Thủ tướng Sanna Marin trong một buổi họp báo. Ảnh: ST
Lo ngại về tính hiệu quả của Chương trình
Báo cáo của cuộc kiểm toán độc lập được Công ty kiểm toán BDO Phần Lan đệ trình lên Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan vào cuối tháng 4/2020. Theo đó, BDO Phần Lan đã tiến hành thanh tra, kiểm tra các quy trình xử lý đơn, đánh giá tính tuân thủ của các quyết định và căn cứ cho việc cấp hay từ chối hỗ trợ, thời gian xử lý đơn và tính tuân thủ mục tiêu sử dụng ngân sách đã định của Chương trình.
Theo BDO Phần Lan, một số công ty đã xin hỗ trợ tài chính đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ cơ quan xúc tiến kinh doanh nhà nước là Business Finland đã không đáp ứng được các bộ tiêu chí của Chương trình song vẫn được tiếp nhận hỗ trợ.
Công tác đánh giá các hoạt động tài trợ của Business Finland đã được Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan ủy quyền cho BDO Phần Lan tiến hành ngay sau khi có những thông tin lo ngại rằng một số đối tượng nhận gói hỗ trợ 800 triệu Euro từ Business Finland không phải là những đối tượng thực sự cần hỗ trợ tài chính và Chương trình đang đi sai mục tiêu tài trợ ban đầu.
Các kiểm toán viên cho biết, phần lớn các khoản tiền đều được phân phát theo tiêu chí của Business Finland. Theo quy định, Business Finland sẽ không cung cấp tài chính cho các công ty đang làm thủ tục phá sản khi đơn xin tài trợ của họ được phê duyệt hoặc đang trong quá trình tái cơ cấu vì mất khả năng thanh toán. Những đối tượng xin hỗ trợ cần cung cấp kế hoạch phát triển và chứng minh một số nguồn tài chính. Khoản tiền hỗ trợ theo Chương trình không nhằm chi trả các khoản nợ hay chi phí phải trả, mà nhằm thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19.
Các khoản hỗ trợ được cấp nằm trong chương trình cung cấp hỗ trợ tài chính mới cho phát triển kinh doanh trong bối cảnh khủng hoảng do đại dịch Covid-19 của Chính phủ Phần Lan. Bản Báo cáo cũng đề cập đến nhiều trường hợp đối tượng tiếp nhận tài trợ đã không thực hiện chứng minh tài chính, không đáp ứng các tiêu chí phù hợp theo luật pháp.
Được biết, nhiều nhà vận động hành lang, các ngôi sao truyền hình thực tế, hay thậm chí các hãng tư vấn lớn, các DN do người nổi tiếng làm chủ sở hữu và một số người liên quan đến chính trị đã tiếp nhận khoản hỗ trợ 100.000 Euro. Trong khi đó, nhiều đơn xin của các DN nhỏ gặp khó khăn thực sự lại bị từ chối hỗ trợ.
Thiệt hại kinh tế do Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn rất nặng nề vào nền kinh tế Phần Lan, một quốc gia có nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu và du lịch. Bộ Lao động nước này cho biết, số người thất nghiệp sẽ tăng thêm khoảng 60.000 người vào cuối năm nay. Cơ quan an sinh xã hội Phần Lan dự báo sẽ có thêm khoảng 50.000 người cần trợ cấp từ Nhà nước.
Trước đó, hồi cuối tháng 3, Chính phủ đã tuyên bố sẽ dành 15 tỷ Euro để hỗ trợ cho các DN, các cơ sở sản xuất kinh doanh. Riêng với Hãng hàng không quốc gia Finnair, Chính phủ đã công bố bước đầu hỗ trợ 600 triệu Euro để Hãng trang trải thiệt hại vì đại dịch.
Chính phủ Phần Lan đã nhanh chóng xây dựng một dự luật yêu cầu đóng cửa các nhà hàng, quán cà phê và quán bar cho đến hết tháng 5/2020 và cân nhắc khả năng phong tỏa khu vực Thủ đô Helsinki nhằm kiềm chế dịch Covid-19 lây lan.
Tính đến ngày 08/5/2020, Phần Lan có 5.673 ca mắc Covid-19 và 255 ca tử vong. Khu vực Thủ đô Helsinki ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao nhất trên cả nước với 792 trường hợp và 1 ca tử vong. Theo Viện Sức khỏe và Phúc lợi quốc gia Phần Lan, từ tuần sau, số người được xét nghiệm Covid-19 sẽ tăng thêm gấp đôi so với hiện tại. Thủ tướng Sanna Marin cho biết, các cuộc thảo luận về khả năng tiếp tục duy trì biện pháp hạn chế đi lại đối với người dân vẫn đang diễn ra. Theo dự đoán của các chuyên gia Viện Sức khỏe và Phúc lợi, đỉnh dịch có thể bùng phát tại Phần Lan vào tháng 5 này.