Phải có "van, khoá" chặt chẽ trong thu hồi đất

Theo các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), việc liệt kê các trường hợp thu hồi đất là cần thiết nhưng phải có điều “quét” để xử lý những phát sinh trong quá trình phát triển.

Chiều 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần 2 về một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

ctqh28.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Tránh thu hồi đất tràn lan

Tại phiên họp, quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tiếp tục nhận được sự quan tâm của các thành viên UBTVQH.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 quy định theo hướng vừa có tính khái quát, vừa cụ thể về các trường hợp thu hồi đất để xây dựng các dự án, công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; không phân biệt về nguồn vốn, mà khi xem xét tổng thể dự án thì lợi ích quốc gia, công cộng là lợi ích chi phối cần cho sự phát triển của đất nước, của địa phương, đồng thời, phục vụ lợi ích chung của cộng đồng.

Việc quy định về các trường hợp thu hồi đất tại luật là cụ thể hóa quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013 về “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định”.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất có ưu điểm rõ ràng cho việc áp dụng thực hiện; khống chế các trường hợp thu hồi đất, bảo đảm chỉ thu hồi đất trong các trường hợp luật định, không thu hồi đất tràn lan.

Tuy nhiên, quy định theo hướng liệt kê có hạn chế là không dự liệu được những trường hợp thu hồi đất khác để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Cần quy định một điều “quét”

Quan tâm đến nội dung này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Dự thảo Luật quy định cụ thể 27 trường hợp, song trong từng trường hợp lại tiếp tục có liệt kê và có thêm quy định khái quát chung, tức là quét các trường hợp khác.

Bà Thanh đề nghị: “Cần cân nhắc cách thể hiện, nếu có điều quét bao quát hết thì liệt kê cụ thể còn cần thiết không? Mặt khác việc Dự thảo liệt kê quá chi tiết, có thể dẫn đến thiếu và không đáp ứng được sự vận động, thay đổi hằng ngày của đời sống kinh tế - xã hội, khiến cho Luật dễ bị lạc hậu so với thực tiễn rồi lại phải sửa”.

Nhấn mạnh quy định về thu hồi đất là vấn đề đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp tới cuộc sống, sinh kế của nhiều người dân, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành hướng tiếp cận như Dự thảo quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất. Tuy nhiên, ông Cường đề nghị tiếp tục rà soát làm rõ từng trường hợp mới được bổ sung so với Dự thảo trước đây để đảm bảo chặt chẽ.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng và có thể quy định một điều “quét” bởi thực tế có trường hợp chưa được liệt kê, dẫn đến thiếu nên nếu không có điều quét thì sau này lại phải sửa luật.

Đề cập đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, hiện chưa xây dựng được các tiêu chí để từ đó có cơ sở phân cấp cho các địa phương. Do đó, phải áp dụng phương án đưa ra danh sách liệt kê cụ thể. Tuy nhiên, nếu thực tế phát sinh dẫn đến thiếu thì “rất gay”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, qua nghiên cứu thì thấy rằng phương án tối ưu là liệt kê các trường hợp thu hồi đất nhưng phải có điều quét để xử lý những phát sinh trong quá trình phát triển. Trường hợp thu hồi trong “điều quét” đó phải nằm trong quy hoạch được phê duyệt.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Trong cuộc sống không thể nào liệt kê hết được, nên cần có điều quét để tránh khi có phát sinh lại nói Luật không có quy định thì lại đóng hết cửa. “Quét nhưng vẫn có van, khoá chặt chẽ. Nói trường hợp thu hồi phải phù hợp quy hoạch nhưng quy hoạch nào thì phải làm rõ chứ không phải mọi quy hoạch” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Cùng chuyên mục
Phải có "van, khoá" chặt chẽ trong thu hồi đất