Vịnh Lan Hạ, xứng danh một trong những vịnh đẹp nhất thế giới

(BKTO) - Với những lợi thế, ưu đãi về cảnh quan tự nhiên hoang sơ, những nét văn hóa đặc trưng độc đáo và đa dạng sinh học, Vịnh Lan Hạ đã trở thành một trong các vịnh đẹp nhất thế giới và là điểm du lịch rất hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.



Thiên nhiên ưu đãi - Vịnh Lan Hạ đẹp và quyến rũ

Vịnh Lan Hạ nằm trong quần thể Quần đảo Cát Bà và sát kề Vịnh Hạ Long ở phía Nam. Với tổng diện tích khoảng hơn 7.000ha, Vịnh bao gồm một quần đảo khá hoang sơ với khoảng 300 hòn đảo lớn nhỏ dày đặc, mang nhiều hình thù độc đáo và được phủ đầy cây xanh, tạo nên một bức tranh khổng lồ, huyền ảo.

Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan tự nhiên đẹp và quyến rũ, Vịnh Lan Hạ còn chứa đựng nhiều hệ sinh thái điển hình, nổi bật là hệ sinh thái hang động, hệ sinh thái vùng triều, hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái đáy mềm và hệ sinh thái hồ nước mặn.
                
   

Đá vôi dạng tháp - Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn

   

Trong đó, hệ sinh thái hang động gồm các hang ngập nước đặc trưng, là một kiểu cấu trúc đặc biệt của địa hình karst (hiện tượng phong hóa) trên biển. Các loài sinh vật biển tập trung đông đúc trong những hang động này, đặc biệt là bọt biển và san hô mềm.

Hệ sinh thái vùng triều với các khảm sinh vật bám đặc sắc ít nơi có được bao gồm các bãi triều cát, bãi triều rạn đá và bãi triều bùn. Trong khu vực Vịnh Lan Hạ có khoảng 40 bãi cát, phân bố tập trung ở phía Đông Nam đảo Cát Bà. Các bãi cát thường nằm trên thềm san hô cao từ 1m - 4m/0m hải đồ, chiều rộng 20m - 200m.

Trong đó, bãi triều rạn đá chiếm phần lớn diện tích bãi triều xung quanh các đảo; khảm sinh vật bám trên bãi triều rạn đá được cấu trúc bởi rong bám và hàu hà điển hình cho hệ sinh vật bám vùng biển nhiệt đới.

Còn hệ sinh thái rạn san hô ở Vịnh Lan Hạ là hệ sinh thái phát triển bậc nhất Vịnh Bắc Bộ. Đây là hệ sinh thái điển hình, đặc trưng cho toàn bộ khu vực Cống Đỏ, Hang Trai, Đầu Bê, Cát Bà, Long Châu về hình thái cấu trúc rạn, diện phân bố, thành phần và cấu trúc quần xã sinh vật tạo rạn, là nơi tập trung của hầu hết các nhóm sinh vật biển như giun nhiều tơ, thân mềm, da gai, giáp xác, bò sát biển, cá rạn san hô…

Bên cạnh chức năng là nơi kiếm mồi, sinh sản, các rạn san hô còn là nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm sinh vật này. Một trong những đặc điểm nổi bật của các rạn san hô là chúng không chỉ phân bố ở vùng dưới triều mà còn có mặt ở vùng triều, tạo ra mối liên hệ sinh thái đa dạng, độc đáo.

Hệ sinh thái đáy mềm, nền đáy biển Vịnh Lan Hạ tồn tại mạng lưới chằng chịt các lòng sông cổ được bao phủ bởi khối nước biển trong xanh đến độ sâu 29m. Khu vực này là nơi sinh sống của trên 1.000 loài động, thực vật biển và cũng chứa đựng các bãi cá, bãi giống chính của Vịnh Bắc Bộ.

