Cuộc kiểm toán được thực hiện trong bối cảnh Chính phủ Pháp phải đối mặt với áp lực lớn từ dư luận sau vụ sập cầu thảm khốc ở TP. Genoa, Italia hồi giữa tháng 8/2018 khiến 43 người thiệt mạng và 9 người bị thương. Kết quả kiểm toán chủ yếu nhằm hối thúc Chính phủ tăng ngân sách cho cơ sở hạ tầng, đồng thời đưa ra các biện pháp khắc phục hiệu quả và kịp thời.
Các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng nhận định, tình trạng thiếu đầu tư, bảo trì kém, sự thao túng của công ty tư nhân chuyên sử dụng bê tông kém chất lượng để tăng lợi nhuận chính là những nguyên nhân dẫn đến thảm họa như vụ sập cầu ở Genoa.
Nhận định trên được minh chứng qua kết quả kiểm toán. Theo đó, có khoảng 1/3 trong số 12.000 cây cầu do Chính phủ Pháp xây dựng cần phải sửa chữa và khoảng 7%, tức 840 cây cầu, có nguy cơ sập trong vài năm tới nếu ngân sách cấp cho công tác bảo trì cầu đường vẫn như mức hiện tại. Báo cáo ghi nhận: “Các cây cầu chỉ được sửa chữa sau trung bình 22 năm kể từ khi xuất hiện dấu hiệu xuống cấp đầu tiên” và cho biết nguyên nhân phần lớn là do công tác bảo trì kém, thiếu đầu tư, hạn chế nhân lực kỹ thuật.
Cơ quan Kiểm toán quốc gia cho rằng, các chính quyền trước của Chính phủ Pháp đã không chi đủ ngân sách cho đường sá, trong khi lưu lượng giao thông tăng và thời tiết khắc nghiệt khiến tình hình tồi tệ hơn. Trong năm 2018, Chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron đã cam kết dành 800 triệu Euro ngân sách cho việc khôi phục cơ sở hạ tầng trong khi đáng lẽ, số tiền này phải rơi vào khoảng 1,3 tỷ Euro.
Bộ Giao thông Pháp chưa đưa ra bình luận gì trước bản Báo cáo song Bộ đã lên tiếng trấn an dư luận, khẳng định sẽ không mở cửa bất cứ cây cầu nào nếu chúng không đảm bảo an toàn. Bộ trưởng Bộ Giao thông Pháp Elisabeth Borne cam kết sẽ đưa công tác bảo trì cầu đường trở thành ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Pháp trong thời gian tới và hé lộ một kế hoạch “giải cứu cầu đường” trị giá khoảng 1 tỷ Euro trong dự thảo luật mới về cơ sở hạ tầng.
NGỌC QUỲNH
Theo Báo Kiểm toán số 14 ra ngày 04-4-2019