Nông nghiệp - nông dân: một năm nhiều cảm xúc

(BKTO) - Năm Dậu sắp qua, năm Tuất đang đến. Người làm nghề nông, sống ở nông thôn vừa trải qua một năm đầy cảm xúc.Vui, buồn xen trộn.



Tự hào nông dân Việt

Niềm vui lớn nhất là người làm nông được thụ hưởng những thành quả của khoa học công nghệ về giống, phân bón, kỹ thuật nuôi trồng thủy, hải sản, vật nuôi... Ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, người nông dân đỡ vất vả, trí tuệ thay sức người; có cơ hội xóa nghèo, làm giàu từ những kiến thức qua mạng internet, tiếp cận truyền thông dưới nhiều hình thức. Đã xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân làm giàu bắt đầu bằng ý chí, nghị lực, trau dồi kiến thức, vượt qua muôn vàn khó khăn. Họ tự hào vì đã tự mình thay đổi cuộc sống của chính họ.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, mở ra hướng đi mới cho khu vực nông nghiệp - nông dân, nhất là chuyển đổi hình thức sản xuất, cây trồng để phù hợp với đặc điểm vùng miền, đẩy mạnh dịch vụ, chuyển việc làm. Một bộ phận không nhỏ nông dân đã có của ăn, của để, không chỉ chờ trông, lệ thuộc vào cây lúa. Chương trình nông thôn mới thổi luồng gió mát lành đến mọi vùng quê, đánh thức tiềm năng từng vùng miền, khơi dậy nội lực trong dân để tổ chức lại cuộc sống theo hướng chất lượng, văn minh, hiện đại.
Ảnh minh họa
“Có thực mới vực được đạo”, kinh tế phát triển giúp cho đời sống văn hóa các miền thôn đã đổi thay rõ rệt. Bảo tồn truyền thống văn hóa lịch sử truyền thống được quan tâm, nhất là những nơi có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Không ít địa phương còn có mặt tiến bộ hơn đô thị. Nghị quyết của Đảng về kinh tế tư nhân cùng sự chỉ đạo sát sao, cụ thể, quyết liệt của Chính phủ đã giúp cho nông dân mạnh dạn làm kinh tế tư nhân dưới nhiều mô hình sáng tạo, thích hợp liên thông, kết nối.

Nhờ vậy, nhiều sản phẩm nông nghiệp được đến tay người tiêu dùng cả nước và vươn ra các thị trường thế giới, có cả thị trường khó tính, khắt khe về quy chuẩn. Đầu ra sản phẩm đã thông thoáng nghĩa là nông dân đã hội nhập quốc tế thành công. Qua chương trình Tự hào nông dân Việt, các hoạt động biểu dương gương sáng của nhà nông, biết bao câu chuyện đầy quyết tâm về nông dân làm giàu thời hội nhập được kể mỗi ngày để cùng nhau tham khảo, học hỏi.

Không ít thiên tai và nhân tai

Cuộc sống luôn hai mặt sáng, tối. Năm qua, nông dân không ít vùng miền đã phải hứng chịu thiên tai, bão lũ do biến đổi cực đoan của thiên nhiên, ô nhiễm môi trường sống, mất vệ sinh an toàn thực phẩm... Một phần nguyên nhân không nhỏ là do con người gây nên như: phá rừng, xả thải bừa bãi, hám lợi mà hại người tiêu dùng. Không chỉ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Bắc, Tây nguyên, NamTrung bộ hầu như năm nào cũng phải hứng chịu hậu quả của thiên tai và nhân tai. Một loạt các giải pháp đã được đưa ra nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Ý thức và trách nhiệm xã hội, cộng đồng của mỗi người vẫn là câu chuyện đáng suy ngẫm.

Vừa qua, truyền thông đã phần nào nâng cao nhận thức, “lay động” trái tim con người nhưng vì nhiều lí do mà sự đổi thay vẫn còn quá chậm. Mối lo hiện hữu, thiệt hại cứ diễn ra, con người cưu mang đùm bọc nhau không xuể bởi hệ lụy quá lớn và đeo đẳng có khi cả đời người. Môi trường sống ở nhiều vùng quê bị uy hiếp nghiêm trọng bởi rác thải, khí thải công nghiệp, dân sinh, bởi chính mỗi người dân gây cho mình.

Bệnh tật từ sản phẩm nông nghiệp do sử dụng thuốc hóa chất vẫn là câu chuyện thời sự. Nông dân còn bị động, thụ động với chính cuộc sống của mình. Tình trạng ỷ lại, chưa chăm chỉ lao động, muốn làm giàu thật nhanh, bỏ qua đạo đức và luật pháp vẫn hiện hữu ở một bộ phận người dân. Nguồn lao động trẻ ở nông thôn suy giảm rõ rệt, chuyển dịch lao động cơ học theo thời vụ ngày càng rõ. Chất lượng lao động ở khu vực nông nghiệp đang gặp vấn đề. Đầu ra của sản phẩm nông nghiệp chưa được chào đón bền vững, thiếu chủ động…

Năm 2017, kết quả GDP cho thấy có 3,47 tỷ USD từ xuất khẩu rau, củ quả, tăng 40% so với năm 2016. Gần 70% dân số Việt Nam đang hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, vì thế, nông dân vẫn là lực lượng chủ lực tham gia công cuộc đổi mới đất nước. Chăm lo cho lực lượng này luôn là nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Nhà nước.

Năm 2018, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, khu vực nông nghiệp cần được quan tâm, đầu tư thích đáng để Việt Nam tiếp tục tự chủ về lương thực, bảo tồn bền vững tài nguyên, rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu bằng việc quản lý, khai thác có hiệu quả những nguồn lực tự nhiên có hạn.

VĂN HÙNG
Theo Đặc san Kiểm toán số 67 ra tháng 01/2018
Cùng chuyên mục
Nông nghiệp - nông dân: một năm nhiều cảm xúc