Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính): Thị trường chứng khoán năm 2018 giảm điểm nhưng không phải là đi xuống

(BKTO) - Thị trường chứng khoán chịu tác động lớn của kinh tế vĩ mô. Năm 2018, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Lạm phát bình quân cả năm ước khoảng 3,6%. Lạm phát cơ bản bình quân tăng dưới 1,5% so với cùng kỳ. Các yếu tố vĩ mô trong nước ổn định, kinh tế tăng trưởng cao và lợi nhuận của các DN niêm yết tăng trưởng đã giúp cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững hơn.



Thị trường chứng khoánvẫn phát triển bền vững

Sau 5 năm liên tiếp có mức tăng trưởng cao, song hành với đà tăng trưởng của nền kinh tế, đến đầu năm 2018, thị trường chứng khoán có sự biến động rất lớn. Tiếp theo đà tăng trưởng của năm 2017, đầu năm 2018, VN-Index từng lập đỉnh cao mới ở mức 1.211 điểm vào ngày 10/4 nhưng sau đó lại sụt giảm mạnh tới 27% - xuống đáy với 888 điểm vào ngày 30/10. Ngay khi thị trường giảm điểm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã kịp thời công bố thông tin: Thị trường giảm điểm là sự điều chỉnh tất yếu do năm 2017 đã tăng trưởng cao chứ không phải do thị trường đi xuống. Đến nay, VN-Index vẫn giữ được 920 điểm là điều đáng mừng.

Trong năm 2018, các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán đều có mức tăng trưởng tương đối tốt. Theo báo cáo quý III của các DN niêm yết, 92,5% các DN có lãi. Ước tính năm 2018, các DN niêm yết tăng trưởng trên 20%. Đó là nền tảng tốt để cung cấp hàng hóa có chất lượng cho thị trường. Tổng tài sản hệ thống công ty chứng khoán tăng khoảng 20,3% so với năm 2017. Tổng vốn chủ sở hữu tăng 22,8%. Tổng lợi nhuận sau thuế của hệ thống công ty này tăng khoảng 15,3%. Tỷ lệ vốn khả dụng bình quân hệ thống công ty chứng khoán khoảng 409,7%. Dư nợ cho vay ký quỹ của hệ thống công ty chứng khoán ước tăng 14,5% so với cuối năm 2017. Tỷ trọng các khoản cho vay và phải thu trên tổng tài sản là 43,5%, trong khi cuối năm 2017, con số này là 47,8%, giúp giảm rủi ro cho hệ thống công ty chứng khoán…

Điều đáng nói, năm 2018, Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có dòng vốn nước ngoài vào dương trong khi cùng thời điểm, các quỹ đầu tư đã rút tiền khỏi nhiều nước. Khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao vào tháng 9, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã rút vốn ra khỏi thị trường châu Á. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng từ 7 thị trường châu Á, gồm: Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia với tổng giá trị hơn 27,34 tỷ USD. Trong bối cảnh làn sóng rút vốn như vậy, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn giữ được mức tăng nhất định. Đến hết ngày 14/12, dòng vốn ròng vào thị trường ước đạt hơn 2,8 tỷ USD, xấp xỉ mức vào ròng của cả năm 2017 là 2,92 tỷ USD.

Điểm đặc biệt nữa, quy mô vốn hóa của thị trường đã vượt kế hoạch. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, đạt 3,98 triệu tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2017, tương đương với 79,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020. Điều này cho thấy thị trường này đã tăng trưởng nhanh.

Nghị định số 71/2017/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng có hiệu lực đã giúp cho vấn đề quản trị của các DN niêm yết hiệu quả hơn. Về nội dung này, các nước trên thế giới chỉ đưa ra một bộ tiêu chí khuyến nghị DN thực hiện, nhưng Việt Nam lại vừa khuyến nghị vừa yêu cầu bắt buộc để DN nâng cao năng lực quản trị, đảm bảo phát triển bền vững.

Từ tháng 8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam mới vận hành, góp phần hoàn thiện cơ cấu thị trường vốn, tạo thêm công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Sau hơn 1 năm hoạt động, thị trường này đã đạt mức tăng trưởng vượt bậc về quy mô. Kết thúc năm 2017, giá trị giao dịch danh nghĩa của thị trường phái sinh chỉ ghi nhận mức kỷ lục 2.500 tỷ đồng/phiên, nhưng đến tháng 10/2018, thị trường này đã đạt gần 17.000 tỷ đồng/phiên. Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh tăng gấp 3,2 lần so với cuối năm 2017.

Cùng với đó, một số cơ chế về giá dịch vụ, chế độ kế toán cho thị trường chứng khoán cũng đang tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Công tác giám sát thị trường, trong đó có hoạt động giám sát giao dịch chứng khoán phái sinh cần được tiếp tục đổi mới và nâng cao tính hiệu quả…

Kỳ vọng thêm nhiềusản phẩm từ doanh nghiệpcổ phần hóa

Năm 2019, nếu kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và lạm phát được giữ vững thì thị trường chứng khoán sẽ có triển vọng tốt, sức lan tỏa của thị trường mạnh, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ vẫn được duy trì.

Các DN của Việt Nam đang thoái vốn dù khá chậm. Năm 2019, khi quá trình cổ phần hóa được khơi thông, lượng cung hàng vào thị trường sẽ nhiều hơn với chất lượng tốt hơn.

Hy vọng đầu năm 2019, thị trường phái sinh sẽ có thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Đối với thị trường cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến sẽ công bố những sản phẩm chiếm quyền có đảm bảo, đồng thời nghiên cứu các sản phẩm khác để thực hiện mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, giảm thiểu rủi ro, tạo tính thanh khoản cho thị trường.

Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc phát triển thị trường chứng khoán, theo dự kiến, Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong năm 2019. Dự án sửa đổi lần này được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế sau hơn 10 năm Luật Chứng khoán đưa vào thi hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014.

THÙY ANH (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 01 ra ngày 03-01-2019
Cùng chuyên mục
Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính): Thị trường chứng khoán năm 2018 giảm điểm nhưng không phải là đi xuống