Phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân 95% vốn ODA

(BKTO) - Việc giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài (ODA) rất thấp. Để đạt mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn như Chính phủ đã đề ra cần thực hiện đồng bộ các giải pháp và sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương.

10.jpg
Các địa phương cần rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể khả năng giải ngân của từng dự án. Ảnh: ST

Tiến độ giải ngân thấp

Ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính - cho biết, ngay từ đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đề nghị khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công vốn ngân sách nhà nước (NSNN), kế hoạch vốn ODA. Đồng thời, Bộ Tài chính đã tổ chức làm việc với một số Bộ, địa phương về tình hình giải ngân và xử lý các vướng mắc về thủ tục giải ngân, thanh toán...; làm việc với các nhà tài trợ về tiến độ đàm phán, ký kết, hiệu lực các hiệp định vay và về vướng mắc trong giải ngân. Tuy nhiên, đến hết ngày 15/5/2024 các Bộ, ngành mới giải ngân được 8,58%, kiểm soát chi đạt 7,6% kế hoạch (số giải ngân cao hơn số kiểm soát chi do có 2 khoản kiểm soát chi năm 2023 nhưng giải ngân vào 2024). Đến nay, mới có 3/10 Bộ, ngành có giải ngân, gồm: Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; 8/10 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024.

Lũy kế giải ngân vốn ODA của các địa phương đến ngày 15/5/2024 là 5,7% kế hoạch vốn được giao. Mới có 5/53 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%; 28/53 địa phương chưa giải ngân vốn ngân sách Trung ương cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đánh giá, tỷ lệ giải ngân này là rất thấp. Như vậy, mục tiêu giải ngân 95% như Chính phủ đã đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024 rất khó hoàn thành.

Sẽ triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA

Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT - cho biết, năm 2024, Bộ được giao tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN là 59.237 tỷ đồng, trong đó, riêng nguồn vốn ODA là hơn 4.366 tỷ đồng. Đến nay, Bộ GTVT đã phân bổ 100% kế hoạch vốn ODA cho 12 dự án và đã nhập dự toán lên Hệ thống Tabmis. Đến ngày 15/5, Bộ đã giải ngân được hơn 910 tỷ đồng của 10/12 dự án ODA, đạt 20,86% kế hoạch. Dự kiến, đến hết tháng 5/2024 luỹ kế giải ngân đạt khoảng 1.156 tỷ đồng, ước đạt 35,6% kế hoạch. Với tiến độ này, Bộ GTVT dự kiến hết năm 2024 phấn đấu giải ngân khoảng 3.950 tỷ đồng, đạt trên 95% kế hoạch vốn nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao.

Năm 2024, 6 dự án ODA của TP. Hà Nội được giao gần 3.896 tỷ đồng. Ông Lê Sinh Tiến - Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội - cho biết, Thành phố đã nhập toàn bộ kế hoạch vốn được giao năm 2024 cho các dự án vào Hệ thống Tabmis và không có vốn ODA năm 2023 kéo dài sang năm 2024. Hà Nội ước thực hiện giải ngân vốn ODA kế hoạch năm 2024 thấp là do các vướng mắc liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư và gia hạn các hiệp định vay, như: Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã cơ bản được giải quyết, tuy nhiên việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án và gia hạn các Hiệp định vay chậm so với kế hoạch đặt ra; với Dự án Xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, TP. Hà Nội đã gia hạn thời gian thực hiện dự án đến năm 2025, tuy nhiên phải tiếp tục gia hạn đến năm 2027 do chất lượng dịch vụ tư vấn còn hạn chế, ảnh hưởng đến công tác thực hiện 4 gói thầu xây lắp của dự án…

Những nguyên nhân, vướng mắc chính dẫn đến giải ngân chậm được đại diện các Bộ, ngành, địa phương kể đến vẫn là: Chậm giải phóng mặt bằng, chậm trong khâu đấu thầu, thiết kế kỹ thuật; dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, hiệp định vay…

Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, Bộ Tài chính sẽ đảm bảo thời gian xử lý đơn rút vốn đúng quy định. Tổ chức đoàn trực tiếp làm việc, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công; trong đó tập trung các dự án lớn, các địa phương được giao nhiều kế hoạch vốn; tiếp tục trao đổi với các nhà tài trợ nhằm tháo gỡ các vướng mắc về phía nhà tài trợ như rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục cho ý kiến không phản đối.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ, thủ tục trong việc gia hạn thời gian bố trí vốn để tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án. Hướng dẫn rõ ràng hơn cho các địa phương về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án đối với các dự án ODA triển khai tại nhiều cơ quan.

Các địa phương cần rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể khả năng giải ngân của từng dự án. Các trường hợp không có khả năng hoàn thành, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn cần có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 30/6/2024. Đối với chương trình/dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các địa phương cần báo cáo và phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư; phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký (nếu có).

Các dự án có vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án, các địa phương, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng. Các ban quản lý dự án ODA do các Bộ, ngành làm cơ quan chủ quản cần hướng dẫn, tập huấn về nghiệp vụ, năng lực cho các ban quản lý dự án địa phương để đảm bảo dự án được triển khai đồng bộ, hiệu quả./.

Cùng chuyên mục
Phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân 95% vốn ODA