Vùng đáy biển không phân bố liên tục mà bị chia cắt mạnh bởi các đảo, rạn đá, rạn san hô. Vì lẽ đó, hệ sinh thái đáy mềm không chỉ là môi trường sống đa dạng của các loài mà còn đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ về sinh học, sinh thái giữa các dạng hệ sinh thái biển (vùng triều, rừng ngập mặn, rạn san hô), cũng như tương tác với hệ sinh thái rừng nhiệt đới.

Vịnh Lan Hạ có gần 100 hồ nước mặn với hồ lớn nhất rộng 28,8 ha (Hồ Áng Vẹm) và hồ nhỏ nhất rộng 0,7 ha (Hồ Áng Trề Môi). Các hồ nước mặn là nơi lưu giữ nhiều loài sinh vật biển cổ xưa, tạo cơ hội rất tốt cho việc theo dõi, nghiên cứu mối quan hệ giữa sự biến động của các yếu tố vật lý, khí hậu đến sự tiến hoá của sinh thái quần thể, của các loài.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng Trịnh Văn Tú, ngoài việc sở hữu những nét đặc trưng về văn hóa và đa dạng sinh học, Vịnh Lan Hạ còn là khu vực đã trải qua lịch sử phát triển địa chất lâu dài khoảng 18.000 năm, nổi bật và rộng lớn về địa hình karst dạng tháp và dạng chóp, đại diện cho quá trình tiến hóa địa hình karst ở giai đoạn cuối trong quá trình diễn tiến lớn từ các dãy núi cao xuống đến biển, nơi các địa hình karst cuối cùng đạt tới mực xâm thực cơ bản.

Sở hữu hàng trăm hòn đảo lớn, nhỏ cùng thảm thực vật phong phú, xanh tốt quanh năm, một mạng lưới các hang động và suối ngầm còn nguyên sơ, nhiều bãi cát vàng mịn đã phác họa nên một bức tranh thủy mặc yên bình, lãng mạn cho Vịnh Lan Hạ.

Nhờ những nét đặc trưng độc đáo về tự nhiên, văn hóa và đa dạng sinh học, năm 1986, Vịnh Lan Hạ được Chính phủ Việt Nam xếp hạng Vườn Quốc gia trên biển. Năm 2004, Vịnh được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới và năm 2012 được xếp hạng Danh lam thắng cảnh đặc biệt cấp quốc gia.

Mới đây nhất, vào tháng 6/2020, Vịnh Lan Hạ đã được Hội đồng Hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW) chính thức công nhận là một trong các vịnh đẹp nhất thế giới và trở thành thành viên thứ 46 của Hiệp hội.

Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái

Vịnh Lan Hạ không chỉ độc đáo về tự nhiên, văn hóa, đa dạng sinh học, mà còn có phát triển khá mạnh về kinh tế. Ông Trịnh Văn Tú cho biết, cơ cấu kinh tế huyện đảo Cát Hải được xác định là “ngư - công - nông - lâm nghiệp - du lịch - dịch vụ”, trong đó lấy ngư nghiệp làm kinh tế chủ đạo.

Theo đó, từ khi thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế huyện Cát Hải đã có sự tăng trưởng khá. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được hình thành và phát triển ngày càng đồng bộ. Các ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, du lịch có bước phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất của huyện.
                
   

Làng cổ Việt Hải - Ảnh: Hoàng Tuấn Anh

   

Cùng với đó, cảnh quan đô thị, diện mạo của huyện cũng được đầu tư khang trang. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ du lịch của huyện tăng trưởng rất ấn tượng, bình quân tăng 174%/năm và được xác định là trung tâm thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá của thành phố và vùng duyên hải Bắc bộ.

