Phân bổ, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế hiệu quả, minh bạch

(BKTO) - Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Trong đó, Bộ đề xuất quy định điều chỉnh giảm số kinh phí phân bổ dành cho chi phí quản lý Quỹ BHYT để chuyển sang chi trực tiếp cho khám bệnh, chữa bệnh (KCB).

16.jpeg
Việc tăng quỹ KCB BHYT sẽ góp phần tăng quyền lợi cho người dân. Ảnh minh họa

Điều chỉnh chi phí quản lý tối đa xuống 4%

Quỹ BHYT được hình thành từ nguồn đóng của người tham gia BHYT, tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư của Quỹ BHYT theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), tiền lãi phạt chậm đóng và các nguồn thu hợp pháp khác. Số thu BHYT trong năm được phân bổ và sử dụng 90% cho KCB; 10% số tiền đóng BHYT dành cho quỹ dự phòng và chi phí quản lý Quỹ BHYT, trong đó dành tối thiểu 5% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng.

Việc tăng quỹ KCB BHYT sẽ góp phần tăng quyền lợi và khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế có chất lượng, từ đó làm giảm tỷ lệ mắc, điều trị các bệnh, tật; có thể giúp giảm thời gian, nhân lực để điều chỉnh kết dư chi phí quản lý, điều chỉnh bổ sung kinh phí cho cơ quan BHXH. Đồng thời, cơ sở KCB nhờ có thêm kinh phí nên có thể tăng phân bổ, giúp tiết kiệm chi ngân sách cho bộ máy.

Bộ Y tế

Bộ Y tế cho biết, Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất trên toàn quốc (một Quỹ duy nhất). Tuy nhiên, Luật cũng quy định về cách thức xử lý khi có kết dư hoặc thiếu hụt quỹ KCB BHYT (tính trên thực tế số thu BHYT) tại các tỉnh, thành phố. Điều này dẫn đến chưa đồng bộ, nhất quán trong cách thức quy định luật. Quy định này cũng dẫn đến việc điều tiết nguồn Quỹ BHYT và thanh toán chi phí bị thay đổi tùy thuộc vào bối cảnh, thậm chí là khác nhau theo từng tỉnh, từng cơ sở KCB.

Luật cũng chưa quy định rõ việc phân bổ Quỹ cho chi phí quản lý. Trong nhiều năm qua, phần chi phí quản lý Quỹ BHYT thực hiện hằng năm tối đa khoảng 3,5% nên cần điều chỉnh quy định cụ thể, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, Luật chưa quy định rõ quỹ dự phòng BHYT kết dư tới bao nhiêu là phù hợp, do vậy quỹ dự phòng đang tích lũy gần 50% quỹ KCB hằng năm mà chưa có biện pháp điều tiết phân bổ từ đầu năm cho kinh phí KCB hoặc tăng quyền lợi, mức hưởng. Luật cũng chưa quy định nguyên tắc điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT, điều chỉnh mức đóng BHYT.

Để khắc phục những bất cập trên, tại Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT gửi Chính phủ, Bộ Y tế đề xuất phương án điều chỉnh chi phí quản lý tối đa từ 5% xuống 4% và giao Chính phủ quy định việc phân bổ, sử dụng quỹ quản lý BHYT; phần còn lại 1% bổ sung ngay vào quỹ KCB BHYT. Cụ thể, theo Dự thảo Luật, 91% số tiền đóng BHYT dành cho KCB; 9% số tiền đóng BHYT dành cho quỹ dự phòng, chi phí quản lý quỹ BHYT, trong đó dành tối thiểu 5% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng. Mục tiêu của chính sách này nhằm quản lý, sử dụng Quỹ BHYT trên nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả, kịp thời tập trung nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe của người tham gia BHYT.

Tăng nguồn kinh phí cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Theo Bộ Y tế, phương án điều chỉnh kinh phí phân bổ trên sẽ có nhiều tác động tích cực. Đó là, tăng nguồn kinh phí chi cho KCB BHYT, nhất là trong bối cảnh mức đóng BHYT còn thấp, nhu cầu KCB của người dân ngày càng tăng. Việc tỷ lệ chi tối đa dành cho chi phí quản lý Quỹ BHYT từ 5% xuống 4%, phần còn lại 1% bổ sung ngay vào quỹ KCB sẽ giúp gia tăng kinh phí chi cho hoạt động KCB. “Tổng kinh phí được bổ sung vào quỹ KCB mỗi năm khoảng 1.100 tỷ đồng sẽ được phân bổ, điều tiết ngay từ đầu năm cho các cơ sở KCB theo yêu cầu, nhiệm vụ, góp phần giảm tình trạng thiếu kinh phí, nợ đọng kéo dài” - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết.

Bên cạnh đó, việc tăng quỹ KCB BHYT sẽ góp phần tăng quyền lợi và khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế có chất lượng, từ đó làm giảm tỷ lệ mắc, điều trị các bệnh, tật; có thể giúp giảm thời gian, nhân lực để điều chỉnh kết dư chi phí quản lý, điều chỉnh bổ sung kinh phí cho cơ quan BHXH. Đồng thời, cơ sở KCB nhờ có thêm kinh phí nên có thể tăng phân bổ, giúp tiết kiệm chi ngân sách cho bộ máy.

Mặt khác, việc có chi phí cho các hoạt động quản lý Quỹ BHYT giúp các cơ quan quản lý nhà nước đầu tư cho việc phát triển, duy trì hạ tầng công nghệ thông tin, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn đáp ứng yêu cầu của hoạt động KCB BHYT, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động liên quan đến thanh toán chi phí KCB BHYT, giúp cơ sở KCB tiết kiệm được nguồn nhân lực. “Việc ban hành chính sách cũng có tác động đến giảm nghèo thông qua hạn chế chi từ tiền túi của người dân do tăng tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng; tăng niềm tin vào chính sách BHYT, từ đó có thể thu hút người dân tham gia BHYT” - ông Trần Văn Thuấn phân tích.

Việc thực hiện giải pháp trên cũng không làm phát sinh thủ tục hành chính, giúp giảm bớt khối lượng thủ tục nội bộ trong quản lý, điều hành Quỹ BHYT. Việc giảm tỷ lệ chi tối đa cho chi phí quản lý Quỹ BHYT cũng không ảnh hưởng đến chi phí quản lý thực tế cho hệ thống cơ quan bảo hiểm xã hội./.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chi phí quản lý BHYT chỉ chiếm 3,7% tổng số tiền thu BHYT vào năm 2020 và chiếm 3,3% vào năm 2021. Năm 2023 mức lương tối thiểu tăng và sẽ tiếp tục tăng lương do cải cách tiền lương, đồng thời tỷ lệ bao phủ BHYT ngày càng tăng. Do đó, việc đặt mức tối đa 4% tiền đóng BHYT dành cho chi phí quản lý dự kiến không gây tác động tiêu cực đến việc quản lý Quỹ BHYT, bảo đảm ổn định, khả thi.

Cùng chuyên mục
Phân bổ, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế hiệu quả, minh bạch