Doanh nghiệp trì trệ,hoạt động kém hiệu quả
Quản lý hơn chục DN, trong đó, 6 DN 100% vốn nhà nước, song công tác quản lý của Bộ VH-TT&DL đối với các DN này vẫn còn nhiều bất cập; hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại các DN yếu kém, thường xuyên thua lỗ, gây ảnh hưởng đến nguồn vốn nhà nước.
Theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành III, năm 2018, đơn vị đã thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Bộ VH-TT&DL năm 2017, trong đó có công tác quản lý, sắp xếp, CPH các DNNN do Bộ quản lý. Đối với 6 DN 100% vốn nhà nước, kết quả kinh doanh của các DN khá thấp (3/6 DN lỗ lũy kế đến 31/12/2017, trong đó, 2 DN có kết quả kinh doanh lỗ trong năm; 4/6 DN được thông báo dấu hiệu cảnh báo tài chính). Đối với các DN có trên, dưới 50% vốn nhà nước, 9/14 DN có số lỗ lũy kế đến 31/12/2017, trong đó, 5 DN có số lỗ chiếm từ 41% đến 231% so với vốn chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, công tác giám sát của Bộ đối với các DNNN đang quản lý cũng còn nhiều hạn chế. Có 6/6 DN 100% vốn nhà nước lập, gửi báo cáo công khai, báo cáo giám sát nhưng chưa đầy đủ; việc xếp loại cho một số DN 100% vốn nhà nước trên cơ sở số liệu báo cáo tài chính chưa được kiểm toán là chưa phù hợp; công tác giám sát chủ yếu thông qua báo cáo giám sát, báo cáo tài chính của DN, chưa thực hiện hình thức giám sát trực tiếp tại DN.
Theo PGS,TS. Lê Cao Đoàn (Viện Kinh tế Việt Nam), việc thực hiện cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, thoái vốn nhà nước tại DNNN nói chung, DNNN lĩnh vực văn hóa nói riêng vẫn còn nhiều nội dung cần chú ý, như: không xác định giá trị DN khi CPH, nhà đầu tư mua cổ phần DN để thực hiện mục đích khác (như trường hợp CPH Hãng phim truyện Việt Nam)... dẫn đến nguy cơ thất thoát vốn nhà nước. Đặc biệt, công tác sắp xếp, đổi mới, CPH và thoái vốn nhà nước tại các DN diễn ra rất chậm.
Thực tế, theo phương án sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn nhà nước thuộc Bộ VH-TT&DL giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ phải thực hiện CPH 17 DN, bán 1 DN. Thời hạn hoàn thành công tác sắp xếp, đổi mới DN là ngày 30/6/2015. Mặc dù vậy, việc thực hiện kế hoạch này không đạt mục tiêu đề ra. Đơn cử như trường hợp Công ty Phát hành sách và Văn hoá tổng hợp Quảng Ngãi, theo kế hoạch, DN sẽ được bán, tuy nhiên, đến nay mục tiêu này vẫn chưa thực hiện được; Công ty TNHH MTV Du lịch và Xúc tiến đầu tư nằm trong kế hoạch CPH giai đoạn 2011-2015, song mục tiêu này cũng không đạt...
Đẩy nhanh tiến độ,nhưng cần thận trọng
Sự chậm trễ trong thực hiện CPH tại các DNNN thuộc Bộ VH-TT&DL cũng được thể hiện rất rõ qua kết quả kiểm toán của KTNN. Theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành III, trong năm 2017, Bộ sẽ thoái vốn tại 3 DNNN, tuy nhiên, việc thực hiện chưa đảm bảo tiến độ đề ra. Đến tháng 4/2018, Bộ mới phê duyệt phương án thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần In Trần Phú, Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ dầu khí Việt Nam; tháng 11/2018, phương án thoái vốn tại Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền hình mới được phê duyệt.
Trao đổi với Báo Kiểm toán, đại diện Bộ VH-TT&DL cho biết, kết quả kiểm toán đối với công tác CPH DNNN tại Bộ đã phản ánh đúng những khó khăn, vướng mắc mà Bộ đang gặp. Sau khi có kiến nghị kiểm toán, Bộ đã nghiêm túc tiếp thu, thực hiện, đặc biệt là Bộ đã tăng cường công tác giám sát DN. Cũng theo đại diện Bộ VH-TT&DL, hết năm 2018, Bộ đã hoàn tất việc thoái vốn tại 3 DN. Ngoài ra, công tác CPH DNNN vẫn đang được Bộ triển khai.
Trước tiến độ CPH, thoái vốn nhà nước tại các DNNN nói chung còn chậm trễ, ngay đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, CPH và thoái vốn nhà nước tại DNNN và DN có vốn nhà nước. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, DNNN tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước; kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường...; xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức để chậm trễ trong công tác CPH, thoái vốn; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm.
Như vậy, thông điệp trong chỉ đạo của Thủ tướng là rất rõ ràng: Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ, công tác sắp xếp, CPH DNNN cũng phải chú trọng bảo toàn vốn nhà nước tại các DN. Điều này cũng cần được Bộ VH-TT&DL lưu ý thực hiện để tránh rủi ro, dẫn đến thất thoát vốn như nhiều trường hợp DNNN đã CPH trước đây, như: Hãng phim truyện Việt Nam, Khách sạn Kim Liên...
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 12 ra ngày 21-3-20198