Nông nghiệp là một trong 3 trụ cột kinh tế của Bình Thuận

(BKTO) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, 2023 là năm được mùa, được giá nông sản, nhưng thị trường tiêu thụ còn khó khăn, xuất khẩu thanh long còn bị động, tiểu ngạch, giá vật tư nguyên liệu đầu vào tăng cao.

thanh-long-bt.jpg
Năm 2023, tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận đạt 3,31%, vượt kế hoạch đề ra (2,81%), đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 8,1% của nền kinh tế tỉnh. Ảnh: Thùy Anh

Tuy nhiên, toàn ngành tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn.

Năm 2023, tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh đạt 3,31%, vượt kế hoạch đề ra (2,81%), đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 8,1% của kinh tế Bình Thuận.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là một trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh và đang vươn lên trở thành ngành kinh tế phát triển bền vững, hội nhập.

Toàn ngành đã hoàn thành đạt và vượt 11/13 chỉ tiêu Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Trong đó, diện tích gieo trồng cây ngắn ngày vượt 4,4% kế hoạch (201.104 ha/ 192.700 ha), tăng 1,8%; sản lượng lương thực toàn tỉnh năm 2023 đạt 856.900 tấn/ 800.000 tấn, đạt 107,1% kế hoạch, tăng 3% so với năm 2022.

Năm 2024, ngành nông nghiệp Bình Thuận phấn đấu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo hướng sinh thái, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các chỉ tiêu chủ yếu như tốc độ tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ngành nông nghiệp đạt từ 3% - 3,2%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 43%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 81,7% (76/93 xã)…

Ngành nông nghiệp Bình Thuận sẽ thực hiện các giải pháp như chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi. Đẩy mạnh khoanh nuôi tái sinh, phục hồi và nâng cao chất lượng rừng. Tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác hải sản xa bờ, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất, chuyển đổi số, phát triển thị trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới…/.

Cùng chuyên mục
Nông nghiệp là một trong 3 trụ cột kinh tế của Bình Thuận