Theo ông Trịnh Văn Tú, mặc dù các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển khá mạnh, song mọi hoạt động kinh tế - xã hội trên đảo cũng như trên biển được quy định rõ ràng và được giám sát, quản lý chặt chẽ và hiệu quả. Công tác quản lý và bảo tồn còn được tăng cường thông qua các quy định, quy hoạch tổng thể và các kế hoạch hành động của TP.Hải Phòng, cụ thể là các quy hoạch về bảo vệ môi trường, phát triển và quản lý du lịch, các quy hoạch bảo tồn, đặc biệt là Kế hoạch

Quản lý tổng thể Khu Dự trữ sinh quyển, Quy hoạch tổng thể bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị Vườn Quốc gia Cát Bà... Theo đó, những định hướng dài hạn cho công tác quản lý tập trung vào các vấn đề: bảo tồn nguyên vẹn giá trị cảnh quan thiên nhiên, giá trị các hệ sinh thái nhiệt đới, cận nhiệt đới điển hình, các loài đặc hữu bản địa có giá trị toàn cầu và môi trường…

Cũng theo ông Tú, trong thời gian tới, huyện Cát Hải nói chung và Đảo Cát Bà nói riêng đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới, với nhiều chương trình, kế hoạch được triển khai khẩn trương trên địa bàn huyện.

Điều này đặt ra cho huyện đảo những vấn đề về quản lý và khai thác lợi thế về cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông, xây dựng Đảo Cát Bà trở thành đảo thông minh, là trung tâm dịch vụ cảng biển của thành phố và các tỉnh phía Bắc, khu đô thị cảng xanh, văn minh, hiện đại. Đồng thời, huyện đảo cũng cần phải tính toán phương án huy động tối đa các nguồn lực và lợi thế so sánh của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư du lịch Cát Bà phát triển bền vững.

Trao đổi về sự phát triển du lịch, văn hóa, kinh tế - xã hội của Vịnh Lan Hạ nói riêng và Đảo Cát Bà nói chung, nhiều ý kiến cho rằng, để Vịnh Lan Hạ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung tuyên truyền quảng bá về những giá trị nổi bật, độc đáo, đặc sắc của Vịnh Lan Hạ bằng nhiều hình thức và trên nhiều kênh truyền thông trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng dân cư, khách du lịch, cũng như vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của Vịnh Lan Hạ, để Vịnh Lan Hạ nói riêng, Đảo Cát Bà nói chung phát triển ngày một bền vững.

PHẠM HỒNG THÔNG- DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
  • PTT Vũ Đức Đam: Phải có đột phá mới về KHCN để đất nước "bứt phá"
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đã qua giai đoạn khai thác những phần "lộ thiên", để đất nước "bứt phá" cần tìm ra cái mới và phải có đột phá mới về khoa học và công nghệ.
  • Fitch Ratings nâng triển vọng của PVN lên “Tích cực”, xếp hạng tín dụng độc lập “BB+”
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings vừa nâng triển vọng xếp hạng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từ “Ổn định” lên “Tích cực” và đánh giá mức xếp hạng Hồ sơ tín dụng độc lập (SCP) của PVN ở mức “BB+”, xếp hạng tín nhiệm nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) ở mức “BB”.
  • Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc:  “3 chữ P” và cách huy động vốn khác biệt
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc nằm trong quy hoạch đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, dự án đầu tiên thực hiện theo phương thức đối tác công tư sau khi luật PPP được áp dụng. Tân Phú - Bảo Lộc có sự quyết tâm rất lớn của tỉnh Lâm Đồng, có sự dấn thân của liên danh nhà đầu tư (ở vai trò đề xuất), có sự sáng tạo trong việc huy động vốn.
  • Sống bất an bên miệng “hà bá”
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại quốc lộ 91, đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang xảy ra từ năm 2019, ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, UBND tỉnh đã ban bố tình huống khẩn cấp ngay khi sự cố xảy ra, đồng thời tiến hành các giải pháp để sớm ngăn chặn, khắc phục sự cố, đồng thời đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
  • Quý I/2021: Petrovietnam nộp ngân sách Nhà nước hơn 19.000 tỷ đồng
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng cho biết, trong Quý I/2021, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Petrovietnam tiếp tục được duy trì ổn định, các chỉ tiêu tài chính hợp nhất toàn Tập đoàn đều vượt so với kế hoạch đề ra.
Vịnh Lan Hạ, xứng danh một trong những vịnh đẹp nhất thế giới