Phân tích nguyên nhân, Tổng cục Thống kê nêu rõ, do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ năm học mới tăng cao và tháng 8 là tháng mùa hè cuối cùng của năm, cũng là thời điểm cuối kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên nên các hoạt động du lịch cũng như vui chơi ngoài trời nhộn nhịp hơn.
Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 18,3%; đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng 10,4%; hàng may mặc tăng 9,2%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 10,8%; du lịch lữ hành tăng 21,3%.
Hoạt động thương mại dịch vụ tháng diễn ra khá sôi động với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng ước đạt 3.175,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,5% tổng mức và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%).
Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 11%; may mặc tăng 8,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,4%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 0,5%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương tăng cao, như Quảng Ninh tăng 11,8%; Hải Phòng và Cần Thơ cùng tăng 9,5%; Bình Dương tăng 9,4%; Đồng Nai tăng 8,2%; Hà Nội tăng 6%; TP. Hồ Chí Minh tăng 4,8%; Đà Nẵng tăng 3,1%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng ước đạt 436,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 47% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 409,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.