Phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước

(BKTO) - Việc phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần hoàn thiện, bổ sung và cụ thể hóa các chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng...

dnnn-318.jpg
Việc tách bạch chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết. Ảnh: ST

Nhiều chuyên gia từng khuyến nghị phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước tại doanh nghiệp. Nội dung này cũng đã được Bộ Tài chính nêu tại Dự thảo Tờ trình Chính phủ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) sửa đổi.

Dự thảo Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi) gồm 9 Chương, 83 Điều. Dự kiến, Dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội thông qua vào quý IV/2024 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Theo Dự thảo, Luật sẽ đổi tên thành “Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Cần tách bạch, phân định rõ các chức năng

Bộ Tài chính cho biết, Luật số 69 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước...

Tuy nhiên, sau hơn 7 năm thực hiện, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có thay đổi.

Một số hạn chế, vướng mắc cần được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, trong đó có vấn đề tách bạch vai trò sở hữu nhà nước và chức năng quản lý nhà nước chưa đầy đủ.

PGS,TS. Nguyễn Quang Tuyến - Đại học Luật Hà Nội - cho rằng: Cần tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Chủ sở hữu nhà nước thực hiện trách nhiệm đối với doanh nghiệp nhà nước, cổ phần, vốn góp của Nhà nước theo cách thức chuyên nghiệp, chuyên trách, có hiệu lực và hiệu quả; đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp, đồng thời tiến tới mô hình các Bộ, cơ quan ngang Bộ không thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đại diện UBND TP. Hà Nội cũng cho rằng, việc tách bạch chức năng quản lý với nhiệm vụ sử dụng vốn là chủ trương rất đúng đắn. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, bổ sung và cụ thể hóa các chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng.

Theo ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) - cần tách bạch, phân định rõ chức năng đại diện chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị của doanh nghiệp. Các Bộ, quản lý ngành thực hiện đúng chức năng tham mưu xây dựng chính sách và ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành mà không tham gia trực tiếp vào việc sử dụng vốn tại các doanh nghiệp.

dnnn-3.jpg
Theo Dự thảo, Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý và đầu tư đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Internet

Chính phủ thống nhất quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

Để tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở vốn với chức năng quản lý nhà nước, theo Bộ Tài chính, cần làm rõ: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được thực hiện thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; cơ quan đại diện sở hữu vốn chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trong quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo, giải trình việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp thuộc phạm vi quản lý; doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi và báo cáo tình hình quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác.

Từ đó, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu được quy định rõ theo hướng: Chính phủ thống quản lý nhà nước về vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cho cơ quan đại diện sở hữu vốn; phân công, phân cấp trong việc quản lý và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp; báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm tình hình đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp của năm trước trong phạm vi toàn quốc.

Các Bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra theo chức năng quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ được giao trong phạm vi quản lý.

Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý và đầu tư đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, phê duyệt và điều chỉnh các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định các nội dung về đầu tư vốn vào doanh nghiệp; phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn trong công tác quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trình Thủ tướng Chính phủ điều chuyển Quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp trên 50% vốn điều lệ giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; thẩm tra, tổng hợp báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp hằng năm; xây dựng, vận hành và khai thác Hệ thống cơ sở dữ liệu về đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện đầy đủ, kịp thời quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu vốn; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trong quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo, giải trình việc đầu tư vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp thuộc phạm vi quản lý…/.

Cùng chuyên mục
Phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước