Chiến dịch thanh tra lao động được thực hiện 04 năm liên tiếp trong các lĩnh vực: may mặc (năm 2015), xây dựng (năm 2016), điện tử (năm 2017), khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng (năm 2018); đem lại những hiệu quả tích cực, góp phần ổn định quan hệ lao động hài hòa, có tác dụng lan tỏa tới việc tuân thủ pháp luật của các DN trong các lĩnh vực khác.
Năm nay, Chiến dịch thanh tra được triển khai với chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động để phát triển bền vững ngành chế biến gỗ”. Chiến dịch sẽ được triển khai khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó tập trung chủ yếu ở 3 địa phương trọng điểm là TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai.
Tại Lễ phát động, đại diện Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đa số các DN, cơ sở chế biến gỗ trong nước còn sử dụng công nghệ thấp, máy móc thiết bị lạc hậu và lực lượng lao động trình độ lao động giản đơn, làm việc theo mùa vụ dẫn đến tình hình tuân thủ pháp luật lao động trong ngành này còn nhiều hạn chế.Tình trạng này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của người lao động cũng như làm giảm năng suất, giảm tính cạnh tranh của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ ở cả thị trường trong nước và trên thế giới.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 4.500DN chế biến gỗ và lâm sản, với khoảng 500.000 lao động, trong đó lao động được đào tạo, làm việc ổn định chiếm từ 55- 60%, còn lại là lao động giản đơn theo mùa vụ.
Toàn cảnh lễ phát động Chiến dịch thanh tra năm 2019 - Ảnh: Việt Hùng |
Chiến dịch Thanh tra Lao động năm 2019 sẽ bao gồm các nhóm hoạt động khác nhau như thanh tra, đào tạo, tập huấn, truyền thông… nhằm tăng cường nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về tầm quan trọng của việc thúc đẩy tuân thủ pháp luật trong ngành chế biến gỗ trên toàn quốc
Box:Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu gỗ (chiếm khoảng 6% thị trường gỗ toàn cầu); tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 10-15%...
NGUYỄN LỘC