Khắc phục tồn tại, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác thi hành pháp luật

(BKTO) - Dù các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội song tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục; một số văn bản chưa đảm bảo về chất lượng, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển…

060920230418-toan-canh-ha-quoc-tri.jpg
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VPQH

Chậm triển khai thi hành, nợ đọng văn bản hướng dẫn

Trong một ngày làm việc, Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV đã tập trung đánh giá những kết quả tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân cũng như đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật.

Các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ và các tham luận tại Hội nghị cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, các ý kiến tại Hội nghị cũng chỉ ra không ít tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH. Một trong những tồn tại đó là công tác tổ chức triển khai một số luật, nghị quyết còn chậm.

“Theo giám sát của các cơ quan Quốc hội, một số luật được ban hành từ năm 2022 nhưng đến nay các Bộ liên quan vẫn chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Đặc biệt, trong số các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, có 6 luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 và 01/7/2024 nhưng vẫn chưa có kế hoạch triển khai, trong khi đây là nội dung rất quan trọng, cần thiết để dự kiến các công việc phải làm, nguồn lực thực hiện và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm việc thi hành kịp thời, có hiệu quả luật, nghị quyết ngay từ thời điểm có hiệu lực” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn chứng.

Tính đến ngày 23/8/2023, vẫn còn 11/50 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4 chưa được ban hành (chiếm 22%), một số văn bản đã chậm từ 8 tháng đến 1 năm rưỡi so với thời điểm luật, nghị quyết có hiệu lực. Trong số 39 văn bản quy định chi tiết đã ban hành thì cũng chỉ có 9 văn bản (23%) được ban hành đúng thời hạn. Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/01/2024, theo kế hoạch phải ban hành 39 văn bản quy định chi tiết nhưng đến nay cũng chưa có văn bản nào được ban hành.

Cùng với đó, tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục. Cá biệt, trong một số trường hợp nghị quyết của Quốc hội được thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nhưng văn bản quy định chi tiết lại ban hành chậm, làm giảm ý nghĩa, hiệu lực, hiệu quả của các giải pháp đã được Quốc hội quyết định.

Điển hình như, để đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19, căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, UBTVQH đã sớm ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng phải sau 4 tháng, Nghị định số 29/2022/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 12 mới được ban hành.

Các đại biểu cũng chỉ ra, một số văn bản chưa bảo đảm về chất lượng, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển.

Gỡ “khó” trong áp dụng pháp luật

Làm rõ hơn những bất cập trong công tác thi hành pháp luật, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Lan Anh chỉ ra, tình trạng hiểu và áp dụng thống nhất các quy định pháp luật chưa nhất quán giữa các địa phương, gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp. Thực trạng này cũng cho thấy chất lượng áp dụng pháp luật của các cơ quan thực thi ở địa phương cần được quan tâm hơn.

060920231125-lan-anh.jpg
Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Trần Thị Lan Anh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VPQH

“Việc hiểu và áp dụng pháp luật hiện nay đang rất khác nhau giữa các cơ quan thi hành và một số cơ quan như: công an, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra. Điều này tạo ra những rủi ro cho các cơ quan thực thi trên thực tế và cũng là nguyên nhân gây ra sự đình trệ nhiều hơn” - Tổng Thư ký VCCI nói.

Bất cập khác được bà Lan Anh chỉ ra là việc tìm kiếm, áp dụng pháp luật doanh nghiệp còn khó khăn, bởi việc sửa đổi, bổ sung văn bản diễn ra khá phổ biến, tuổi thọ của văn bản quy phạm pháp luật ngắn. “Có nhiều trường hợp doanh nghiệp không thể nhận biết được quy định nào đang có hiệu lực và liệu đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế hay chưa?” - bà Lan Anh chia sẻ.

Bên cạnh đó là tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật còn tồn tại dẫn đến doanh nghiệp không biết áp dụng theo quy định nào. Việc xây dựng văn bản hướng dẫn cũng chưa tốt; vẫn còn tình trạng chờ các văn bản hướng dẫn. Một số quy định chi tiết được ban hành nhưng sửa đổi, bổ sung nhiều lần, gây khó khăn cho việc phổ biến, áp dụng và tuân thủ của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân…

Từ phân tích trên, đại diện VCCI kiến nghị, thời gian tới cần đẩy mạnh tổ chức thực thi pháp luật thực sự hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, tính ổn định của các quy định pháp luật, đặc biệt là kiểm soát được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định. Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để tổ chức thi hành pháp luật.

Để khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải đề nghị, cần tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng luật, cụ thể hóa các nội dung ngay trong luật, nghị quyết của Quốc hội để có thể áp dụng được ngay, hạn chế tối đa việc luật giao cho Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành.

Đại biểu Mai Văn Hải cũng đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ và các Bộ, ngành cần quan tâm hơn nữa rà soát việc sửa đổi các văn bản pháp luật trong thẩm quyền nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan Trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục phát huy hơn nữa kết quả bài học kinh nghiệm và những thành tựu đã đạt được, khắc phục hạn chế, quán triệt đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thi hành đối với từng dự án luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay; để công tác triển khai luật, nghị quyết sẽ có những chuyển biến rõ nét, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Cùng chuyên mục
Khắc phục tồn tại, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác thi hành pháp luật