Các diễn giả tham gia thảo luận tại Tọa đàm -Ảnh: N.Ly |
Mặc dù đã hơn 25 năm hình thành và phát triển, nhưng hoạt động kiểm toán độc lập nói chung và kiểm toán BCTC nói riêng tại Việt Nam vẫn còn rất non trẻ so với bề dày phát triển hàng trăm năm của ngành nghề này trên thế giới. Trong bối cảnh hội nhập và xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, các DN sẽ phát triển rất nhanh chóng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp và rủi ro, đòi hỏi hoạt động kiểm toán BCTC phải được nâng cao vượt bậc về chất lượng, đặc biệt là việc tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
Thực tế cho thấy, kiểm toán BCTC là dịch vụ mang lại doanh thu chủ yếu và mang lại uy tín cho đa số DN kiểm toán tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ kết quả kiểm tra, kiểm soát chất lượng của cơ quản quản lý nhà nước, cũng như qua các vụ việc liên quan đến BCTC sai sót, gian lận, chúng ta tự thấy rằng chất lượng kiểm toán BCTC đang còn tồn tại nhiều vấn đề. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất đến từ việc kiểm toán viên chưa hiểu đầy đủ, chính xác và chưa tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Trần Anh Quân- Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam nhận định, vấn đề quan trọng đối với các DN Việt Nam hiện nay là thay đổi về nhận thức. Muốn áp dụng thành công, lãnh đạo cấp cao nhất của DN phải nhận thức được giá trị thực sự của chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), từ đó tạo điều kiện cho bộ phận tài chính, kế toán có thêm thời gian, nhân lực, nâng cao trình độ để tiếp cận và thực hành IFRS. Nếu DN chỉ quan niệm IFRS là 1 sự tuân thủ theo quy định pháp luật đơn thuần thì chưa chắc đã có được sự thành công như mong đợi, bởi IFRS không chỉ là vấn đề của tài chính- kế toán mà còn là kênh thông tin quan trọng, thiết thực hỗ trợ cho lãnh đạo DN trong việc đưa ra quyết định đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một vấn đề nữa trong lộ trình áp dụng IFRS đó là đào tạo nguồn nhân lực, các cơ sở đào tạo cần nắm bắt được các cơ hội của nền kinh tế thị trường, kế hoạch của cơ quan quản lý để đi trước, đón đầu trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Ngoài ra, chúng ta không thể đào tạo cho sinh viên chi tiết từng quy định, chuẩn mực của IFRS, mà ngược lại, sinh viên cần phải tự nghiên cứu, vận dụng để khi có sự thay đổi về chuẩn mực vẫn có thể áp dụng và đáp ứng yêu cầu của công việc.
Đồng ý với các ý kiến trên, PGS. TS. Trần Văn Tá- Chủ tịch danh dự VACPA cho rằng, chúng ta cần đánh giá lại nhu cầu cần thiết áp dụng IFRS đối với các DN Việt Nam. Thực tế cho thấy, việc áp dụng chuẩn mực quốc tế đã không có bước lùi nữa mà chỉ có đẩy nhanh hơn. Lộ trình áp dụng IFRS tính đến năm 2023 có lẽ là hơi chậm, bởi chuẩn mực kế toán của Việt Nam đã quá lạc hậu và chậm so với chuẩn mực quốc tế.
Đối với đào tạo nguồn nhân lực, ông Tá cho rằng, các cơ sở đào tạo không nên lệ thuộc quá nhiều vào lộ trình áp dụng IFRS mà cơ quan quản lý nhà nước đặt ra. Thay vào đó, đào tạo cần phải đi trước một bước, bổ sung các chuẩn mực quốc tế vào chương trình đào tạo tài chính, kế toán. Đồng thời, các trường nên sử dụng các tài liệu quốc tế để giảng dạy, qua đó chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng kịp thời các yêu cầu khi hội nhập quốc tế.
Đại diện VACPA và ACCA tặng sách cho các đối tác liên kết đào tạo IFR - Ảnh: N.Ly |
Phát hành ấn phẩm này, VACPA và ACCA mong muốn cuốn sách sẽ giúp kiểm toán viên và DN kiểm toán thực hiện cuộc kiểm toán có chất lượng cao và hiệu quả về chi phí; cung cấp các hiểu biết sâu sắc hơn về các yêu cầu của chuẩn mực, giúp cơ quan quản lý cập nhật, xây dựng các tài liệu kiểm tra, kiểm soát chất lượng cũng như xem xét sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan cho phù hợp với thực tiễn hành nghề; hỗ trợ việc nghiên cứu sâu hơn hoặc phát triển các đề tài có giá trị liên quan đến hoạt động kiểm toán; cung cấp hiểu biết về công việc của DN kiểm toán, kiểm tóan viên, từ đó biết được cách thức và nội dung cần phối hợp để nâng cao hiểu quả quá trình trao đổi hai chiều và gia tăng các giá trị mà cuộc kiểm toán có thể mang lại cho đơn vị được kiểm toán.
THÙY LÊ