán, các đại biểu Quốc hội cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần nhìn thẳng vào thực tế những tồn tại, hạn chế; siết chặt lại kỷ cương, kỷ luật ngân sách.
Nêu lên con số hơn 26.169 tỷ đồng chi vượt dự toán, đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng, đây là việc làm "tiền trảm hậu tấu" sai Nghị quyết của Quốc hội, sai pháp luật, chấp hành kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải có giải trình đầy đủ và làm rõ trách nhiệm, không thể chấp nhận “sự đã rồi”. Cùng với đó, đại biểu đề nghị cần chấn chỉnh tình trạng chi không đúng dự toán, nợ đọng thuế; làm rõ trách nhiệm chi không đúng định mức, đầu tư dàn trải, dự án chậm tiến độ… như Báo cáo kiểm toán đã nêu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM), nhấn mạnh 8 vấn đề nổi lên trong Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2014, thể hiện việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương ngân sách còn nhiều tồn tại. Đó là: Việc lập dự toán thu NSNN chưa đầy đủ các khoản thu; bố trí ngân sách Trung ương vượt tỷ lệ hỗ trợ cho một số dự án, không đúng đối tượng, bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư; một số Bộ, cơ quan lập dự toán cao hơn khả năng ngân sách, nhiều khoản chi vượt dự toán; một vài địa phương xuất hiện một số nhiệm vụ chi chưa tuân thủ định mức phân bổ của HĐND tỉnh, bố trí dự toán chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề thấp hơn mức Trung ương giao. Đặc biệt một điều “khá buồn” mà KTNN nêu là hầu hết các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương được kiểm toán đều xảy ra tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn và định mức…

Từ đó, đại biểu kiến nghị, tính kỷ cương, kỷ luật ngân sách cần phải được tôn trọng và thực hiện nghiêm minh ở tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, Chính phủ mới cần quyết liệt hơn nữa trong chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo công ăn việc làm… để tạo nguồn thu cho ngân sách. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, đầu tư kinh doanh trên 1 triệu tỷ đồng tại tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN…

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2014 trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Cho rằng báo cáo của Chính phủ trong điều hành ngân sách còn “lạc quan, vo tròn, chưa sát thực tế”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. HCM) lo ngại, nếu không nhìn đúng sự thật thì những vấn đề hạn chế trong điều hành ngân sách sẽ còn tiếp tục diễn biến xấu hơn trong thời gian tới.

Theo đại biểu, Báo cáo kiểm toán đã nêu lên rất nhiều sai sót trong điều hành, quản lý thu chi với số tiền lớn, vì vậy cần đánh giá thực tế hơn. “Tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần nhìn nhận lại tính kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành Nghị quyết của Quốc hội và thực thi pháp luật về ngân sách trong thời gian tới, để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đồng thời tạo sự công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng ngân sách”- Đại biểu Tâm đề xuất.

Box: Số liệu quyết toán NSNN năm 2014 đã được Quốc hội phê chuẩn:
- Tổng số thu cân đối NSNN là 1.130.609 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn từ năm 2013 chuyển sang năm 2014, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2013, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN.
- Tổng số chi cân đối NSNN là 1.339.489 tỷ đồng bao gồm cả 235.506 tỷ đồng chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015.
- Bội chi NSNN là 249.362 tỷ đồng, bằng 6,33% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.
- Nguồn bù đắp bội chi NSNN gồm: vay trong nước 196.693 tỷ đồng; vay ngoài nước 52.669 tỷ đồng.
ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
  • Đồng chí Hoàng Quang Hàm nhận nhiệm vụ mới tại Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 01/8, tại Hà Nội, KTNNđã tổ chức Lễ công bố Quyết định thuyên chuyển và chia tay đồng chí Hoàng QuangHàm - nguyên Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, đi nhậnnhiệm vụ mới tại Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội. Tham dự buổi Lễ cóTổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc; các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước và đạidiện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc KTNN.
  • Phấn đấu đạt mức cao nhất những mục tiêu đề ra trong năm 2016
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong 2 ngày 01 và 02/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016. Đây là phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV. Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước cho các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021
  • Quyết liệt đổi mới hoạt động giám sát
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Cải cách tổ chức bộ máy hành chínhnhà nước; an toàn thực phẩm là 2 chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tậptrung giám sát trong Chương trình giám sát năm 2017 của Quốc hội, trên cơ sở đềxuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
  • Chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV: Tập trung kiện toàn nhân sự cấp cao Nhà nước
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tuần qua, chương trình làm việc của kỳ họp thứ nhất,Quốc hội khóa XIV đã dành phần lớn thời gian cho công tác kiện toàn nhân sự cấpcao Nhà nước.
  • Nợ thuế - bài toán khó  đang cần lời giải
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Báo cáo gần đây của Tổng cục Thuế cho biết, tính đến 30/4/2016, cả nước có 76.000 tỷ đồng nợ thuế, trong đó: Ngân sách trung ương là 15.760 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 60.240 tỷ đồng. Số tiền nợ thuế từ 90 ngày trở lên là 36.729 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48,3% tổng số tiền nợ thuế; các khoản thuế, phí là 24.594 tỷ đồng; các khoản nợ liên quan về đất là 12.135 tỷ đồng; các khoản tiền phạt và tiền chậm nộp là 23.921 tỷ đồng.
Quyết liệt đổi mới trong phê chuẩn quyết toán trong ngân sách nhà nước