PCI 2020: Môi trường kinh doanh duy trì đà cải thiện.

(BKTO)- Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 cho thấy sự chuyển động tích cực trong nhiều lĩnh vực của môi trường kinh doanh Việt Nam giai đoạn 5 năm (từ 2016 đến nay). Những chuyển động tích cực được cộng đồng DN ghi nhận bao gồm môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục có bước tiến, tính năng động của bộ máy chính quyền được nâng cao, đặc biệt chi phí không chính thức được giảm bớt.



                
   

Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020.

   

Mức độ bình đẳng trong môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực

Ngày 15/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố trực tuyến Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020. Chỉ số PCI do VCCI và USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 DN, trong đó có trên 10.700 DN tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam.

Theo kết quả điều tra PCI 2020 cho thấy, các DN tư nhân ghi nhận mức độ bình đẳng của môi trường kinh doanh duy trì xu hướng cải thiện qua các năm.

Cụ thể, tỷ lệ DN đánh giá chính quyền địa phương ưu ái các DN có phần vốn nhà nước gây khó khăn cho DN tư nhân đã giảm từ con số 37,9% năm 2016 xuống 24,7% năm 2020. Hiện tượng chính quyền địa phương ưu tiên thu hút đầu tư FDI hơn so với thu hút đầu tư tư nhân trong nước đã giảm đáng kể từ 42,3% năm 2016 xuống còn 29% năm 2020.

Ngoại trừ việc DN tư nhân vẫn nhận thấy chính quyền các tỉnh có những ưu tiên trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN FDI hơn so với DN tư nhân, những hình thức ưu ái khác trong việc giải quyết thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai… đã giảm dần qua các năm.

Đáng chú ý, tỷ lệ DN tư nhân đồng ý với nhận định “Nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai...) chủ yếu rơi vào DN thân quen cán bộ chính quyền” đã giảm mạnh từ con số 72,3% năm 2016 xuống còn 57,9% năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ DN tư nhân cho biết “sự ưu đãi cho công ty lớn (cả nhà nước và tư nhân) là cản trở đối với hoạt động kinh doanh của DN” năm 2020 vẫn ở mức 53,9%, chỉ giảm nhẹ so với con số 54,6% năm 2016. Điều này cho thấy chính quyền các địa phương vẫn cần nỗ lực hơn nữa trong việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN tư nhân.

Chia sẻ về báo cáo PCI, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - cho biết: “PCI là một chỉ số của hành động. PCI thúc đẩy những hành động thực chất của chính quyền các tỉnh, thành phố nhằm cải thiện chất lượng điều hành và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đó là việc xây dựng và thực thi chính sách dựa trên bằng chứng từ kết quả do PCI cung cấp. Đó là sự tìm tòi và phát triển những ý tưởng cải cách, những mô hình tốt cấp cơ sở. Thực tế, PCI đã cổ vũ và lan tỏa nhiều thực tiễn tốt tại Việt Nam trong thời gian qua”.
                
   

Tôn vinh tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2020.

   

Chi phí không chính thức giảm

Cùng với những cải thiện trong môi trường kinh doanh, điều tra PCI 2020 cũng cho thấy những phản ứng tích cực của cộng đồng DN về chi phí không chính thức.

Cụ thể, tỷ lệ DN cho biết phải trả chi phí không chính thức trong điều tra năm 2020 giảm xuống mức 44,9%, so với mức 66% của năm 2016 và ở mức thấp nhất trong 15 năm qua (năm 2006 là 70%). Mặt khác, quy mô khoản chi phí không chính thức đối với DN đã giảm đáng kể theo thời gian khi tỷ lệ DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức năm 2020 giảm xuống còn 5,4% so với con số 9,1% của năm 2016, và giảm gần một nửa so với con số 13% của năm 2006.

Gánh nặng chi phí không chính thức đã giảm theo thời gian, khi có 84,4% DN cho biết các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được, tăng đáng kể so với con số 79,2% của năm 2016.

Cùng với đó, mức độ phổ biến của chi phí không chính thức trong một số lĩnh vực cụ thể đã có dấu hiệu giảm bớt. Cụ thể, tỷ lệ DN cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra đã giảm đáng kể từ con số 51,9% năm 2017 xuống còn 27,7% năm 2020.

Tỷ lệ DN đồng ý với nhận định “Việc chi trả 'hoa hồng’ là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” đã giảm từ 54,9% năm 2017 xuống còn 40% năm 2020. Tỷ lệ DN lo ngại tình trạng “chạy án” nên không đưa vụ việc tranh chấp qua tòa án cũng đã giảm từ con số 31,6% năm 2017 xuống 23% năm 2020.

Tuy nhiên, trên một số phương diện vẫn cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn. Ví dụ, tỷ lệ DN có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai năm 2020 đã trở lại mức 32% của năm 2017, sau khi tăng lên mức 36% năm 2019. Hay như tỷ lệ DN cho biết “Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến” chỉ giảm nhẹ từ con số 60,8% năm 2017 xuống 54,1% năm 2020…

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI, đại diện nhóm chuyên gia thực hiện Báo cáo PCI 2020 - chia sẻ, những thành quả quan trọng thời gian qua là đáng khích lệ, song điều tra PCI cho thấy cộng đồng DN tiếp tục kỳ vọng chính quyền các cấp cần có những cải cách mạnh mẽ và thực chất trên nhiều khía cạnh của môi trường kinh doanh. Đó là cải cách hành chính cần tập trung vào cắt giảm thời gian và gánh nặng chi phí tuân thủ cho DN, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong tiếp cận thông tin và các nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi của chính quyền các cấp và đồng thời tiếp tục nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho các DN.

Diệu Thiện
Cùng chuyên mục
PCI 2020: Môi trường kinh doanh duy trì đà cải thiện.